Trên con tàu rời cảng Cam Ranh, khi từng đợt sóng vỗ mạnh vào thân tàu, tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của hành trình. Chuyến đi không chỉ đưa chúng tôi đến với biển trời Tổ quốc, mà còn mang theo hàng trăm món quà xuân từ đất liền: bánh chưng xanh, cành đào, mứt Tết… và hơn hết là tình yêu, niềm tin gửi gắm từ hậu phương đến với các đảo tiền tiêu.
Trong mỗi chúng tôi, ai nấy đều phấn khởi, tự hào, khi được đặt chân lên các đảo tiền tiêu giữa ngàn trùng sóng vỗ. "Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”. Lời bài hát "Nơi đảo xa” cứ thế vang lên, ngân nga mãi trong tâm trí chúng tôi – những người may mắn được tham gia hải trình hạnh phúc này.
Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, biển đảo luôn có vị trí chiến lược, là một phần lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Theo suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người Việt Nam đã phải đổi bằng biết bao mồ hôi, xương máu để xác lập, quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Câu chuyện về sự hy sinh của 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma cách đây 37 năm là một minh chứng cho sự hy sinh đó.
Kể sao xiết những tấm gương hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam trong trận chiến đó, các anh đã ra đi trong khí phách sáng ngời niềm tin quyết thắng, làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao đẹp "Bộ đội cụ Hồ” – Người chiến sỹ Hải quân. Tên tuổi và sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho kẻ thù run sợ, chùn bước. Các anh ngã xuống nay đã trở thành bất tử, để cho đất nước hòa bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Sự hy sinh của những người lính biển ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Ðao đi vào lịch sử, là những tấm gương sáng ngời minh chứng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam. Cảm phục trước sự hy sinh anh dũng của những chiến sỹ Hải quân, ai ai cũng luôn tâm niệm rằng: chúng ta đang sống trong hòa bình, được hưởng cuộc sống hạnh phúc đủ đầy và mong muốn sẽ cống hiến nhiều hơn, xứng đáng với sự hy sinh của các anh.
Khi vòng hoa và hàng trăm cánh hạc trắng chạm mặt nước, sóng khẽ chồm lên rồi bình yên đến lạ. Nhiều người không kìm được những giọt nước mắt. Họ khóc là bởi nhớ thương và tự hào vì những cha ông đã không tiếc máu xương xả thân mình cho độc lập hôm nay.
Chưa đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhiều người nghĩ nơi đây chỉ có cát trắng, nắng vàng, khí hậu gió biển mặn mòi, khắc nghiệt. Từ xa nhìn lại, các đảo như con tàu lừng lững giữa mênh mông biển cả. Với tinh thần "Tất cả vì biển đảo thân yêu”, các đảo được xây dựng kiên cố, đủ sức chống chọi mọi bão giông khắc nghiệt; Nhiều công trình được xây dựng trên các điểm đảo phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao cho cán bộ chiến sĩ. Các đảo đều có bể ngầm lớn chứa nước mưa, không những đủ cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất trên đảo, mà còn hỗ trợ cho ngư dân trên biển.
Cùng với đó là hệ thống thông tin hiện đại, hệ thống pin mặt trời, năng lượng gió, máy điện công suất cao, máy lọc nước biển..., góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, nâng cao khả năng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của chiến sỹ Hải quân, vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng, một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Đến đảo Sinh Tồn, được tham gia buổi Lễ chào cờ đầu năm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, chúng tôi ai nấy đều rưng rưng tự hào, ngước mắt hướng về lá cờ Tổ quốc tung bay giữa trùng khơi.
