Kiểm dịch thủy sản ở Yên Bái: Vẫn còn thả nổi
- Cập nhật: Thứ năm, 14/3/2013 | 9:12:12 AM
YBĐT - Cũng giống như các loại gia súc, gia cầm khác, các mặt hàng thủy sản cũng cần được kiểm dịch. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, lĩnh vực này đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Người tiêu dùng nên lựa chọn các loại thủy sản tươi sống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
|
Theo quy định của ngành nông nghiệp, các loại thủy sản giống, thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản đưa ra khỏi vùng có công bố dịch, sản phẩm dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho thủy sản đều phải được kiểm dịch. Tại Yên Bái, ngành thủy sản chưa phát triển mạnh mẽ bằng các tỉnh ven biển.
Tuy nhiên, với 24.000ha mặt nước, đây được coi là tiềm năng lớn cho phát triển chăn nuôi thủy sản, phục vụ nhu cầu tại chỗ và cung cấp cho các tỉnh ngoài với các loại thủy sản phong phú như: ba ba gai, cá tầm, cá chiên, cá trắm, cá rô phi đơn tính…
Từ khi quy định về kiểm dịch thủy sản ra đời năm 2010 đến nay, Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái mới chỉ thực hiện được 6 lần kiểm dịch cá tầm cho Công ty cổ phần Cá tầm Phương Bắc và 1 lần kiểm dịch tôm vận chuyển từ Lục Yên đi Lào Cai. Đây đều là những trường hợp đưa sản phẩm thủy sản đi tiêu thụ ở các tỉnh ngoài, những chủ hàng cần giấy chứng nhận kiểm dịch để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ được thuận lợi.
Ông Trần Đức Lâm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Các loại thủy sản hiện nay không có trang trại tập trung, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, các hình thức đánh bắt nhỏ lẻ. Xét về mặt chuyên môn, kiểm dịch thủy sản lâu nay ít được quan tâm do không lây bệnh trực tiếp cho người như các loại động vật khác như lợn, gà… Tuy nhiên, tất cả các loại vật nuôi đều phải kiểm dịch để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Thủy sản thuộc loại động vật máu lạnh, sống tại môi trường nước, do đó, các bệnh từ thủy sản không lây trực tiếp cho người như các bệnh liên cầu lợn hay cúm gia cầm... nhưng điều đó không có nghĩa là các loại bệnh của động vật thủy sản không nguy hiểm khi hàng ngày vẫn được sử dụng làm thực phẩm. Thủy sản sống ở trong môi trường nước ô nhiễm có thể nhiễm các loại độc tố từ môi trường. Hiện nay, có nhiều loại bệnh các loại cá nước ngọt thường hay mắc phải như đốm đỏ, lở loét, ký sinh trùng đơn bào, xuất huyết mùa xuân…
Với lực lượng cán bộ thú y như hiện nay, chỉ lo riêng vấn đề phòng bệnh, chữa bệnh, kiểm dịch cho các loại động vật trên cạn đã là hết sức khó khăn. Ngoài ra, các cơ quan thú y hiện nay cũng đang thiếu lực lượng thú y có chuyên ngành thủy sản. Hàng năm, các lớp tập huấn thú y thủy sản cũng được mở nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Người dân hiện nay đang phải tự mày mò lo chữa bệnh cho cá và các loại thủy sản khác bằng kinh nghiệm là chính. Cũng vì dịch bệnh xuất hiện nhiều mà số lượng lồng cá nuôi của tỉnh đang giảm dần qua từng năm.
Một vấn đề nữa hiện nay là việc phân cấp lĩnh vực trong quản lý lĩnh vực thủy sản. Vấn đề kiểm dịch thuộc về Chi cục Thú y tỉnh nhưng vấn đề công bố dịch bệnh trên thủy sản vẫn chưa có sự phân cấp rõ ràng giữa Chi cục Thú y và Chi cục Thủy sản. Sự chồng chéo giữa các ngành chức năng dẫn đến quản lý lĩnh vực này nhiều năm qua vẫn còn bỏ ngỏ.
Trước khi đợi các cơ quan chuyên môn làm được phần kiểm dịch từ tận gốc, người tiêu dùng khi có nhu cầu sử dụng các loại thủy sản làm thực phẩm có lẽ chỉ có biện pháp sử dụng các loại thủy sản đảm bảo tươi sống mới có thể yên tâm phần nào.
Hồng Khanh
Các tin khác
Ngày 12-3, Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo nghị định quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
“Hiệp hội không là cánh tay nối dài bảo vệ lợi ích doanh nghiệp” - Đó là tuyên bố của ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA ngày 13-3, tại buổi họp báo công bố thành lập Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA).
YBĐT - UBND huyện Văn Chấn vừa tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) giai đoạn 2003 – 2012 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2020.
YBĐT - Sau một thời gian dài, Yên Bái đã khống chế được dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng (LMLM) nhưng từ đầu năm 2013 trở lại đây, dịch đã bùng phát trở lại.