Giày dép Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan của EU từ 2014
- Cập nhật: Thứ ba, 12/3/2013 | 2:18:43 PM
Mặt hàng giày dép của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ năm 2014.
Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho hay Uỷ ban châu Âu vừa ban hành quyết định về việc ngừng cấp GSP cho một số mục sản phẩm GSP.
Theo quyết định này, các sản phẩm giày dép của Việt Nam thuộc nhóm 12a và 12b đã được đưa ra khỏi danh mục "trưởng thành" của Liên minh châu Âu (EU) và được hưởng chế độ GSP.
Quyết định này là văn bản pháp lý bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2016. Ngoài giày dép, những mặt hàng khác của Việt Nam xuất sang EU cũng tiếp tục được hưởng ưu đãi GSP.
Cơ chế GSP của EU được hình thành từ năm 1971, cho phép những nước phát triển cơ hội dành những ưu đãi “phổ cập, không phân biệt đối xử và không dựa trên các nền tảng có đi có lại” cho những nước đang phát triển. Theo quy chế GSP, một khi xuất khẩu của nhóm ngành hàng của một nước chiếm tới 15% tổng giá trị xuất khẩu của nhóm ngành hàng đó đến từ tất cả các nước được hưởng GSP, quốc gia đó được xem đã đạt một mức độ cạnh tranh nhất định, do vậy không cần thiết được hưởng ưu đãi nữa. |
Với việc EU tiếp tục dành ưu đãi thuế quan theo GSP cho các sản phẩm giày dép của Việt Nam theo quyết định mới nói trên là tin vui cho ngành xuất khẩu da giày. Bởi nhiều năm qua, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành da giày Việt Nam. Thời gian qua, các nước EU gặp khó khăn về kinh tế, nên lượng hàng xuất sang thị trường này cũng bị thu hẹp. Việc được hưởng ưu đãi thuế sẽ giúp cho sản phẩm da giày của Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với các sản phẩm cùng loại ở những quốc gia khác xuất khẩu vào EU.
Hiện nhiều hàng hoá Việt Nam được hưởng GSP (tức được hưởng mức thuế suất bằng 0% hoặc thấp hơn quy định của WTO). Thực tế, ngoài hàng hoá thuộc mục XII của Việt Nam xuất vào EU như giày dép, ô dù, túi xách,…hầu hết các sản phẩm khác của Việt Nam đều được hưởng GSP khi xuất vào thị trường này. Trong đó, giày dép chỉ được hưởng mức MFN, tức 7,69% thay vì mức GSP 3,5-4%. May mặc vẫn được hưởng mức thuế ưu đãi GSP 9,6%, thay vì mức MFN 12%.
Theo GSP mới, cơ chế trưởng thành áp dụng khi tổng nhập khẩu hàng hóa vào EU thuộc một mục của một nước vượt quá 17,5% tổng nhập khẩu hàng hóa tương tự từ tất cả các nước đang hưởng GSP của EU trong vòng 3 năm (đối với mặt hàng dệt may là 14,5%).
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Sáng nay (12/3), giá vàng trong nước tăng nhẹ khoảng 30.000 đồng mỗi lượng so với mức chốt 43,87 triệu đồng/lượng ở cuối giờ chiều hôm trước.
YBĐT - Xã Bản Công của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) những năm qua đã được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi và cây, con giống… Sự quan tâm đó đã góp phần quan trọng từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân.
Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo đính chính thông tin thống kê về một số chỉ tiêu cơ bản của các TCTD tháng 1.2013.
Dự thảo lần 3 về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT) do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì đã loại bỏ quy định xử phạt với phương tiện không chuyển quyền sở hữu.