Trung tá Hoàng Văn Cường – Chính trị viên đảo Sinh Tồn xúc động chia sẻ: Chào cờ không chỉ là một nét văn hóa của người Việt Nam mà còn được quy định trong điều lệnh. Khi mỗi quân nhân nhìn thấy lá cờ là nhìn thấy Tổ quốc, không chỉ tự hào, vinh dự mà còn là trách nhiệm của mỗi người chiến sĩ Hải quân. Cũng như mỗi người dân Việt Nam, cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam luôn quyết tâm, thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Các chiến sỹ trên đảo Đá Thị chăm sóc vườn rau xanh
Các chiến sỹ Hải quân ở các đảo tiền tiêu thuộc quần đảo Trường Sa ngoài công tác huấn luyện giỏi, thì cũng dành thời gian để tập trung chăn nuôi, chăm sóc vườn rau. Với phương châm "thực túc binh cường” đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo đảm hậu cần tại chỗ, nhờ vậy bữa cơm của đơn vị luôn có rau xanh, thịt gia súc, gia cầm, thay vì ăn thực phẩm đông lạnh như trước đây. Rau xanh và thực phẩm do bộ đội tự tăng gia, đã được đưa vào các bữa ăn hàng ngày. Mỗi mét vuông đất trên đảo đều quý, vì vậy ngoài những lúc trực canh, huấn luyện, luyện tập thể thao, các chiến sĩ đều dành hết thời gian cho việc chăm sóc rau xanh. Những luống cải, mồng tơi, rau dền, rau muống... xanh tươi hiện hữu trên những khối bê tông giữa biển khơi muôn trùng sóng gió là cả một kỳ công với bao công sức, mồ hôi của bộ đội trên đảo đã đổ xuống để cây cối bật lên những chồi non, lộc biếc.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tuấn – Chính trị viên đảo Đá Thị cho biết: "Mỗi cán bộ chiến sĩ trên đảo Đá Thị thuộc quần đảo Trường Sa đều quan tâm đến công tác tăng gia sản xuất. Đây là nguồn cung cấp rau xanh, thực phẩm chủ yếu các các bữa ăn của bộ đội nơi đảo xa. Tuy nhiên, việc thực hiện trồng rau xanh trên đảo cũng gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sóng to, gió lớn, làm ảnh hưởng đến chất lượng rau xanh của bội đội. Do điều kiện thiếu nước ngọt, chúng tôi chủ yếu trồng các loại rau chịu hạn tốt như: rau dền, rau muống, rau mồng tơi, rau mùi… Chúng tôi cũng phải che chắn kín đáo để ngăn những cơn gió mang theo hơi biển mặn làm rau bị héo lá. Có những khi thời tiết xấu, sóng đánh trùm lên cả vườn tăng gia, bộ đội phải che chắn bằng lưới, bằng tấm nhựa để tiếp tục che chắn lên cao hơn. Chúng tôi cũng đan những tấm lưới trắng, hấp thụ ánh sáng để rau xanh quang hợp”.
Mỗi điểm, mỗi đảo trên quần đảo Trường Sa đều là những mốc son chủ quyền của lãnh hải Tổ quốc. Nhiều đảo, ngoài bộ đội còn có cả dân sinh sống, có các âu tàu cho ngư dân tránh bão. Dù sóng ở nơi đầu sóng, ngọn gió, những hộ gia đình sinh sống trên các đảo vẫn đều xem mình như những chiến sỹ Hải quân, ngày đêm gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vui nhất là khi có khách từ đất liền ra thăm đảo, họ đón khách như thể đón người thân của mình đến thăm. Các gia đình ở đây, luôn coi đảo là quê hương thứ 2 của mình, tự hào vì được đóng góp phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chị Trần Thị Thu Huyền, một phụ nữ trẻ sinh sống trên đảo, chia sẻ về cuộc sống hàng ngày: "Ở đây không có siêu thị hay chợ, mọi thứ phải tự làm, tự tích trữ. Nhưng chúng tôi không cảm thấy thiếu thốn vì đã quen rồi. Tết đến, trẻ con thích nhất là được nhận quà từ đất liền gửi ra, còn người lớn thì chỉ mong được khỏe mạnh, tiếp tục bám đảo, giữ vững nhà mình".
Tiếng chuông chùa vang vọng giữa không gian trầm mặc của biển cả. Giữa khói hương trầm mặc, những nén tâm nhang thành kính cầu mong cho bình an đến với vùng biển, vùng trời thân yêu của tổ quốc. Mọi người dân Việt Nam tự hào về các anh, những người con kiên cường, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Các anh tiếp tục truyền cảm hứng yêu nước, giúp mỗi người nhận thức sâu sắc hơn bài học chủ quyền thiêng liêng mà qua bao thế hệ vun đắp, bảo vệ và giữ gìn. Phát huy truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng, luôn luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển.
Với những người lính Hải quân, Tổ quốc vừa là trái tim, vừa là động lực tinh thần to lớn để mỗi cán bộ, chiến sĩ nghĩ suy, hành động, chấp nhận gian khổ và sẵn sàng hi sinh. Các anh không một giây phút nghỉ ngơi, ngày đêm chắc tay súng, canh biển trời Tổ quốc. Nắng gió nơi đảo xa đã trui rèn cho người lính ở Trường Sa khả năng thích ứng với mọi điều kiện thời tiết, rèn sức khỏe dẻo dai đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao. Chính những vất vả, khó khăn ấy, đã hun đúc trong mỗi trái tim người lính biển một tình yêu cháy bỏng, sẵn sàng cống hiến, giữ gìn bình yên cho từng tấc đất biên cương, từng dặm biển khơi xa của Tổ quốc.
Mạnh Cường