Xóa đói giảm nghèo bằng nội lực
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/6/2013 | 2:58:45 PM
YBĐT - Là xã vùng cao khó khăn của huyện Văn Yên (Yên Bái) nhưng những năm trở lại đây, nhờ biết phát huy nội lực, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tình hình kinh tế - xã hội ở Phong Dụ Hạ có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Bà Hoàng Thị Cảnh ở thôn 3 chăn nuôi lợn nái cho thu nhập ổn định.
|
Trên cơ sở phân tích những điều kiện thuận lợi và khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền xã Phong Dụ Hạ xác định, phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi là hướng chính để xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND xã Hà Cơ Yếu, trong sản xuất lâm nghiệp, xã xác định cây quế là cây trồng chủ lực, giúp dân thoát nghèo. Do vậy, hàng năm, xã tăng cường vận động người dân không ngừng chăm sóc và mở rộng diện tích cây quế. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đến nay, diện tích cây quế đã được mở rộng lên 1.000ha, phân bố rải rác tại 9 thôn, bản trên địa bàn xã.
Để đảm bảo nhà nào cũng có đất sản xuất, xã chủ trương giao đất rừng đều cho các hộ dân. Đến nay, hộ nào cũng có quế, hộ ít thì vài nghìn mét vuông, hộ nhiều thì hàng chục héc-ta. Bình quân mỗi năm, xã khai thác 80 tấn vỏ quế với sản lượng tinh dầu đạt 0,8 tấn.
Để cây quế phát triển bền vững, ngoài việc trồng mới bình quân 150ha/năm, xã vận động nhân dân khai thác, tỉa cành, lá theo đúng kỹ thuật, tránh tình trạng khai thác quá dày, ảnh hưởng đến chất lượng tinh dầu quế.
Ông Lương Văn Xe, thôn 3, người đã có 20 năm gắn bó với cây quế cho biết: “Ruộng ít nên toàn bộ chi tiêu, sinh hoạt của gia đình chỉ trông chờ vào cây quế. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 7ha quế, bình quân khai thác tỉa hàng năm cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng. Đây chính là cơ sở để gia đình mở rộng sản xuất sang chăn nuôi và ổn định cuộc sống”.
Ngoài cây quế, Phong Dụ Hạ vận động người dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng sắn cao sản. Thời gian đầu, diện tích sắn toàn xã được đưa vào trồng chỉ đạt 70ha đến 100ha nhưng sau thấy hiệu quả trồng sắn cao nên người dân đã tích cực tham gia. Nhờ đó, đến nay, diện tích trồng sắn của toàn xã đã tăng lên 250ha, sản lượng bình quân ước đạt 6.000 tấn, giá trị thu nhập từ sắn đạt hàng tỷ đồng.
Trong chăn nuôi, xã đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng và xây dựng các mô hình chăn nuôi hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Bà Hoàng Thị Cảnh, thôn 3 cho biết: “Được sự vận động, hướng dẫn của chính quyền xã, gia đình đã mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái với quy mô 20 con. Nhờ làm tốt công tác tiêm phòng, gây giống nên hàng năm, gia đình cung cấp hàng trăm con lợn giống cho người dân trong vùng với mức thu nhập trên 50 triệu đồng/năm”.
Ngoài gia đình bà Cảnh, Phong Dụ Hạ còn có thêm 3 mô hình chăn nuôi lợn nái khác và 40 mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm từ 5 - 20 con. Cùng với đó, xã tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói rét và duy trì ổn định trên 800 con trâu, 200 con bò, 9.000 con gia cầm. Diện tích lúa nước ít, chỉ có trên 90ha, xã vận động người dân tích cực áp dụng chuyển đổi cơ cấu giống, đưa vào gieo cấy các giống lúa mới, năng suất cao và áp dụng biện pháp kỹ thuật phân viên nén dúi sâu để tăng năng suất, sản lượng.
Đến nay, trong cơ cấu giống, lúa lai đã chiếm tới 85%, còn lại là các giống lúa thuần, năng suất bình quân đạt 48,7 tạ/ha, sản lượng 921 tấn, bình quân lương thực đầu người 302kg/năm. Nhờ biết phát huy nội lực kết hợp với những bước đi, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, đời sống kinh tế - xã hội ở Phong Dụ Hạ đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ: tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 49%; thu nhập bình quân đầu người đạt 10 triệu đồng/năm; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được nâng lên...
Mặc dù kinh tế đã có bước chuyển dịch đúng hướng nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn cao. Nhiều thôn bản, đời sống của người dân còn khó khăn; hiệu quả của các loại cây trồng, vật nuôi chưa phát huy hết hiệu quả... Thời gian tới, Phong Dụ Hạ cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác... Có như vậy, bài toán giảm nghèo mới sớm có lời giải.
Hùng Cường
Các tin khác
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện trả lời chất vấn kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.
Công ty Tata Power thuộc tập đoàn Tata của Ấn Độ đã giành hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng. Để có được hợp đồng này, Tata Power đã phải vượt lên các đối thủ đến từ Hàn Quốc và Nga.
Sau thông tin về những bất cập giá điện tại huyện đảo Phú Quý cao gấp 3 lần giá điện đất liền, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về giá bán lẻ điện tại các huyện đảo.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 75/2013/TT-BTC hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số.