Bảo Ái nhớ mùa chè xưa...

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2013 | 8:53:51 AM

YBĐT - Việc người dân không mặn mà với cây chè không chỉ là chuyện của riêng xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái) mà còn là của nhiều địa phương khác. Nguyên nhân chính vẫn do giá thu mua chè nguyên liệu quá thấp. Lý do là hầu hết các cơ sở thu mua để chế biến chè đen nên giá dao động chỉ trên dưới hai ngàn đồng một cân nguyên liệu.

Trưởng thôn Bùi Chí Nam (bên phải) với nương chè duy nhất ở Bảo Ái còn hiệu quả.
Trưởng thôn Bùi Chí Nam (bên phải) với nương chè duy nhất ở Bảo Ái còn hiệu quả.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Bảo Ái là một trong những địa phương có diện tích chè lớn của huyện Yên Bình. Xã có nhà máy chế biến nguyên liệu chè quy mô lớn, chè là cây chủ lực giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Vậy mà nay, như nhiều địa phương khác, cây chè đang chịu số phận hẩm hiu khi nông dân không còn mấy thiết tha với nó...

Đã vào chính vụ mà trên nương chè chẳng thấy tiếng nói, tiếng cười. Tư thương đến mua chè trên địa bàn cũng vắng bóng. “Vài năm trở lại đây, chè chán lắm anh ạ!” - mở đầu câu chuyện, cán bộ phụ trách nông - lâm nghiệp xã Bảo Ái Nguyễn Văn Thương nói buồn. “Những năm trước, vào thời điểm này chính là gần giai đoạn chè vào chính vụ, nhà máy chạy hết công suất, thương lái ở khắp nơi quanh vùng đổ về tranh mua nguyên liệu. Ngày đó, ai cũng vui vẻ, nhất là dân vì ngày nào cũng có thu nhập. Nhưng năm nay, anh thấy đấy, im như thóc! Nhà máy chè Bảo Ái đóng cửa, dừng sản xuất, chuyển sang làm ván bóc. Các nhà máy mi ni tại các địa phương khác quanh vùng cũng hoạt động nhưng công suất nhỏ, sức mua cũng vừa phải. Anh bảo, giờ giá vật tư cao và công lao động cũng tăng cao mà giá chè nguyên liệu là 2.700 đồng đến 2.900 đồng một cân thì hỏi sao nông dân không quay lưng với chè…”, anh Thương giãi bày.

Cây chè đã gắn bó với người dân Bảo Ái vài chục năm. Nơi đây, có phần lớn là dân vùng xuôi di dân vào sinh sống khi xây dựng thủy điện Thác Bà. Đất ruộng ít, địa hình đồi đất tương đối thuận tiện, cộng với có khí hậu mát mẻ do ảnh hưởng khí hậu vùng hồ Thác Bà, đất Bảo Ái là nơi lý tưởng cho cây chè sinh trưởng và phát triển. Vì vậy, lúc cao điểm nhất, toàn xã có  trên 320ha (gồm cả diện tích của Công ty cổ phần Chè Văn Hưng cộng lại), trong đó có thôn hàng trăm hộ hầu hết diện tích trồng chè.

Với năng suất trung bình 7 tấn/ha/năm, mỗi năm, Bảo Ái sản xuất trên dưới hai ngàn tấn chè nguyên liệu. Nhiều năm trước, tỉnh đã cho xây dựng Nhà máy Chè Bảo Ái - nay chuyển đổi do Công ty cổ phần Chè Văn Hưng quản lý để thu mua, chế biến nguyên liệu chè. Thời kỳ thịnh vượng, Công ty Chè Bảo Ái là điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh của tỉnh. Còn hàng ngàn hộ dân Bảo Ái nhờ cây chè đã có cơm ăn, áo mặc, có thu nhập để trang trải cuộc sống, đầu tư học hành cho con cái…

Tình cảm là vậy, gắn bó là vậy mà người dân Bảo Ái  giờ phải quay lưng lại với cây chè. Chỉ trong vòng một, hai năm, hàng trăm héc-ta chè được người dân chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp lấy gỗ. Cụ thể như thôn Đoàn Kết, có 60ha chuyển đổi hết sang trồng keo; thôn Ngòi Chám có 41ha nay còn 25ha…

 “Số diện tích chè còn lại cũng lay lắt do không được chăm sóc, lại bị thu hái theo kiểu “bóc màu” do thu hái bằng máy nên năng suất giảm mạnh. Nhiều nhà đến thời điểm này, chè không nảy búp, nhiều diện tích chè bị xoăn lá do dùng quá nhiều thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ” - anh Nguyễn Văn Thương cho biết thêm. Không có thu nhập từ chè, nhiều người dân phải tìm cách chuyển đổi sang những ngành nghề khác như bóc gỗ, làm rừng… Nhiều người về Hà Nội hay các thành phố lớn để làm thuê.

Việc người dân không mặn mà với cây chè không chỉ là chuyện của riêng Bảo Ái mà còn là của nhiều địa phương khác. Nguyên nhân chính vẫn do giá thu mua chè nguyên liệu quá thấp. Lý do là hầu hết các cơ sở thu mua để chế biến chè đen nên giá dao động chỉ trên dưới hai ngàn đồng một cân nguyên liệu.

