Không lẽ để cam sành Lục Yên bị “xóa sổ”?
- Cập nhật: Thứ tư, 26/12/2012 | 9:22:49 AM
YBĐT - Từ một huyện có hàng trăm héc-ta cam, thì đến nay, nhiều xã ở Lục Yên đã “trắng” cam sành. Người Lục Yên tiếc nuối và vẫn trăn trở với câu hỏi: không lẽ nào giống cam sành nổi tiếng lại bị “xóa sổ”? >>>Cam sẽ lại về trên đất Lục Yên / Anh Sơn làm giàu nhờ trồng cam / Tín hiệu vui cho đặc sản quýt sen Yên Bái
Cam ở xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên. Ảnh M.Q
|
Nói đến Lục Yên, người ta nghĩ ngay đến vùng đất của đá quý cùng những sản vật đặc trưng như cam, quýt, hồng không hạt... Những sản phẩm nông nghiệp ấy không những giúp nhiều người biết đến Lục Yên mà còn một thời giúp cho hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, giờ đây, những giống cây ăn quả đó đang ngày bị thu hẹp và có nguy cơ xóa sổ…
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về Lục Yên, nơi có sản phẩm cam sành nổi tiếng một thời. Dạo quanh chợ huyện, chỉ thấy chất ngất là quýt, còn cam sành nổi tiếng một thời thì vắng bóng, chỉ có một vài sọt nhỏ. Thôn Cầu Vè, xã Tân Lĩnh - nơi ngày xưa có giống cam sành ngon tuyệt thì hôm nay, đi từ đầu làng đến cuối thôn cũng không còn một bóng cây cam.
Chục năm trước, cả làng này đều sống nhờ cam bởi cam không chỉ thay những mái nhà tranh tồi tàn thành những ngôi nhà xây mà còn giúp nhiều gia đình trở thành giàu có. Cây cam đã giúp thôn Cầu Vè thay da đổi thịt, người dân trong làng không phải đi làm ăn xa. Thế mà năm 1997 trở đi, cây cam sành chết dần và đến năm 2007 thì không còn cây nào.
Ông Nguyễn Hữu Quyền năm nay 72 tuổi từng là một trong những người trồng cam nhiều nhất ở đây. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, có lúc gia đình ông trồng trên 500 gốc cam sành. Ông bảo: “Thời kỳ đó, một gốc cam thu 3 tạ cam, đong được một tấn thóc”.
Chỉ sang ngôi nhà xây bên cạnh, ông bảo rằng, ở thôn này, xây được nhà, mua được xe máy cũng từ cây cam. Thế rồi cây cam bị sâu bệnh chết hàng loạt. Nhiều đoàn kỹ sư đến nghiên cứu nhưng đều không có kết quả và năm 1997, gia đình ông phải chặt sạch, thay vào đó là trồng cà, trồng xoan. Giở bài thơ “Trồng cà nhớ cam” ra đọc, ông Quyền nuối tiếc, Cầu Vè này còn cam thì giờ trù phú lắm.
Gần nhà ông Quyền là hộ ông Lương Chân Chính. Gần chục năm trước, gia đình này có hơn 2ha cam, quýt, chủ yếu là giống cam sành và quýt, hàng năm cho sản lượng gần chục tấn quả, thu nhập 40 - 50 triệu đồng nhưng giờ cũng không còn một gốc. Trưởng thôn Cầu Vè Hoàng Cao Vi cho biết, thời kỳ cao điểm, diện tích trồng cam cả thôn lên đến 15ha, cả xã Tân Lĩnh có khoảng 50ha.
Ông Vi bày tỏ: “Vườn tược của bà con thì rộng mà nhiều hộ đều bỏ không, trồng xoan, trồng cây ăn quả khác đều không có hiệu quả. Người dân trong thôn ai cũng muốn khôi phục lại việc trồng cam. Nếu có dự án thử nghiệm trồng cam như hỗ trợ giống cây hay kỹ thuật trồng thì tốt quá. Tôi nghĩ, đất này là đất cam, cam đã chết gần chục năm nên môi trường cũng đã sạch bệnh. Có một số hộ trồng giống cam Vinh đã cho quả”.
Ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lục Yên cho biết: “Thời kỳ cao điểm, diện tích cam của toàn huyện lên đến trên 300ha, tập trung ở hầu hết các xã, nhiều nhất là Tân Lĩnh, Minh Chuẩn, Mường Lai, thị trấn Yên Thế. Từ năm 2005, diện tích cam bị thu hẹp do bệnh vàng lá, tác nhân gây bệnh là loại rầy chổng cánh. Đặc biệt, loại bệnh này lây lan rất nhanh và phát tán sang các địa bàn khác”.
Từ một huyện có hàng trăm héc-ta cam, sản lượng hàng trăm tấn thì đến nay, nhiều xã ở Lục Yên đã “trắng” cam sành. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, từ năm 2007 đến nay, mỗi năm Lục Yên có khoảng 4 - 5ha cam bị nhiễm bệnh người dân phải đốn bỏ. Hiện nay, huyện chỉ còn chưa đầy 100ha cam tập trung ở Mường Lai, Khánh Hòa, thị trấn Yên Thế.
Người Lục Yên tiếc nuối và vẫn trăn trở với câu hỏi: không lẽ nào giống cam sành nổi tiếng lại bị “xóa sổ”?
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái kiểm tra phát hiện, xử lý và tịch thu 250 chiếc áo lót ngực nữ chứa dung dịch có hạt do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn phụ.
YBĐT - Năm 2012, thành phố đã hỗ trợ trên 800 triệu đồng cho sản xuất nông nghiệp, trong đó hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố 155 triệu đồng cho 6 cơ sở sản xuất bịch và chế biến nấm.
Ngày 25/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Quyết định số 2669/QĐ-NHNN về việc công bố các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực cấp phép thành lập và hoạt động ngân hàng.
YBĐT - Trong vòng hơn một năm trở lại đây, việc hợp pháp hóa quyền sử dụng đất được các ngành chức năng của thành phố Yên Bái thực hiện nhanh chóng, đúng luật.