Cây ngô 2 vụ ở Trạm Tấu: Lời giải cho bài toán thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/2/2013 | 8:51:56 AM

YBĐT - Sau 3 năm thực hiện trồng ngô 2 vụ, diện mạo nông thôn miền núi Trạm Tấu đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Ngày càng có thêm nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ trồng ngô và ở nhiều xã của huyện Trạm Tấu, cây ngô 2 vụ đã là lời giải cho bài toán thoát nghèo.

Đồng bào Mông Trạm Tấu thu hoạch ngô vụ 2. (Ảnh: Đức Hồng)
Đồng bào Mông Trạm Tấu thu hoạch ngô vụ 2. (Ảnh: Đức Hồng)

Anh Thào A Sùng ở thôn Tà Tầu, xã Pá Hu cho biết, trước đây, với thửa nương chừng 2.000m2, gia đình anh thường trồng lúa nương, 1 năm cũng chỉ được vài bao thóc. Thực hiện chủ trương của huyện về chuyển diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô, năm 2010,  anh bắt đầu thực hiện.

Anh Sùng cho biết: "Bao đời nay rồi đồng bào mình vẫn chỉ trồng 1 vụ ngô, còn lại là trồng lúa nương nên lúc đầu mình cũng chỉ dám đổi cây trồng trên diện tích này vì chưa tin tưởng lắm. Nhưng ngay từ mùa đầu tiên, cây ngô hè thu đã cho năng suất cao, giá trị gấp đôi trồng lúa nương. Thấy vậy, 2 mùa nay, nhà mình đã chuyển đổi gần hết các diện tích lúa nương và diện tích sắn sang trồng ngô 2 vụ. Từ ngô, mình nuôi được lợn, gà... Từ ngô, mình mua sắm được những vật dụng cần thiết trong gia đình. Từ 1 hộ nghèo của xã, nhờ ngô, nhà mình đã thoát nghèo. Vụ xuân này, nhà mình trồng trên 5.000m2 ngô, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã cấp giống”.

Chung niềm vui với gia đình anh Thào A Sùng, gia đình Thào A Lử cũng ở thôn Tà Tầu năm nay có một cái tết tươm tất nhờ chuyển đổi gần 1ha lúa nương và sắn sang trồng ngô. Năm 2012, gia đình A Lử đã trở thành hộ có kinh tế khá ở thôn. Anh cùng với một số hộ khác đã kéo được đường điện quốc gia từ xã Trạm Tấu sang.

Tết này, anh chuẩn bị sẵn con lợn hơn 50kg để ăn tết. Thào A Lử cho hay: "Cây ngô rất phù hợp với đất nương nhà mình. Một năm cứ thắng 2 vụ ngô thì chẳng mấy mà giàu vì có ngô bán, mình mua được nhiều thứ, làm thức ăn chăn nuôi gia súc cũng tốt hơn".

Thôn Tà Tầu có 69 hộ, thực hiện chủ trương canh tác ngô 2 vụ từ năm 2010, đời sống của nhiều hộ dân đã thay đổi. Mặc dù chưa thể làm giàu từ cây ngô nhưng thực tế, cây ngô đang khẳng định là loại cây lương thực chủ lực giúp người dân vùng cao ổn định cuộc sống.

Trưởng thôn Tà Tầu Thào A Kỷ cho biết: "Thực tế ở trong thôn, hộ nào trồng nhiều ngô thì cuộc sống khá hơn, có hộ lười lao động, trồng ít ngô như hộ Thào A Lâu thì mãi không thoát được nghèo. Vụ xuân này, toàn thôn đăng ký gieo trồng 60ha ngô xuân, tăng 10ha so với vụ trước. Thôn phấn đấu vận động nhân dân gieo trồng hết diện tích này để ổn định cuộc sống".

Thực hiện chủ trương của huyện về trồng ngô 2 vụ, bắt đầu từ năm 2010, xã Pá Hu đã nỗ lực chuyển đổi các diện tích cây hoa màu năng suất thấp sang trồng ngô 2 vụ. Đó cũng là chừng ấy thời gian, cán bộ lãnh đạo xã cố gắng tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tập tục sản xuất lúa nương từ nhiều đời nay bắt đầu từ những thành công của mô hình trình diễn đến nương ngô của cán bộ lãnh đạo xã, của đảng viên. Đến nay, Pá Hu đã chuyển đổi trên 50ha đất kém hiệu quả sang trồng ngô.

Đồng chí Thào A Lồng - Chủ tịch UBND xã Pá Hu cho biết: "Thực tế đã chứng minh, nhờ phát triển mạnh cây ngô 2 vụ trên đất nương dốc, Pá Hu từ 1 xã nghèo đã vươn lên đứng thứ 2 trong phát triển kinh tế trong khối thi đua các xã, thị trấn. Tới đây, bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng lúa xuân, xã sẽ vận động nhân dân chuyển dần các diện tích lúa nương còn lại sang trồng ngô, phấn đấu tăng diện tích ngô hai vụ, quy hoạch thành các vùng chuyên canh sản xuất ngô đồi. Chắn chắn, ngô sẽ là cây xóa đói giảm nghèo ở xã".

Cũng giống như ở Pá Hu, xã Tà Xi Láng thực hiện trồng ngô 2 vụ bắt đầu từ năm 2010, trong đó tiên phong là những "nương ngô đảng viên" trên đất Làng Mảnh. Từ thành công của vụ ngô xuân, xã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích lúa nương, diện tích trồng sắn năng suất thấp sang trồng ngô 2 vụ.

 

Đồng chí Giàng A Câu - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu thăm kho thóc, ngô của gia đình bà Thào Thị Mảy ở thôn Pá Hu, xã Pá Hu.

Đồng chí Giàng A Chang - Chủ tịch UBND xã Tà Xi Láng cho biết: "Những thôn trồng nhiều ngô như Làng Mảnh 160ha, Xá Nhù 70ha, Chống Chùa 57ha, đời sống của người dân khá hơn ở những thôn trồng ít hơn. Năm 2012, sản lượng ngô của xã là 1.839,5 tấn. Cây ngô đã khẳng định hiệu quả kinh tế và xã xác định, đây là cây xóa đói giảm nghèo. Làng Mảnh đã trở thành vùng chuyên canh ngô và việc hướng tới một xã chuyên canh ngô, ngô trở thành hàng hóa là điều hoàn toàn có thể làm được. Năm 2013, xã đã đăng ký 372ha ngô xuân, 160ha ngô hè thu. Xã sẽ nỗ lực vận động nhân dân thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra".

Dọc các triền đồi của huyện Trạm Tấu, ở những nơi "thâm sơn cùng cốc" như Tà Xi Láng hay "địa đầu" hiểm trở như Bản Mù đã bớt đi diện tích lúa nương cằn cỗi, thay vào đó là một năm 2 vụ ngô nặng hạt. Thành công của ngô 2 vụ đang từng bước giúp người dân vùng cao đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.

Đồng chí Nguyễn Thị Duyên - Phó trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Trong 3 năm, từ năm 2010 đến 2012, huyện đã chuyển đổi 391ha diện tích cây hoa màu kém năng suất sang trồng ngô 2 vụ, đưa diện tích ngô xuân lên 2.469,16ha, tăng 1.168 ha so với năm 2010; diện tích ngô hè thu 895ha tăng 32ha so với 2010. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực có hạt tăng một cách ngoạn mục. Lúc đầu, mục tiêu đến năm 2015, Trạm Tấu đạt 17.900 tấn lương thực, trồng 3.000ha ngô cả năm nhưng đến năm 2012, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 17.812 tấn, tăng 18% so với năm 2011, trong đó sản lượng ngô 7.538 tấn. Cây ngô đã khẳng định hiệu quả kinh tế trên đất đồi Trạm Tấu. Phòng sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích lúa nương năng suất thấp còn lại sang trồng ngô để cây ngô thực sự là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân". 

"Có mặt" một cách toàn diện trong 3 năm trên vùng cao Trạm Tấu, ngô 2 vụ đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Tuy chưa có hộ giàu từ trồng ngô nhưng cây ngô đã làm giảm đáng kể số hộ đói nghèo và năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 5,09%.

Đồng chí Giàng A Câu - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: "ở Trạm Tấu, những xã sớm triển khai trồng ngô 2 vụ thì tỷ lệ hộ nghèo thấp. Chủ trương của huyện là ngoài 2 xã Tà Xi Láng và Trạm Tấu, năm 2013, phấn đấu đưa xã Pá Hu thành vùng chuyên canh cây ngô 2 vụ, sau đó sẽ nhân rộng ra các xã khác, hướng tới mục tiêu đất nơi nào trồng được ngô nơi ấy sẽ thành vùng chuyên canh ngô”.

Ngô 2 vụ ở Trạm Tấu đã khẳng định hiệu quả kinh tế. Cây ngô 2 vụ - lời giải cho bài toán giảm nghèo ở Trạm Tấu được Đảng bộ, chính quyền và nhiều người dân địa phương đồng lòng ủng hộ. Vấn đề là đánh thức tiềm năng ở những vùng đất đồi còn đang "ngủ yên" và tiếp tục hành trình vận động người dân ở 12 xã, thị trấn gắn bó với ngô 2 vụ để trong tương lai không xa, Trạm Tấu sẽ dần ra khỏi danh sách huyện nghèo.

Phương Thùy

Các tin khác
Lễ ký Hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng giữa đại diện Ngân hàng Nhà nước và Công ty SJC , ngày 26/2.

Ngày 26/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký Hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng với Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Thủ tướng Chính phủ vừa điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải và quy hoạch giao thông đường bộ, trong đó sẽ kiểm soát sự phá triển của xe máy, ô tô cá nhân, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Chiều 26-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với các bộ ngành liên quan về công tác điều hành giá xăng dầu.

Sau khi được kiên cố mặt đường bê tông, các tuyến đường giao thông nông thôn cần được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng và cắm biển quy định phương tiện được phép đi lại.

YBĐT - Mặc dù là tỉnh miền núi điều kiện kinh tế chưa phát triển nhưng quán triệt và vận dụng các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương nên trong những năm qua, mạng lưới giao thông nông thôn Yên Bái được phát triển mạnh mẽ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục