La Pán Tẩn: Động lực vươn lên thoát nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 29/5/2013 | 3:13:09 PM
YBĐT - Những năm qua, đời sống của gần 590 hộ người Mông ở La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được cải thiện đáng kể nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và nội lực của chính những cán bộ, người dân địa phương. Câu chuyện phát triển kinh tế ở đây có nhiều cái mới, cái hay nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Làm đất chuẩn bị vụ mới ở La Pán Tẩn.
|
Ông Giàng BLà Di ở bản La Pán Tẩn năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Trong ngôi nhà gỗ truyền thống của người Mông, nền nhà ẩm thấp, gồ ghề bằng đất đã được láng xi măng sạch sẽ và mái gỗ bạc thếch đã được thay bằng mái phibrô xi măng chắc chắn, ông nói: “Nhà nước cho mình đấy, cho mình tiền mua vật liệu để làm nền, làm mái và làm cột nhà chắc chắn. Cán bộ còn hỗ trợ làm chuồng trại cho trâu, bò và trồng cỏ cho nó ăn. Bản mình đã tốt hơn nhiều rồi!”.
Để làm được ngôi nhà rộng rãi và chắc chắn này, cùng tiền hỗ trợ của Chương trình 167, gia đình ông đã bán bớt một con trâu. Vụ vừa rồi, gia đình ông Di thu 2 tấn thóc, 1 tấn ngô cộng thêm chăn nuôi và bảo vệ rừng nên cuộc sống cũng đã khá hơn, không còn đứt bữa như trước.
Bản La Pán Tẩn có trên 80 hộ, là bản tiên phong trong phát triển chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, trồng cỏ voi, làm cây rơm. Ông Khang Chờ Sang - một trong những người gương mẫu đi đầu trong việc này cho hay: “Lúc đầu rất khó vận động bà con mà cán bộ, đảng viên mình phải làm trước, có kết quả rồi cả bản mới làm theo”.
Trong số 911 con trâu, 288 con bò chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp của xã, bản có tới gần 1/4 số này. Theo Phó chủ tịch UBND xã Lý Chồng Di thì "Cứ một hộ có một con trâu, bò làm sức kéo cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, từ trước tới nay, chúng mình vẫn "phụ bạc" với con vật này, khi cần tới nó thì mới lên rừng tìm về, khi không cần tới thì thả lên rừng, muốn đi đâu thì đi. Mùa rét, cây cỏ cũng chết, trâu, bò không có thức ăn cũng mặc và chưa từng trồng cỏ hay dự trữ rơm rạ cho trâu, bò".
Cán bộ phải giải thích, trồng cỏ, dự trữ rơm rạ là tăng thêm thức ăn cho trâu bò. Có đủ cỏ thì mùa rét không phải thả rông trên núi, trâu, bò không lo chết đói, chết rét. Bà con chưa thông lắm, huyện chủ động đưa về mô hình làm điểm. Nhà nước hỗ trợ tiền làm chuồng trại chắc chắn lại cấp giống cỏ lạ, chỉ trồng một thời gian ngắn đã tốt bời bời. Trâu, bò đủ thức ăn, mùa đông có chuồng trại ấm áp, không chết đói, chết rét nên bà con làm theo ngay.
Đời sống của người Mông La Pán Tẩn thực sự có những cải thiện tốt hơn nhưng con đường thoát nghèo ở vùng cao này vẫn còn lắm gian nan. Trồng ngô có kết quả song diện tích chưa nhiều, năng suất thấp. Trồng lúa lai 838 mà sản lượng thóc thu về chưa cao. Trâu, bò cũng chưa có biện pháp nhân đàn hiệu quả... Nhà nước đã đầu tư khá lớn cho vùng cao, đường ô tô đã tới trung tâm xã cùng trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc khá khang trang. Nhà nước cũng hỗ trợ nhân dân các loại giống cây, con và các chương trình tín dụng cho hộ nghèo, cho vùng cao đã về tới thôn, bản.
Chủ tịch UBND xã Háng Sáy Chung vừa mới đắc cử đồng ý với nhận định đó là động lực quan trọng để xã vươn lên nhưng La Pán Tẩn vẫn còn khá đông hộ nghèo. Người Mông nơi đây mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đến vùng cao thông qua các chương trình, dự án đầu tư toàn diện, phát triển mạnh chăn nuôi.
Để những chương trình đầu tư đó đem lại hiệu quả, tạo động lực giúp La Pán Tẩn vươn lên thoát nghèo, yếu tố quan trọng nhất thuộc về ý chí vươn lên của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi này.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Trong thực tế, sự phát triển của ngành chè những năm qua đã để lại những bài học đắt giá cho bản thân mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp. Những “cây đại thụ” một thời của ngành chè Yên Bái giờ chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí đang đứng trên bờ vực phá sản.
Theo mức thuế suất thuế tài nguyên đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, thuế suất các loại khoáng sản sẽ tăng cao. Trong đó, mức thuế suất vàng sẽ tăng kịch trần là 25%, titan tăng từ 11% lên 16%...
YBĐT - Đối với vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), thế mạnh từ trước đến nay vẫn là chăn nuôi đại gia súc và đối với bà con người Mông nơi đây, con trâu vẫn là “đầu cơ nghiệp”.
Các tỉnh này cần tập trung vào những con vật nuôi lợi thế và có khả năng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.