Cú hích giúp doanh nghiệp vực sản xuất

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/6/2013 | 9:06:29 AM

YBĐT - Kể từ ngày 13/5/2013, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Yên Bái tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đồng Việt Nam đối với các khách hàng.

Lãi suất vay vốn ngân hàng thấp đã giúp nhiều doanh nghiệp tự tin đầu tư những dự án mới. (Ảnh: Lắp tua-bin tại Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn).
Lãi suất vay vốn ngân hàng thấp đã giúp nhiều doanh nghiệp tự tin đầu tư những dự án mới. (Ảnh: Lắp tua-bin tại Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn).

Theo đó, cho vay ngắn hạn 7 đối tượng ưu tiên (cho vay phát triển nông thôn; tài trợ xuất khẩu; doanh nghiệp vừa và nhỏ; ngành công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng công nghệ cao và cho vay khắc phục bão lũ, người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến thủy sản), BIDV áp dụng giảm về mức lãi suất tối đa 10%/năm. Với quy định này, rất nhiều khách hàng doanh nghiệp của BIDV Yên Bái khi vay vốn sẽ được hưởng mức lãi suất tối đa 10%/năm.

Ngoài ra, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho khách hàng, BIDV điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức lãi suất 13%/năm đối với các khoản vay có số dư nợ đến cuối ngày 12/5/2013 có lãi suất vay cao hơn 13%/năm. Đây mới được xem là động thái đáng chú ý của BIDV Yên Bái bởi những lần giảm lãi trước chủ yếu áp dụng với những món vay mới, còn lần này BIDV giảm lãi cho cả các món nợ cũ với số dư nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Phạm Trung Tùng - Giám đốc BIDV Yên Bái cho biết: “Chỉ tính riêng từ tháng 7/2012 đến nay, nhiều món nợ, nhiều khách của BIDV đã được giảm lãi suất từ 3,5% đến 5%/năm. Mặc dù BIDV hạ lãi suất cho vay đồng thời hạ lãi suất huy động nhưng có cả nghìn tỷ đồng tiền gửi của khách hàng từ trước chúng tôi không được phép hạ, điều đó có nghĩa là ngân hàng đang phải chịu giá đầu vào cao và đầu ra thấp”.

Ông Tùng đưa ra phép tính, chỉ cần giảm 1%/năm với số dư nợ 1.000 tỷ đồng thì mỗi tháng, BIDV Yên Bái đã giảm số lãi khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Cắt giảm lãi đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận và giảm thu nhập của cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung và BIDV Yên Bái nói riêng đang khó khăn nhưng việc giảm lãi suất vẫn được áp dụng triệt để nhằm chia sẻ với doanh nghiệp, giúp các khách hàng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Động thái hạ lãi suất của BIDV Yên Bái ngay lập tức tác động đến doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khách hàng lớn. Bà Nguyễn Thị Hải Lan - Trưởng phòng Kế toán, Công ty Cổ phần Khoáng sản Viglacera cho biết: “Lãi suất ngân hàng chiếm từ 20% đến 25% cơ cấu giá thành. Việc BIDV hạ lãi suất cho vay và cả dư nợ cũ xuống từ 1% đến 2% có ý nghĩa rất lớn, giúp chúng tôi hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.

Là doanh nghiệp khai thác và chế biến bột Pen-pát - nguyên liệu làm gốm sứ, Công ty Cổ phần Khoáng sản Viglacera (Liên doanh Yên Hà trước đây) có những giai đoạn rất khó khăn. Đến năm 2012, doanh nghiệp này đã được ngân hàng triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng với việc cơ cấu lại nợ, trong đó có việc chuyển vốn vay ngắn hạn sang vốn vay trung và dài hạn, đã giảm áp lực đáng kể đối với tài chính của Công ty. Cũng trong năm 2012, BIDV Yên Bái đã cho Công ty vay thêm 3 tỷ đồng vốn trung hạn để đầu tư khai thác mỏ, giúp đơn vị chủ động nguồn nguyên liệu và giảm chi phí đầu vào.

 

Nông dân xã Văn Lãng (Yên Bình) khai thác gỗ rừng trồng. (Ảnh: Linh Chi)

Ông Bùi Bích Phong làm nghề chế biến gỗ ở huyện Yên Bình đón nhận việc ngân hàng hạ lãi suất một cách hồ hởi hơn. Theo ông Phong, nghề bóc gỗ bây giờ lợi nhuận rất thấp, lãi vay mà cao thì doanh nghiệp khó tồn tại. Thời điểm này, nước hồ Thác Bà đang vào mùa cạn, việc vận chuyển gỗ trên hồ gặp khó khăn nên ông lúng túng khi chưa có vốn để trữ gỗ. Ngân hàng hạ lãi xuống khoảng 1%/tháng là mức chấp nhận được nên ông đã tự tin vay 1 tỷ đồng mua gần 1.000m3 gỗ nguyên liệu đủ cho xưởng gỗ hoạt động trong hai tháng. Chế biến hết số gỗ nguyên liệu này là nước hồ sẽ trở lại bình thường. Đáp ứng đầy đủ các điều kiện từ phía ngân hàng nên ông Phong đã được cán bộ Phòng Giao dịch, BIDV Yên Bình hoàn thiện mọi thủ tục và giải ngân trong vòng 3 ngày.

Công ty Cổ phần Mông Sơn - doanh nghiệp sử dụng số lao động lớn (gần 300 người), giá trị sản xuất hàng năm và số thuế phải nộp cho ngân sách Nhà nước không nhỏ nên khi BIDV hạ lãi suất thực sự là tin mừng với cán bộ, công nhân trong doanh nghiệp. Vài chục triệu đồng tiền lãi mỗi tháng được giảm không phải là nhiều đối với một doanh nghiệp lớn như Mông Sơn nhưng trong bối cảnh khó khăn này, khoản tiền đó cũng giúp đơn vị trang bị thêm trang thiết bị bảo hộ lao đông, cải thiện bữa ăn ca cho người lao động hay thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đúng kỳ, đúng hạn để quyền lợi của họ được đảm bảo.

Ông Nguyễn Ngọc Chỉnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cho biết: “Ngân hàng hạ lãi suất giúp Công ty tự tin hơn trong việc triển khai đóng 3 tàu thủy chở đá trên hồ Thác Bà với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng, trọng tải khoảng 500 tấn/chiếc. Nhờ đó, Công ty chủ động được nguyên liệu, hạ giá thành sản xuất, giảm tải trên tuyến quốc lộ 70”.

Hạ lãi suất thực sự như liều thuốc bổ cho những cơ thể ốm yếu và tăng lực cho những cơ thể khỏe mạnh để cùng nhau vượt qua khó khăn, gắng sức bước vào giai đoạn nước rút của năm kế hoạch 2013 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, hạ lãi suất cho vay xuống tối đa 13%/năm và 10%/năm đối với các khoản vay ưu tiên cần được triển khai đồng loạt tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn chứ không nên dừng lại chỉ ở BIDV.

Chỉ khi nào tất cả các ngân hàng, các khoản vay đều được hạ lãi suất thì sự tác động với doanh nghiệp mới mang nhiều ý nghĩa. Một số khách hàng doanh nghiệp cho biết, theo quy định, có những gói tín dụng lãi suất chỉ 9% đến 10%/năm nhưng thời hạn vay chỉ một vài tháng thì rất khó triển khai vì thời hạn như thế sẽ chưa thể dùng vốn vào việc gì đã phải mang gốc và lãi đi trả.

Một số ý kiến khác cho rằng, lãi ngân hàng còn 1%/tháng đã là quá mừng nhưng tình trạng người có đủ điều kiện thì không vay, người muốn vay lại không đủ điều kiện vẫn còn tiếp diễn. Trong khi các ngân hàng đang thiếu khách hàng tốt để đầu tư thì doanh nghiệp và ngân hàng cần ngồi với nhau để tìm ra những phương án tháo gỡ. Đôi khi, khách hàng xấu lại đang có những hợp đồng tốt là chuyện rất bình thường vẫn diễn ra nên phải ngồi lại với nhau, cùng chia sẻ thì vấn đề mới được tháo gỡ.

Lê Phiên

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn tham gia khởi công công trình.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 – 20/6/2024) và chào mừng Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, sáng 18/5, huyện Yên Bình đã khởi công công trình bê tông hóa đường giao thông tại tổ dân phố số 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Ảnh minh họa

Liên bộ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Chiều 17/5, đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Lào Cai cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái để trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc đem lại thu nhập cao cho các hộ dân thôn São, xã Tân Lập.

Những ngày này, các hộ trồng dưa ở xã Tân Lập, huyện Lục Yên đang vào vụ thu hoạch chính với các sản phẩm: dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa hấu…. Qua nhiều vụ trồng, các giống dưa đã khẳng định phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của người dân nơi đây. Đặc biệt, sản phẩm được nhiều người biết tới do các hộ dân áp dụng quy trình sản xuất "sạch".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục