Văn Chấn chăm sóc lúa đông xuân
- Cập nhật: Thứ hai, 8/4/2013 | 1:31:41 PM
YBĐT - Mặc dù ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại ngay từ đầu vụ song do làm tốt công tác chỉ đạo, thực hiện nghiêm ngặt khung lịch thời vụ nên hiện nay, toàn bộ diện tích lúa đông xuân của huyện Văn Chấn (Yên Bái) sinh trưởng, phát triển tốt và đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn hướng dẫn nông dân xã Sơn Thịnh cách phát hiện sâu bệnh hại lúa.
|
Vụ đông xuân năm nay, xã Sơn Thịnh gieo cấy 126ha. Nhờ thực hiện tốt các khâu trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa của xã sinh trưởng và phát triển tốt, không có sâu bệnh cũng như diện tích bị hạn.
Trên khắp cánh đồng thôn Bản Nọong là màu xanh của lúa đang kỳ đẻ nhánh, nông dân khẩn trương chăm sóc, làm cỏ, bón phân cho lúa tiếp tục sinh trưởng và phát triển tốt.
Chị Hoàng Thị Thủy cho biết: “Vụ này, gia đình tôi cấy gần 3.000m2 lúa theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên lúa phát triển tốt. Hiện nay, tôi đang làm cỏ đợt 1, lúa đã bắt đầu đẻ nhánh rộ, khỏe và không có sâu bệnh".
Do điều kiện khí hậu của từng vùng trong huyện Văn Chấn khác nhau nên thời vụ và cơ cấu giống cũng khác nhau. Hiện nay, trên 2.000ha diện tích trà sớm ở cánh đồng Mường Lò và vùng ngoài đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ, dự kiến đến 15/4 lúa trỗ. Trà lúa muộn ở các xã vùng cao và thượng huyện hiện đang trong giai đoạn bén rễ hồi xanh.
Vụ đông xuân năm 2013, toàn huyện Văn Chấn đã gieo cấy được 3.955ha với cơ cấu giống 55% diện tích lúa lai, 45% lúa thuần và lúa nếp. Để chuẩn bị cho một vụ đông xuân thắng lợi, huyện Văn Chấn đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ sản xuất, nhất là việc cung ứng đủ lượng giống đảm bảo chất lượng đến tay nông dân, lượng giống đã gieo trên 190.000kg.
Cùng với việc chuẩn bị giống, công tác thủy lợi cũng được huyện đặc biệt chú trọng với việc phát động chiến dịch ra quân làm thủy lợi; các xã, thị trấn đã huy động nhân dân nạo vét kênh mương nội đồng, đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Đặc biệt, năm nay, huyện đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của nông dân, lượng phân bón được đầu tư cao hơn so với những năm trước với trên 30.000 tấn phân bón hữu cơ, bình quân 7,5 tấn/ha và 2.350 tấn phân vô cơ. Ngành nông nghiệp huyện tuyên truyền tới người dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: gieo sạ hàng, tăng diện tích bón phân viên dúi sâu, che phủ nilon kết hợp các biện pháp chăm sóc để mạ sinh trưởng phát triển tốt… Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp, đến nay, toàn bộ diện tích lúa của Văn Chấn sinh trưởng và phát triển tốt.
Bà Hoàng Thị Hải Yến - Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn cho biết: “Thời điểm này, Trạm chỉ đạo khuyến nông viên cơ sở thường xuyên bám đồng, theo dõi sát sao tình hình sâu bệnh hại trên lúa và hướng dẫn nông dân bón thúc lần 2 (bón đón đòng) để đảm bảo lúa trỗ đều, năng suất cao. Trạm phối hợp chặt chẽ với Trạm Bảo vệ thực vật huyện phát hiện sớm sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời; mở các lớp tập huấn hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu bệnh, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng loại, đúng cách, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho nông dân”.
Đến thời điểm này, mặc dù toàn bộ diện tích lúa của huyện Văn Chấn đang sinh trưởng và phát triển tốt, không có sâu bệnh, không có diện tích ruộng hạn nhưng theo dự báo, từ thời điểm này trở đi, lúa sẽ có hiện tượng sâu cuốn lá và rầy nâu. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn và nông dân không được chủ quan, tích cực thăm đồng, dự tính dự báo sự phát sinh của sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng đối tượng, đúng nồng độ, đúng lúc để cây lúa đạt năng suất, sản lượng cao nhất.
H.D
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành về tổng kết công tác phòng chống lụt bão năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013, sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, giai đoạn 2008-2012.
YBĐT - Giao đất, giao rừng là để người dân yên tâm sản xuất lâu dài, không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn mà chính người dân là những nhân tố quan trọng trong việc trồng và bảo vệ rừng một cách hiệu quả.
YBĐT - Quý I/2013, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch chuẩn bị thức ăn dự trữ, có biện pháp tích cực phòng chống rét (các địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo 300.000 đồng/hộ để làm cây rơm dự trữ và 100.000 đồng/hộ mua bạt che chắn chuồng trại...).
YBĐT - Dự án Giảm nghèo giai đoạn II tỉnh Yên Bái gồm bốn hợp phần chính là: Phát triển kinh tế huyện, Ngân sách Phát triển xã, Tăng cường năng lực, Quản lý Dự án - Giám sát và đánh giá.