Để chăn nuôi hàng hóa phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/12/2012 | 9:12:18 AM

YBĐT - “Cõng” trên lưng bao nhiêu khó khăn từ dịch bệnh đến giá lợn rớt thê thảm rồi giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến giờ đã tăng mấy đợt, tuy vậy, nhiều người tâm huyết gắn với nghiệp chăn nuôi vẫn gắn bó, hy vọng nhanh qua thời điểm này.

Cơ sở chăn nuôi của gia đình anh Quách Mạnh Cường thường xuyên có hàng trăm con lợn thịt.
Cơ sở chăn nuôi của gia đình anh Quách Mạnh Cường thường xuyên có hàng trăm con lợn thịt.

Cơ sở chăn nuôi của gia đình anh Quách Mạnh Cường (xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình) thường xuyên nuôi hàng trăm con lợn thịt. Năm nay, với chính sách khuyến khích của tỉnh hỗ trợ chăn nuôi lợn nái quy mô 10 con/cơ sở, gia đình anh tiếp tục đầu tư nuôi 12 con lợn nái giống hướng nạc và siêu nạc. Từng lứa lợn được nhốt riêng theo độ tuổi và chủng loại. Chăn nuôi với quy mô lớn nên đã từ lâu anh Cường không lo đầu ra, thức ăn công ty mang đến nhà, lợn đến tuổi xuất bán thương lái sẽ đưa xe đến tận nơi.

Anh cho biết: “Gia đình chuẩn bị bán 15 con, nhưng giá thời điểm này cũng chỉ được 38.000 đồng/kg, thức ăn từ tháng 5 đến giờ đã tăng 2 đợt. Trong thời điểm này, tự túc được giống và chăn nuôi quy mô lớn còn cầm cự được còn chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ không bền vững. Hy vọng đến tết Nguyên đán giá cả sẽ cao hơn chút nữa để người chăn nuôi gỡ gạc được chút nào hay chút ấy”.

Mong muốn của anh Cường cũng là mong muốn của hàng nghìn hộ chăn nuôi khác tại thời điểm này. Sau 5 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa, Yên Bái đã thực hiện hỗ trợ xây dựng được 855 cơ sở chăn nuôi, trong đó, có 383 cơ sở nuôi lợn thịt từ 50 - 100 con, 277 cơ sở nuôi lợn nái quy mô từ 10 - 20 con, 1 cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô trên 300 con, 194 cơ sở chăn nuôi gia cầm.

Đặc biệt, Yên Bái đã hình thành một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn như Trung tâm công nghệ cao Vinashin quy mô 200 nái và 1.000 lợn thịt, Trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hòa Bình Minh có trên 5.000 con, trong đó trên 600 nái ông bà và bố mẹ, Công ty TNHH Bình An có 218 nái sinh sản và 1.000 lợn thịt, trang trại của ông Phùng Quang Hà (xã Nga Quán, huyện Trấn Yên) quy mô 600 lợn nái, Hợp tác xã nông nghiệp Phù Nham (huyện Văn Chấn) nuôi 75 lợn bố mẹ và 500 lợn thương phẩm.

Các trang trại này đều được đầu tư dây chuyền hiện đại, sản xuất theo quy trình khép kín, có đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên trình độ chuyên môn cao, sản phẩm chủ yếu bán ra tỉnh ngoài như Hà Nội, Vĩnh Phúc... Các cơ sở chăn nuôi hàng hóa đã chiếm 9,5% cơ cấu đàn lợn và  4,7% cơ cấu đàn gia cầm, cung cấp 22% sản lượng thịt hơi xuất chuồng.

Các chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa đã tạo bước đột phá. Hầu hết các cơ sở chăn nuôi đều tổ chức sản xuất tốt, tuân thủ quy trình phòng chống dịch bệnh, thay đổi phương thức sản xuất, chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng cao, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Theo tính toán, hiệu quả từ chăn nuôi hàng hóa đối với mô hình chăn lợn thịt quy mô 100 con/lứa cho thu lãi trung bình 25 - 30 triệu đồng/năm, cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản quy mô 20 con/lứa cho thu lãi trung bình 20 - 30 triệu đồng/năm, cơ sở chăn nuôi gia cầm 1.000 con/lứa cho thu lãi trung bình 10 -20 triệu đồng/năm. Chăn nuôi hàng hóa mang lại hiệu quả cao về năng suất và sản lượng, thời gian quay vòng nhanh, lợn thịt từ 3 - 4 tháng/lứa, trọng lượng xuất chuồng trung bình 75 - 90 kg/con, gà thịt nuôi từ 4 - 5 tháng/lứa, trọng lượng xuất chuồng bình quân 2,0 kg/con.

Tuy nhiên, sản phẩm hàng hóa của chăn nuôi còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và không đồng đều giữa vùng thấp với vùng cao; sản xuất cung ứng giống vật nuôi chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; chưa có hệ thống giết mổ, chế biến sản phẩm động vật tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường và kiểm soát dịch bệnh; công tác xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được đẩy mạnh, chưa có các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, tiêu thụ  sản phẩm cho người chăn nuôi…

Chăn nuôi hàng hóa với quy mô lớn là hướng đi đúng, đã được nhiều địa phương trong cả nước thực hiện có hiệu quả, đối với Yên Bái, cần có cơ chế hỗ trợ các hộ chăn nuôi vay vốn được thuận tiện, thời hạn trả linh hoạt với chu kỳ chăn nuôi, hỗ trợ người chăn nuôi khi gặp rủi ro, áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gắn công tác khuyến nông với cập nhật thông tin về thị trường, xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung….có như thế chăn nuôi mới thực sự bền vững và có hiệu quả cao.

 Hồng Khanh

Các tin khác

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung nội dung ưu đãi trong Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà ở.

Tổng cục Hải quan (TCHQ) vừa có Công văn số 6740/TCHQ-ĐTCBL yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP và Cục Điều tra chống buôn lậu, TCHQ căn cứ thực tế của từng địa bàn quản lý để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chống buôn lậu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước một mặt triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư;

YBĐT - Ngày 8/12/2012, Sở Giao thông Vận tải Yên Bái đã tổ chức khởi công xây dựng công trình nâng cấp Quốc lộ 32C đoạn Km79 – Km87+150 thuộc Dự án nâng cấp Quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương – Thành phố Yên Bái (Km79 – Km 96+500).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục