Khởi sắc vùng cao Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ hai, 25/2/2013 | 4:07:56 PM
YBĐT - Được tách ra từ huyện Văn Chấn (Yên Bái) khoảng những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, ai đã từng lên với Trạm Tấu chục năm trước hẳn không bao giờ quên những khó khăn, lạc hậu của nơi đây. Vậy mà có dịp lên với huyện vùng cao mùa xuân này, cảm nhận rõ ràng trong tôi đó là đang có sự thay da đổi thịt...
Đưa giống mới và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng lương thực ở Trạm Tấu tăng nhanh.
|
Gió từ cánh đồng Mường Lò theo lòng khe suối vù vù thổi lên làm cái rét thêm se sắt. Nhưng sự khắc nghiệt của thời tiết dường như không làm giảm không khí hồ hởi khi chúng tôi trao đổi về chuyện làm ăn.
Trong bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình, Giàng A Do - người Mông bản Tấu Dưới, xã Trạm Tấu vui vẻ cho biết: “Năm nay, nhà mình cấy hai vụ, được hơn hai mươi bao thóc, hai vợ chồng và hai đứa con cũng đủ thóc ăn. Ngoài ra, nhà mình còn trồng ngô để chăn nuôi. Nhà giờ có sáu con bò và ba con trâu, chúng là tài sản lớn đấy vì vậy phải chăm sóc chúng thật tốt, lạnh như thế này không cho ra ngoài đâu, phải nhốt ở nhà, cắt cỏ và cho chúng ăn rơm khô”.
A Do chưa dứt lời, Giàng Thị Dua - người cùng bản đã tiếp: “Nhà mình có ba ngàn mét vuông ruộng, được Nhà nước hỗ trợ giống lúa mới năng suất cao, lại chăm sóc theo đúng như hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên gia đình cũng đủ thóc ăn. Nhà mình cũng nuôi hai con bò và một con trâu nữa, mùa này phải nuôi nhốt, không thì nó sẽ chết rét. Năm nay, mình cùng mọi nhà trong bản theo huyện và xã vận động ăn chung một tết cho vui”.
Là một trong 12 xã, thị trấn của huyện Trạm Tấu, xã Trạm Tấu có diện tích tự nhiên trên 3.000ha, chia làm 8 chòm, 5 thôn và có 2.189 nhân khẩu, đồng bào Mông chiếm 97,6%. Cách đây vài năm, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân chính do thiếu đất canh tác, không biết áp dụng khoa học vào sản xuất, sinh con nhiều. Vài năm gần đây, cùng với sự đầu tư của Nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống…
Đặc biệt như Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Hành cho biết thì thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Yên Bái, Đảng bộ, chính quyền xã đã làm tốt công tác vận động nhân dân có đất nhường đất cho các hộ thiếu đất sản xuất. Đã có 63 hộ dân tự nguyện san sẻ đất cho 84 hộ với diện tích trên 40ha, đến nay, 100% số hộ đều có đất sản xuất.
Năm qua, nhân dân trong xã đã cấy được 735ha cây lương thực có hạt, tăng 297ha so với năm 2010, trong đó lúa nước là 210ha, tăng 45ha; ngô 525ha, tăng 252ha. Diện tích tăng nhanh đã đưa tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.186 tấn, tăng 700 tấn so với năm 2010. Từ thiếu đói trầm trọng, đến nay, bình quân lương thực đầu người trong xã Trạm Tấu đã đạt 785kg, tăng 342kg so với hai năm trước.
Bên cạnh đó, bà con duy trì ổn định đàn gia súc với 1.987 con trâu, bò và giữ tốt 1.039ha rừng phòng hộ, tích cực tham gia làm đường giao thông. Trong năm, bà con đã hưởng ứng mở rộng và mở mới 4 tuyến đường giao thông với chiều dài 4,9km. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, đã làm tốt việc huy động trẻ em đến trường đúng độ tuổi; trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh…
Do đặc thù của vùng cao nên đời sống người dân Trạm Tấu gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao. Để cho người dân no cái bụng, không phá rừng làm nương, không trồng cây thuốc phiện, không di cư tự do… là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền nơi đây. Giải quyết bài toán đó, những năm qua, đặc biệt trong năm 2012, Trạm Tấu đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng có năng suất cao, phù hợp với điều kiện vùng cao như lúa ĐS1, ngô lai Bi-ô-xít, 9698, C919…
Để làm được việc đó, Nhà nước hỗ trợ người dân về phân bón, về giống, hỗ trợ khai hoang ruộng lúa nước ở nơi có điều kiện, hỗ trợ nilon để che mạ trong vụ rét, vận động bà con chuyển đổi diện tích lúa nương và sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi và đã có hàng trăm mô hình trình diễn được triển khai để người dân học tập, làm theo. Giúp một bộ phận người dân thiếu đất sản xuất, huyện đã tiến hành điều chỉnh sắp xếp lại đất vùng cao, đã có 338 hộ trong huyện không có đất được cấp đất để ổn định cuộc sống…
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu kiểm tra diện tích lúa lai năng suất cao ở xã Hát Lừu.
Những giải pháp đó đã gặt hái được kết quả nhất định. Dù gặp khó khăn do điều kiện thời tiết nhưng năm 2012, huyện vẫn đạt và vượt cả 3 chỉ tiêu về diện tích, năng suất và sản lượng. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 6.254ha, trong đó lúa ruộng là 2.342ha, lúa nương 548ha, ngô 3.364ha.
Diện tích này tăng 1.230ha so với năm 2010, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 17.812 tấn, tăng so với năm 2010 là 5.072 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt trên 600kg. Cùng phát triển nông nghiệp, chăn nuôi được quan tâm phát triển, trong đó có việc khắc phục trâu, bò bị chết rét và đói trong mùa đông. Nhờ vận động bà con dự trữ rơm khô, làm chuồng trại, trồng cỏ nên số lượng gia súc chết rét đã giảm nhanh theo từng năm.
Việc trồng và giữ rừng đã được tăng cường, độ che phủ rừng của huyện đạt 55,2%; làm tốt công tác phòng chống cháy rừng nên cháy rừng trên địa bàn đã giảm hẳn.
Cùng phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hóa, giáo dục cũng có bước phát triển tương xứng. Đến nay, toàn huyện có 31 trường với gần 1 vạn học sinh, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tại 7/12 xã, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tại 12 xã; 100% thôn, bản có điểm trường mầm non. Do làm tốt công tác phòng dịch, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh, những tập quán cũ lạc hậu từng bước được xóa bỏ.
Nhớ lại cách đây trên mười năm, lần đầu lên Trạm Tấu, chỉ có mỗi con đường độc đạo bám theo suối Thia ngược mãi lên, qua thị trấn Trạm Tấu là hết và từ Nghĩa Lộ lên khoảng 30km mà ô tô tốt cũng phải bò mất hai giờ. Vậy mà hôm nay, cùng tuyến đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên, huyện đã được rải nhựa phẳng phiu, tuyến đường thông sang huyện Bắc Yên (Sơn La) dài 17km được hoàn thành đã phá vỡ thế độc đạo. Đặc biệt, hệ thống đường giao thông về xã đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh với 31km đường tỉnh lộ, 72km đường liên huyện, xã, trong đó có nhiều ki-lô-mét mặt đường được cứng hóa.
Giờ đây, cả 12 xã, thị trấn của huyện đã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó có 10 xã ô tô đi lại bốn mùa. Với 72,81km đường giao thông thôn bản được mở mới trong năm nay đã nâng tổng số đường giao thông thôn, bản của huyện lên 364km. Giao thông đã phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội vùng cao. Dù còn nhiều khó khăn nhưng những gì mà vùng cao Trạm Tấu đạt được thật đáng phấn khởi. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân, mảnh đất vùng cao này sẽ ngày càng thay da đổi thịt, nghèo nàn và lạc hậu sẽ từng bước được đẩy lùi.
Nguyễn Đình
Các tin khác
Nếu doanh nghiệp trả lương không đúng hạn theo quy định, sẽ bị phạt từ 20 - 50 triệu đồng và phải trả lương người lao động cho những ngày chậm trả và khoản tiền ít nhất bằng lãi gửi qua ngân hàng tại thời điểm trả lương.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo các Bộ ban ngành phối hợp các địa phương rà soát, phân loại các dự án bất động sản ngay trong quý II/2012.
Giá cơ sở cao hơn giá bán 1.800 đồng/lít xăng, cùng với Quỹ bình ổn giá còn quá “mỏng” khiến hy vọng giữ giá xăng đang trở nên hết sức khó khăn.
Ngày 22/2, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký hiệp định tín dụng trị giá 200 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Cấp nước sạch và vệ sinh.