Văn Lãng: Lòng dân mở đường

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/2/2013 | 9:29:50 AM

YBĐT - Là một xã nghèo của huyện Yên Bình, năm 2012, Văn Lãng đã được đầu tư hỗ trợ nhiều tỷ đồng để kiến thiết cơ sở hạ tầng và làm đường giao thông.

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã Văn Lãng (Yên Bình). Ảnh: Ngọc Đồng
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã Văn Lãng (Yên Bình). Ảnh: Ngọc Đồng

Trong thời buổi đất chật người đông, việc vận động người dân tự nguyện hiến đất làm đường ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng ở xã Văn Lãng - một xã nghèo của huyện Yên Bình, đã có gần 80 hộ dân tự nguyện hiến trên 14.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn mặc dù cuộc sống chưa phải là sung túc.

May mắn chúng tôi có mặt tại xã Văn Lãng đúng vào thời điểm nhân dân trong xã đang hồ hởi vận động nhau phá bỏ vườn tược, cây cối, hoa màu thậm chí cả ao nuôi cá để tự nguyện hiến đất làm đường giao thông mà không đòi hỏi sự đền bù của Đảng, Nhà nước. Có lẽ chưa bao giờ, phong trào người dân hiến đất làm đường ở Văn Lãng lại sôi nổi như hiện nay.

Gia đình ông Lương Năng Đạt ở thôn 1 là một điển hình. Mặc dù gia đình chưa phải là hộ khá giàu nhưng khi Đảng ủy, chính quyền địa phương có chủ trương làm đường, ông đã là hộ đầu tiên tự nguyện hiến 1.800m2 đất bao gồm 360m2 ao thả cá, 360m2 đất nông nghiệp, còn lại là vườn rừng và cây ăn quả mà không nhận một khoản tiền hỗ trợ nào trong khi người dân ở thôn 2 vừa may mắn được hưởng lợi từ việc đền bù giải phóng mặt bằng.

Ông Đạt chia sẻ: “Tôi làm như vậy là học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Hơn nữa, làm đường là làm cho mình và con cháu mình đi thì mình phải đóng góp công sức nhỏ bé vào đó với Đảng, Nhà nước chứ”. Thôn 1, xã Văn Lãng hiện có 73 hộ thì 33 hộ nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng hành lang để xây dựng các tuyến đường giao thông.

Chỉ sau 3 ngày tuyên truyền, vận động, tất cả 33 hộ dân đã đồng tình hiến hơn 10.000m2 đất mở rộng đường. Hàng trăm bụi tre, bụi chuối và hàng trăm cây keo, cây ăn quả được bà con phá bỏ để con đường thêm rộng rãi.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khuyên - Bí thư Chi bộ 1 cho biết: “Khi có chủ trương làm đường, chúng tôi đã tổ chức họp Chi bộ và triển khai tới toàn thể cán bộ, đảng viên để làm công tác tư tưởng. Sau khi nhận được sự thống nhất của Chi bộ, chúng tôi mới triển khai đến nhân dân. Vì vậy, chỉ trong 3 ngày tuyên truyền, vận động, tất cả số hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng trong thôn đều nhất trí tự nguyện hiến đất để làm đường”.

Là một xã nghèo của huyện Yên Bình, năm 2012, Văn Lãng đã được đầu tư hỗ trợ nhiều tỷ đồng để kiến thiết cơ sở hạ tầng và làm đường giao thông. Trong đó, có dự án đầu tư xây dựng đường đến trung tâm xã với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng đi qua thôn 1, 2 và 5. Dự án được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 thực hiện ở thôn 2 và giai đoạn 2 tiếp tục thực hiện ở hai thôn còn lại.

Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng chỉ có ở giai đoạn 1 và may mắn 25 hộ dân ở thôn 2 được hưởng lợi. Còn khi dự án đến giai đoạn 2 triển khai ở thôn 1 và thôn 5, do nguồn kinh phí hạn hẹp đã phải cắt phần đền bù giải phóng mặt bằng trong khi những con đường cũ đều nhỏ, hẹp. Vấn đề đặt ra là để làm được những con đường này phải huy động được sự tự nguyện hiến đất của người dân.

Thường trực Đảng ủy xã Văn Lãng đã ra nghị quyết tập trung lãnh đạo công tác giải phóng mặt bằng và chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để các đoàn viên, hội viên và người dân nhận rõ lợi ích lâu dài khi có các công trình giao thông trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Gần 80 hộ dân của xã đã tự nguyện hiến trên 14.000m2 cùng nhiều cây cối, hoa màu để công trình được thi công.

Tuyến đường ở thôn 5 dài hơn 700m và cũng từ sự tự nguyện hiến hơn 3.300m2 đất của 24 hộ dân, đến thời điểm này, chỉ sau vài tháng thi công, con đường đã cơ bản hoàn thành.

Anh Trần Vạn Anh - Trưởng thôn 5 cho hay: “Lúc đầu đến tuyên truyền, vận động, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn vì một số hộ vẫn còn lăn tăn, so bì là cùng một tuyến đường mà tại sao bà con thôn 2 được đền bù giải phóng mặt bằng, còn mình thì không được. Chúng tôi đã kiên trì vận động và giải thích để bà con hiểu rằng, cơ hội làm đường chỉ đến một lần. Bản thân gia đình tôi cũng đã hiến hơn 500m2 đất cho thôn”.

Hộ anh Trần Bá Thủy là hộ gia đình chính sách. Khi được tuyên truyền, vận động, anh không chỉ tự nguyện hiến hơn 500m2 đất và đóng góp gần chục ngày công lao động để làm đường mà còn tích cực vận động bà con trong thôn cùng làm theo.

Anh Thủy bộc bạch: “Khi mở rộng đường, dân mình sẽ được hưởng lợi đầu tiên, đi lại thuận tiện, hàng hóa bán được giá nên tôi đã hiến đất để làm đường”.

Chính nhờ sự đồng tình ủng hộ bằng cả vật chất và tinh thần của người dân cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung và dự án làm đường nói riêng trên địa bàn xã Văn Lãng đều được triển khai nhanh chóng, thuận lợi cho các ngành chức năng, nhất là các đơn vị thi công. Công trình dự án được triển khai thực hiện đến đâu, bà con đều sẵn lòng hiến đất tới đó.

Anh Phạm Quang Vinh - cán bộ kỹ thuật đơn vị thi công công trình đường trung tâm xã Văn Lãng chia sẻ: “Chúng tôi làm đường, bà con rất vui mừng. Nhiều hộ bảo, các anh làm đường đến đâu thì cắm cột mốc tới đó, chúng tôi sẽ tự giác chặt bỏ cây cối và hiến đất để các anh làm”.

Không chỉ quản lý và vận động nhân dân thực hiện tốt các công trình thuộc dự án đầu tư mà trong năm 2012, Văn Lãng còn vận động 96 hộ dân ở thôn 6 tự nguyện hiến hơn 1.200m2 đất, đóng góp trên 250 triệu đồng và 1.700 công lao động để bê tông hóa 0,5km đường liên thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Giờ đây, đến với Văn Lãng, những con đường ổ trâu, ổ gà nhầy nhụa bùn đất đã không còn mà dần thay thế bằng những con đường bê tông, trải nhựa phẳng phiu. Những con đường từ lòng dân ấy chắc chắn sẽ đem lại ấm no, hạnh phúc cho người dân và sự phồn thịnh cho quê hương, đất nước.

Kiều Mười - Đức Thành

Các tin khác

Thị trường dịp Tết Quý Tỵ 2013 khá ổn định, hàng hóa dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Giá cả thị trường trong cả nước cơ bản ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây "sốt" giá.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Thủ tướng vừa phân công Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận bàn giao và trực tiếp phụ trách Bộ Tài chính.

Xe chở sắn chờ thông quan.

Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản như sắn tươi; hàng nhập khẩu là hóa chất, phân bón các loại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, hơn 23 năm kể từ khi Chính phủ Lào thông qua chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài (1989-2012), Việt Nam đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở nước này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục