Chế độ quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ
- Cập nhật: Thứ ba, 8/1/2013 | 8:28:51 AM
Liên Bộ Tài chính và Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ.
Ảnh minh họa
|
Nội dung chi của Quỹ bảo trì đường bộ gồm: Chi bảo dưỡng thường xuyên; Chi sửa chữa định kỳ (gồm: sửa chữa lớn, sửa chữa vừa) đường bộ; Chi sửa chữa đột xuất (khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão hoặc các nguyên nhân bất thường khác để đảm bảo giao thông và an toàn giao thông); Chi quản lý công trình đường bộ do các tổ chức cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích quản lý bảo trì đường bộ thực hiện; Chi hoạt động các Trạm kiểm tra tải trọng xe, gồm: Chi phí hoạt động thường xuyên, chi không thường xuyên (mua sắm, sửa chữa thiết bị; sửa chữa, nâng cấp nhà trạm)…
Thông tư này hướng dẫn cách lập, phân chia và giao kế hoạch thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho Quỹ trung ương và Quỹ địa phương.
Đối với phí thu từ xe ô tô, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương xem xét, phê duyệt kế hoạch thu và giao kế hoạch cho các đơn vị thực hiện; trong đó phần trích để lại chi cho đơn vị tổ chức thu phí theo quy định, phần còn lại để chi quản lý bảo trì đường bộ được phân chia cho Quỹ trung ương 65% và các Quỹ địa phương 35%; quyết định phân chia 35% cho từng Quỹ địa phương.
Đối với phí thu từ xe mô tô, Hội đồng quản lý Quỹ địa phương xem xét, phê duyệt kế hoạch thu và giao kế hoạch cho các đơn vị thực hiện; trong đó phần trích để lại chi cho đơn vị tổ chức thu phí theo quy định, phần còn lại để chi quản lý bảo trì đường bộ.
Lập phương án phân bổ kế hoạch chi quản lý, bảo trì quốc lộ
Về giao kế hoạch chi, Thông tư quy định căn cứ mức bổ sung từ ngân sách trung ương được Bộ Giao thông vận tải giao, số phí thu từ ô tô (phần được phân chia 65%), kế hoạch quản lý bảo trì quốc lộ; Hội đồng quản lý Quỹ trung ương thông báo kế hoạch chi quản lý bảo trì đường bộ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam và chi hoạt động cho Văn phòng Quỹ để lập phương án phân bổ kinh phí, báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ trung ương thẩm định, phê duyệt.
Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập phương án phân bổ kế hoạch chi quản lý, bảo trì quốc lộ cho các Khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được ủy quyền quản lý) theo quy định và chi tiết theo từng công trình gắn với đoạn đường, tuyến đường, khối lượng và kinh phí thực hiện (trừ công trình sửa chữa đột xuất bước 1).
Đối với công trình có thời gian thi công trên 1 năm, việc phân bổ kế hoạch chi từng năm phải bảo đảm theo khối lượng và thời gian thi công được phê duyệt trong quyết định đầu tư; không phân bổ kế hoạch chi để trả nợ đối với khối lượng đã thực hiện năm trước nhưng ngoài danh mục kế hoạch được giao năm trước (trừ khối lượng sửa chữa đột xuất, cầu yếu, điểm đen, các vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông và các nguyên nhân khách quan khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa có kinh phí bố trí).
Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc quản lý, sử dụng Quỹ
Để đảm bảo việc sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ đúng mục đích, có hiệu quả, Bộ Giao thông vận tải, Cơ quan Giao thông vận tải địa phương, Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
Trong quá trình quản lý, kiểm tra phát hiện các khoản chi không đúng chế độ, chi sai nội dung quy định, đều phải xuất toán thu hồi Quỹ; đồng thời cá nhân ra quyết định chi sai phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh.
YBĐT - Năm 2013 ghi dấu 10 năm Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) được thành lập và đi vào hoạt động.
YBĐT - Hiện nay, hầu hết diện tích chè cổ thụ của xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đang bị dịch mối xâm hại làm cây chè sinh trưởng và phát triển kém, ảnh hưởng đến năng suất thu hái búp chè tươi.
Tổng số tiền hỗ trợ Tết cho người có công tăng; người cận nghèo nếu quá khó khăn cũng sẽ được hỗ trợ gạo; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ công nhân các doanh nghiêp khó khăn; nhà nước ứng trước để trả lương cho người lao động tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn… là những chính sách sẽ áp dụng trong dịp Tết này.