“Nếu mua với mức giá như làm chè xanh thì nông dân chúng tôi đâu có bỏ chè” - Chủ tịch UBND xã Đào Thanh Hải trăn trở - “Chẳng biết các cơ sở thu mua chế biến của mình thế nào chứ tôi biết, ở Tuyên Quang, khu vực giáp ranh Yên Bình, người ta vẫn mua chè búp tươi hái tay để chế biến chè xanh với giá năm, sáu ngàn đồng mỗi ki-lô-gam. Vì vậy, mấy xã của Yên Bình gần khu vực đó cũng được nhờ, nông dân vẫn gắn bó với cây chè lắm! Ngay như ở chúng tôi đây, vẫn có một vài điểm làm chè xanh có thu nhập cao”.

 

Nhiều diện tích chè đã được trồng theo.

Theo giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình Trưởng thôn Ngòi Chám Bùi Chí Nam. Trong khi nhiều nương chè của những hộ gia đình gần đó cây keo đã phủ kín thì tại nương chè của gia đình, những búp chè vẫn vươn lên tua tủa.

Trưởng thôn Bùi Chí Nam cho biết: “Gia đình hiện có 0,8ha chè giống mới LDP 1, mỗi năm cho thu khoảng 7 tấn chè búp tươi. Mình không bán cho cơ sở chế biến chè đen mà làm chè xanh bán cho bà con quanh vùng. Đầu ra cũng thoải mái vì gia đình cũng có thương hiệu rồi”.

Anh Nam tính toán, 10kg nguyên liệu, thuê nhân công mất 30.000 đồng, thuê công sao chè mất 30.000 đồng, vị chi là 60.000 đồng. Với số nguyên liệu đó thu được 1,9kg chè khô, nếu bán với giá 70.000 đồng/kg thì thu được 130.000 đồng, trừ tất cả chi phí cũng có lãi hơn một nửa. Vì vậy, tất cả chi tiêu của gia đình từ trước đến nay vẫn nhìn vào đồi chè bởi mỗi năm cũng cho lãi khoảng 15 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí. Đáng tiếc là những mô hình như gia đình anh Nam rất hiếm hoi nếu không nói đó là duy nhất!

Tìm lối ra cho cây chè, để người dân gắn bó trở lại với cây chè không phải là điều đơn giản. Như lời Chủ tịch UBND xã Đào Thanh Hải thì đối với Bảo Ái vẫn xác định cây chè vẫn là số một vì thực sự góp phần xóa đói giảm nghèo, đem lại thu nhập ổn định và lâu dài cho người dân. Chính quyền và nhân dân cũng đang có những biện pháp để duy trì diện tích đồng thời cải tạo số diện tích cũ.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm sao phải nâng được giá chè nguyên liệu. Làm được điều đó, các cơ sở chế biến phải thay đổi công nghệ, thay đổi sản phẩm chứ làm chè đen như hiện nay thì bảo dân gắn bó với cây chè là khó lắm! Để nâng chất lượng và giá thành sản phẩm chè, thực hiện dự án của huyện, mỗi năm, Bảo Ái chuyển đổi cải tạo 5ha đến 7ha chè giống mới LDP 1, LDP 2.

Đến nay, toàn xã đã cải tạo được khoảng 50ha.  Có một thực tế, ngoài tự sản xuất như gia đình Trưởng thôn Bùi Chí Nam, chè giống mới làm chè xanh cũng được các cơ sở thu mua như giá làm chè đen nên dân chán chẳng muốn hái chứ chưa nói đến việc cải tạo. Kế hoạch của huyện và xã năm nay cải tạo 10ha nhưng chắc chắn khó hoàn thành vì dân bây giờ chẳng mấy ai quan tâm đến chè nữa…

Chia tay Bảo Ái, lòng thật buồn, thấy tiếc cho một vùng chè đang dần bị mai một. Bảo Ái bao giờ quay trở lại những mùa chè xưa?

Nguyễn Đình

Các tin khác

YBĐT - Từ ngày 01/7/2013, các khoản phụ cấp, trợ cấp sau đây không phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật...

Tại cuộc họp về tối ưu hóa đường hàng không giai đoạn 2013-2014 diễn ra sáng qua 11.6, Cục Hàng không Việt Nam cho biết hiện tượng tắc nghẽn trên không dự báo vẫn sẽ xảy ra ở một số đường hàng không và một số vùng trời sân bay như Tân Sơn Nhất, Cam Ranh và Nội Bài.

Tại hội nghị lấy ý kiến các cục thuế về dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 11-6, ông Cao Anh Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, chỉ đạo cần phải cải cách thủ tục hoàn thuế. Nhiệm vụ của ngành thuế là phải xác định người nộp thuế nộp thừa bao nhiêu và phải trả lại cho người dân.

Cán bộ Ban Quản lý Dự án Đầu tư và xây dựng huyện Trạm Tấu kiểm tra công trình thủy lợi Háng Xê A, xã Xà Hồ.

YBĐT - Chương trình 30a của Chính phủ nhằm hỗ trợ xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo trong cả nước. Trạm Tấu là một trong hai huyện nghèo của tỉnh Yên Bái được hưởng lợi từ chương trình này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục