Vực dậy sau “tai xanh”
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/4/2013 | 3:21:27 PM
YBĐT - Vào thời điểm này một năm trước, dịch tai xanh lần đầu tiên ập đến đã làm bao người nông dân trên địa bàn huyện Văn Chấn khốn đốn. Một năm qua, Văn Chấn đã triển khai đồng bộ các giải pháp cùng nhân dân gây dựng, tái đàn lợn. Hết tháng 3/2013, tổng đàn lợn toàn huyện đạt hơn 82.800 con, tăng 6.650 con so với cùng kỳ.
Đảm bảo môi trường chăn nuôi thông thoáng, sạch sẽ góp phần giúp đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt.
|
Hồi sinh trong vùng dịch
Thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn những ngày cuối tháng 3 dường như trở nên tấp nập hơn với không khí hăng say lao động của người dân tham gia bê tông hóa tuyến đường nội thôn. Những khuôn mặt rạng rỡ, những giọt mồ hôi của hàng trăm con người ấy trái ngược hẳn với suy nghĩ của chúng tôi về ảnh hưởng sau một năm là nơi đầu tiên bùng phát dịch tai xanh trên đàn lợn ở chính địa phương này.
Thôn An Sơn đã mất hơn 600 con lợn lúc bấy giờ. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây khang trang, Trưởng thôn Nguyễn Văn Đảm nở nụ cười tươi: Từ tết đến giờ, các hộ chăn nuôi ở An Sơn đã xuất chuồng hàng chục tạ lợn hơi. Có những ngày, xe của thương lái mạn Hà Nội, Lai Châu đến thu mua hàng đàn. Lợn được giá, nhân dân rất phấn khởi! Dịch tai xanh bây giờ không còn là nỗi lo của người dân nơi đây.
Trong câu chuyện, người trưởng thôn quê gốc Thái Bình này cũng không giấu nổi nỗi lo lắng, trăn trở trước sự rớt giá nhanh chóng của lợn hơi hiện nay, trong khi chi phí, thức ăn chăn nuôi đang ngày càng tăng, khiến người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn. Trưởng thôn Đảm giãi bày: Dịch bệnh hoành hành cũng không làm người dân lo lắng, bất an như hiện nay. Chúng tôi phải thường xuyên tuyên truyền, động viên người dân cố chờ thời cơ, không vì khó khăn trước mắt mà bỏ nghề chăn nuôi lợn - một nghề gắn bó từ bao đời nay của người dân vùng cánh đồng Mường Lò.
Ông Nguyễn Văn Hiền, người dân thôn An Sơn cho biết: Hai tuần nay, chúng tôi phải bán vội đàn lợn, chưa khi nào càng đầu tư lại càng thâm hụt kinh tế đối với người chăn nuôi như hiện nay. Nhưng trên hết, để nạn dịch kinh hoàng không quay trở lại, chúng tôi đều làm theo lời Trưởng thôn Đảm vận động là tiêm đủ các mũi vắc-xin phòng dịch tả, tụ huyết trùng cho đàn lợn, đặc biệt là vắc-xin phòng dịch tai xanh trên đàn lợn nái của gia đình.
Theo thống kê, hiện tổng đàn lợn của xã Hạnh Sơn còn 4.000 con, tăng hơn 400 con so với thời điểm hết dịch tai xanh năm 2012. Nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh dịch, năm nay, nhân dân trong xã đã chủ động đăng ký tiêm phòng với thú y cơ sở. Vừa qua, tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn đạt hơn 80%, riêng đàn lợn nái 489 con đều được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh tai xanh nhằm tăng sức đề kháng.
Ông Lò Văn Hó - Chủ tịch UBND xã Hạnh Sơn khẳng định: Xã quyết tâm không để dịch bùng phát trở lại. Hơn 2.000 con lợn chết dịch năm vừa qua chính là bài học để mỗi người dân tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Mỗi tháng 2 lần, công nhân Trại chăn nuôi, hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phù Nham phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại.
Giải pháp tái đàn
Ngay sau dịch, huyện Văn Chấn đã triển khai nhiều giải pháp để tái đàn. Trong năm 2012, huyện đã chuyển tiền hỗ trợ của Nhà nước đến người dân với 2 mức hỗ trợ: 22.000 đồng/kg đối với lợn thương phẩm, 1 triệu đồng/con đối với lợn nái bị chết do dịch và đã chuyển giao kịp thời cho người dân, giúp các gia đình có thêm nguồn kinh phí đầu tư cho chăn nuôi. Tính đến hết quý I năm 2013, tổng đàn lợn của huyện Văn Chấn có 82.850 con, tăng 461 con so với thời điểm cuối năm 2012.
Ngoài ra, để đảm bảo duy trì tổng đàn, công tác phòng dịch được huyện đặc biệt chú trọng. Năm nay, nhiều gia đình đã học tập và áp dụng kinh nghiệm của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Phù Nham - đơn vị duy nhất không bị ảnh hưởng trong vùng dịch tai xanh năm 2012.
Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Hoàng Hải Văn cho biết: Định kỳ một năm, Hợp tác xã tổ chức tiêm đủ 2 liều đối với các loại vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng, tả, tụ huyết trùng, suyễn, sưng phù đầu, lép tô. Riêng vắc-xin phòng dịch tai xanh, ưu tiên cho đàn lợn nái hoặc lợn đang có thai do sức đề kháng yếu. Ngoài ra, đơn vị còn tiêm bổ sung các loại chế phẩm sinh học, thuốc Glucanon nhằm tăng sức đề kháng cho đàn lợn, thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực chuồng trại và người ra vào khu vực chăn nuôi.
Ông Phạm Anh Tú - Trưởng trạm Thú y huyện Văn Chấn cho biết: Quan trọng nhất là người chăn nuôi phải chú trọng vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, khử trùng, cách ly. Hiện nay, cách phòng bệnh tốt nhất là bằng liệu pháp tiêm đủ liều vắc-xin cho đàn lợn; thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn lợn, ngay khi phát hiện triệu chứng nghi bệnh cần phải báo cáo cho ngành thú y để kiểm tra, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm; tiến hành tiêu hủy gia súc mắc bệnh bị chết; vệ sinh tiêu độc chuồng trại nơi có dịch và vùng xung quanh; thực hiện nghiêm kiểm dịch động vật ra vào địa phương.
Trước những rủi ro có thể xảy ra trong chăn nuôi, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, trực tiếp là Trạm Thú y huyện tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân. Vào cuối mỗi quý, 352 thú y thôn bản đều được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông, vận động, nâng cao cảnh giác trong nhân dân trước mọi triệu chứng bệnh xảy ra trên đàn lợn, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng tổng đàn gia súc, tạo thu nhập và nghề nông nghiệp ổn định cho người nông dân địa phương.
Thanh Huyền
Ông Phạm Anh Tú - Trưởng trạm Thú y huyện Văn Chấn:
3 tháng đầu năm nay, Trạm tăng cường đào tạo, hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật chăm sóc đà n vật nuôi, cách nhận biết và điều trị một số bệnh thông thường. Cán bộ thú y cơ sở đã tiêm 9.600 liều vắc-xin, đảm bảo sức khỏe đàn lợn. Từ nay đến 30/4, Trạm sẽ chỉ đạo tuyến xã hoàn thành tiêm liều vắc-xin đợt I.
Ông Lò Văn Hó - Chủ tịch UBND xã Hạnh Sơn:
Triển khai công tác phòng dịch sớm, tạo tâm lý chủ động trong nhân dân là phương châm đ ược Đảng ủy, UBND xã xác định nhằm sẵn sàng đối phó với bất cứ tình huống dịch bệnh nào xảy ra trên địa bàn. Xã đã tổ chức hội nghị, giao trách nhiệm cho trưởng các thôn bản, thú y viên cơ sở ngay từ đầu tháng 3/2013.
Anh Đồng Văn Ngọc - người dân thôn bản Lốm - xã Hạnh Sơn:
Dịch tai xanh năm trước đã làm gia đình thiệt hại 26 con lợn. Hiện nay, gia đình đang nuôi 4 con lợn nái, 16 con lợn thương phẩm. Để phòng dịch, gia đình đã tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho đàn lợn.
Chị Phạm Thị Thanh Thúy - Trưởng Trại chăn nuôi, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Phù Nham:
Chúng tôi chỉ đạo 4 công nhân lao động vệ sinh chuồng trại 2 lần mỗi ngà y, khơi thông rãnh thoát nước, phun tiêu độc khử trùng 2 lần một tuần xung quanh khu vực chăn nuôi để đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ.T.H (thực hiện) |
Các tin khác
Sắp tới bộ Công Thương, bộ Tài chính, Y tế, Khoa học Công nghệ sẽ họp thảo luận về giải pháp bình ổn thị trường sữa.
Theo báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh điện tháng 3 và quý I-2013 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tháng 3-2013 điện EVN thực bán ra thị trường gần 8,8 tỉ kWh.
Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chưa chứng minh được các điều kiện cần và đủ, bởi vậy Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tính tới phương án đường sắt tốc độ cao khổ đôi và tập trung nâng cấp đường sắt hiện có.