Văn Yên: Sắn được mùa, được giá vẫn chưa vui…

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/1/2013 | 8:53:38 AM

YBĐT - Sau một vài vụ sắn “đỏng đảnh” thì thời tiết năm 2012 khá thuận lợi, cùng với tích cực đưa các giống mới và áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững nên năng suất, sản lượng sắn ở Văn Yên tăng khá. Được mùa, nay giá sắn cũng tương đối ổn định, nhiều gia đình thu cả trăm triệu đồng tiền sắn.

Một xưởng chế biến sắn lát khô ở Văn Yên.
Một xưởng chế biến sắn lát khô ở Văn Yên.

Dọc tuyến đường từ thị trấn Mậu A ngược lên Đông Cuông, An Bình, Lâm Giang hay qua sông Hồng ngược lên Đông An, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ... đâu đâu cũng bắt gặp cảnh nông dân nô nức lên đồi nhổ sắn. Đường làng nhộn nhịp xe lớn, xe nhỏ chở sắn vào nhà máy, đưa về xuôi và vào các lò sấy sắn thủ công.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, vụ sắn 2012, Văn Yên trồng trên 8.000 ha thuộc 17 xã trong huyện. Hiện nay, bà con đã thu hoạch được khoảng 4.000ha, năng suất bình quân đạt trên 21 tấn/ha, sản lượng sắn đạt trên 166.000 tấn sắn củ. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích trồng sắn lớn hơn rất nhiều. Sắn được trồng quanh nhà, ven đồi, lên núi, thậm chí xen cả vào diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, sắn từ vùng thấp lên vùng cao, nơi nào có đất là người dân trồng sắn.

Nếu như trước đây, khi xây dựng Nhà máy sắn Văn Yên, người ta lo không đủ nguyên liệu cho chế biến thì nay, Nhà máy chỉ thu mua sắn của những địa phương ký hợp đồng từ đầu vụ. Không chỉ nhà máy sắn chạy hết công suất mà ven các vùng nguyên liệu, chỗ nào cũng thấy mở xưởng chế biến sắn lát. Bình quân mỗi một xưởng chế biến một vụ cũng tiêu thụ cả nghìn tấn nguyên liệu, bên cạnh đó còn có cả ngàn tấn sắn củ được các tư thương thu mua chở về xuôi.

Cây sắn giống mới đã góp phần đưa năng suất, sản lượng sắn của huyện tăng khá.

Có cầu ắt có cung, diện tích sắn ngày một tăng, thậm chí vượt cả quy hoạch của ngành cũng như các địa phương. Giá trị kinh tế mà cây sắn mang lại cho người dân Văn Yên không nhỏ. Mỗi gia đình chỉ trồng một, hai héc-ta sắn, mỗi năm cũng cho thu gần trăm triệu đồng, một con số không hề nhỏ đối với người dân nông thôn.

Chị Vũ Thị Tuyết ở xã Mậu Đông đang thu hoạch sắn phấn khởi nói: “Gia đình không có nhiều đất, mỗi năm cũng chỉ trồng được trên dưới 5 sào sắn nhưng do áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh cùng với đưa giống mới vào trồng nên năng suất đạt khá. Từ đầu vụ đến nay, gia đình đã bán 5 tấn sắn củ, giá 1.500 đồng/kg, thu 7,5 triệu đồng. Từ giờ đến cuối vụ, gia đình thu hoạch nốt khoảng 6 tấn nữa. Diện tích ít nên không thể được nhưng nhờ trồng sắn mà gia đình cũng trang trải được phần nào sinh hoạt cuộc sống”.

Ông Phạm Đức Thái - Trưởng thôn Gốc Đa, xã Đông Cuông cho biết: Toàn thôn có 156 hộ dân, 675 nhân khẩu thì 100% số hộ tham gia trồng sắn từ năm 2002. Nhờ trồng sắn mà đời sống nhân dân trong thôn đã ngày một khá giả. Toàn thôn đã có 40% - 50% số hộ có nhà xây; xe máy, ti vi thì hầu như nhà nào cũng có; số hộ nghèo giảm còn 25 hộ. Sắn là cây trồng không khó tính nhưng “ăn đất” lắm.

Từ năm 2012, thôn vận động bà con và xây dựng các mô hình thâm canh sắn bền vững. Ngoài việc đưa giống sắn mới như KM94, KM21 vào trồng, bà con tích cực chăm sóc nên năng suất sắn tăng lên rõ rệt. Nếu như những vụ trước chỉ đạt 20 tấn/ha, nay tăng lên 24 - 25 tấn/ha.

Hiện nay giá bình quân trên thị trường là 1.500 đồng/kg.

Sắn là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả và nhanh nhất so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, đầu ra còn bấp bênh, giá cả thất thường, hiện nay giá bình quân 1.500 đồng/kg thì tạm được, như những năm trước thấp quá, nhiều gia đình không muốn nhổ để bán. Nhà nước cần có một cơ chế, chính sách trong khâu tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân tránh bị ép cấp, ép giá.

Cũng như nhiều hộ trồng sắn khác, gia đình chị Liên ở xã Đông Cuông đã gắn bó với nghề trồng sắn hàng hóa cả chục năm nay chia sẻ: “Trồng sắn không khó, vốn đầu tư không nhiều, hầu như không có sâu bệnh, thế nhưng trồng sắn hàng hóa thì lo nhất là thị trường. Từ khi phát cỏ trồng hom rồi sắn lên tốt, người dân cứ thấp thỏm lo cho tới ngày thu hoạch, không biết giá cả thế nào. Rẻ quá thì lỗ, như năm 2000, giá xuống quá thấp, hàng trăm hộ dân cứ bỏ sắn trên đồi, không muốn nhổ bán. Năm nay, giá tại thời điểm này thì còn được nên tranh thủ nhổ bán, nhà máy không mua bán cho tư thương, nếu không mấy hôm nữa xuống thấp lại lỗ vốn”.

Những ngày cuối năm, lượng xe chở sắn xuất hiện với tần suất khá lớn.

Rõ ràng, sắn được mùa, bán được giá nhưng người trồng sắn vẫn không có một niềm vui trọn vẹn bởi sự “đỏng đảnh” của thị trường. Mong muốn hầu hết của người dân là Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp, giúp tìm đầu ra ổn định cho người trồng sắn ở Văn Yên. Nhà máy sắn Văn Yên dù hoạt động hết công suất mỗi năm cũng chưa hết 50% sản lượng sắn toàn huyện. Từ đầu vụ đến nay, nhà máy cũng mới chỉ thu mua 35.000 tấn, còn khoảng 40.000 tấn củ do các tư thương, lò thủ công mua chế biến.

Phát triển không theo quy hoạch và công tác quản lý quy hoạch trong sản xuất nông - lâm nghiệp đang là vấn đề khó và dường như vẫn chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu. Phát triển tràn lan, phát triển theo phong trào đã và đang đưa người dân vào cảnh khó, lãng phí tài nguyên và phần thiệt thòi luôn thuộc về người dân. Cần có những cách làm, cách quản lý đổi mới để cây sắn ở Văn Yên có thể phát triển một cách bền vững, hiệu quả.

Thanh Phúc

Các tin khác
Không tăng giá dù xăng dầu đang lỗ.

Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang lỗ từ 158 - 297 đồng/lít. Để tránh một đợt tăng giá, liên Bộ Tài chính - Công Thương cho phép doanh nghiệp tăng mức trích sử dụng Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng thêm 100 - 200 đồng/lít.

Anh Phạm Văn Đường là một trong 6 hộ tiên phong tham gia trồng khảo nghiệm hai giống cây ăn quả mới tại vườn nhà.

YBĐT - Thành công của Dự án trình diễn khảo nghiệm giống bưởi Phúc Trách, bưởi Diễn và quýt không hạt do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái phối hợp Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương triển khai thực hiện trên đồi đất Trần Phú sẽ góp thêm một loại cây trồng hiệu quả trong chiến lược phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả có múi của địa phương.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, gia đình anh Nguyễn Văn Tài ở xã Mậu Đông (Văn Yên) đầu tư vốn sản xuất vật liệu xây dựng, đạt hiệu quả kinh tế cao.
(Ảnh: Minh Thúy)

YBĐT - Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Lâm Giang (Văn Yên) đã tích cực cùng các đoàn thể xây dựng khối đoàn kết dân tộc, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Tài chính vừa có công điện số 01 gửi các đơn vị trực thuộc về tăng cường các mặt công tác trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục