Thực hiện Đề án giao đất, giao rừng nhìn từ Y Can
- Cập nhật: Thứ hai, 8/4/2013 | 10:42:01 AM
YBĐT - Giao đất, giao rừng là để người dân yên tâm sản xuất lâu dài, không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn mà chính người dân là những nhân tố quan trọng trong việc trồng và bảo vệ rừng một cách hiệu quả.
Giao đất, giao rừng là để người dân yên tâm sản xuất lâu dài, không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp...
|
Vẫn biết Đề án “Giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp” là nhằm giải quyết nhu cầu đất cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, các xã vùng sâu, vùng xa nhưng do “lịch sử” để lại nên việc thực hiện giao đất, giao rừng và cho thuê đất, thuê rừng ở các địa phương đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định. Để hiểu rõ hơn việc thực hiện Đề án này, chúng tôi đã về xã Y Can (huyện Trấn Yên) - một trong hai xã làm điểm của toàn tỉnh.
Giao đất, giao rừng là để người dân yên tâm sản xuất lâu dài, không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn mà chính người dân là những nhân tố quan trọng trong việc trồng và bảo vệ rừng một cách hiệu quả.
Ông Vũ Quốc Tiên - Chủ tịch UBND xã Y Can khẳng định: “Sau quy hoạch, rà soát, xã Y Can có 2.017ha, chủ yếu là diện tích rừng, đất lâm nghiệp do Lâm trường Việt Hưng bàn giao sang. Không có gì khó khăn và đáng nói nếu diện tích đất này là đất “sạch”, tuy nhiên do trong quá trình quản lý của lâm trường không tốt nên hầu hết diện tích này người dân đã “xâm chiếm” để trồng cây lâm nghiệp và sản xuất hàng chục năm nay”.
Qua điều tra, thống kê cho thấy có 427 hộ gia đình và 1 tổ chức đang quản lý sử dụng diện tích đất này. Trong đó có 368 hộ có hộ khẩu tại xã Y Can, 39 hộ tại xã Quy Mông, 7 hộ ở Âu Lâu - thành phố Yên Bái, còn lại là xã Kiên Thành, Lương Thịnh, thị trấn Cổ Phúc và có 11 thửa đất với 43ha chưa xác định được chủ hộ. Hầu hết diện tích này đã được trồng cây nguyên liệu giấy như: keo, bồ đề và quế. Đúng lý thì phải thu hồi toàn bộ diện tích đất này để giao cho các hộ dân, tổ chức doanh nghiệp nằm trong diện ưu tiên và các hộ dân có nhu cầu thuê đất. Lý là thế nhưng thu hồi thì cũng sẽ thiệt thòi cho các hộ dân đang sản xuất trên diện tích đất này vì họ đã sản xuất hàng chục năm nay và cũng không có tranh chấp.
Trước thực trạng đó, xã Y Can đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án do Chủ tịch UBND xã trực tiếp làm trưởng ban, các thành viên là các tổ chức đoàn thể, Mặt trận, bí thư chi bộ và trưởng thôn, bản có diện tích đất này. Ban chỉ đạo đã tiến hành tổ chức họp dân để lắng nghe ý kiến, kiến nghị, đề xuất và giải đáp cũng như tuyên truyền chủ trương quy trình thực hiện Đề án tới gần 30 buổi. Song song với họp dân, xã tiến hành rà soát, đo đạc, thống kê diện tích đất, tài sản trên đất cụ thể, chi tiết.
Sau nhiều lần họp cuối cùng đi đến thống nhất là đối tượng được giao đất trước tiên ưu tiên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ gia đình, cá nhân chưa được giao đất lâm nghiệp và các hộ dân đang sản xuất trên diện tích đất này, giao cho mỗi hộ 2,2ha theo hạn mức chung của xã. Ngoài hạn mức giao bình quân chung của xã, những diện tích đất đang sản xuất ổn định lâu dài, không có tranh chấp, tổ chức làm thủ tục cho thuê đất theo quy định với thời hạn 50 năm.
Đối với 6 hộ dân là người dân tộc thiểu số không có đất sản xuất, xã vận động các hộ đang có nhiều đất, nhất là anh em trong gia đình trả lại đất để Nhà nước giao cho mỗi hộ 0,5ha theo tiêu chí Quyết định 134/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với diện tích đất 66,1ha thuộc thôn An Hòa, là rừng tự nhiên, sản xuất đang có 9 hộ gia đình, cá nhân sử dụng thì giao về cho cộng đồng thôn An Hòa quản lý, bảo vệ giữ nước đầu nguồn khu vực Khe Nước Vàng.
Với cách làm và cách giải quyết như vậy, đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân, ngoài diện tích giao theo hạn mức chung của xã thì 100% số hộ đều đăng ký xin thuê đất với diện tích của mình đang sử dụng. Xã tiến hành đo đạc, giao cho các hộ dân.
Rõ ràng việc thực hiện giao đất, giao rừng, thuê đất, thuê rừng sẽ xác lập được mối quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và người sử dụng đất, sử dụng rừng; tránh tình trạng tranh chấp và khiếu kiện, người sử dụng thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ của mình.
Bên cạnh đó, chắc chắn rừng, chất lượng rừng sẽ được nâng lên và giải quyết việc làm, giúp nhân dân ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giầu từ nghề rừng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Y Can cũng đang gặp những khó khăn nhất định trong việc thực hiện Đề án giao đất, giao rừng và cho thuê rừng. Tuy đã thành lập ban chỉ đạo nhưng chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ chuyên môn cao về lâm nghiệp, từ đo đạc đến thống kê... Kinh phí để thực hiện Đề án đến nay vẫn chưa có; giá cho thuê đất cao nên người dân thuê đất mà không biết tính toán đầu tư bài bản thì rất khó mang lại hiệu quả cao.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Quý I/2013, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch chuẩn bị thức ăn dự trữ, có biện pháp tích cực phòng chống rét (các địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo 300.000 đồng/hộ để làm cây rơm dự trữ và 100.000 đồng/hộ mua bạt che chắn chuồng trại...).
YBĐT - Dự án Giảm nghèo giai đoạn II tỉnh Yên Bái gồm bốn hợp phần chính là: Phát triển kinh tế huyện, Ngân sách Phát triển xã, Tăng cường năng lực, Quản lý Dự án - Giám sát và đánh giá.
Bộ Xây dựng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ, đưa 9 dự án xi măng (công suất mỗi dự án 2.500 tấn clinke/ngày) ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2020 và giãn tiến độ đầu tư 7 dự án khác sang giai đoạn sau 2015.
Ngày 6/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) và Công ty cổ phần trí thức doanh nghiệp quốc tế đã phối hợp tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh phát triển vàng trang sức Việt Nam trong tiến trình hội nhập” với sự tham gia của 150 chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý kinh tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực vàng trang sức.