Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/6/2013 | 9:22:45 AM

YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 1474 năm 2011của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, ngành tài nguyên và môi trường đã có nhiều cố gắng trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Yên Bái là một trong số những tỉnh, thành phố có tiến độ cấp quyền sử dụng đất chậm, diện tích chưa được cấp GCNQSDĐ còn rất lớn. Ông Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái đã có cuộc trao đổi với phóng viên YBĐT để làm rõ hơn vấn đề này.

Thưa ông, ông có thể cho biết kết quả bước đầu thực hiện Chỉ thị số 1474 của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Yên Bái?

Ông Nguyễn Văn Khánh: Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 1474, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều quyết định, văn bản chỉ đạo như: Quyết định số 189 ngày 5/3/2013, Quyết định số 654 ngày 20/6/2012, Văn bản số 1686 ngày 12/12/2012… để chỉ đạo ngành tài nguyên, các ngành có liên quan và các địa phương đẩy nhanh việc cấp GCNQSDĐ đảm bảo đúng Luật Đất đai và các chính sách, pháp luật khác của Nhà nước. Kết quả đạt được trên các lĩnh vực như sau: cấp GCNQSDĐ thường xuyên, tính đến ngày 31/12/2012 toàn tỉnh Yên Bái đã cấp được 432.445 giấy chứng nhận, tổng diện tích cấp là 286.268,32ha.

Đối với việc cấp giấy chứng nhận theo Dự án tổng thể, việc đăng ký, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận theo Dự án trên địa bàn 7 xã thuộc huyện Trạm Tấu và xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải là 25.055 giấy với diện tích 1.991,46ha. Còn lại, những đơn vị hành chính gồm: thị trấn Trạm Tấu, xã Làng Nhì, Tà Xi Láng, Pá Hu, Pá Lau đã được nghiệm thu bản đồ địa chính và thực hiện sắp xếp, điều chỉnh đất đai theo Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy Yên Bái. Trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, đã tiến hành kê khai ở tất cả các thôn, bản thuộc xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc… Tổng diện tích đã được cấp giấy chứng nhận là 288.259,78ha/366.686ha diện tích có khả năng cấp, đạt 78,6%.

Xin ông cho biết, những khó khăn lớn trong việc triển khai việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn?

Ông Nguyễn Văn Khánh: Công tác lập hồ sơ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận là công việc đặc thù, có yêu cầu về kỹ thuật và pháp lý rất chặt chẽ, do vậy quá trình làm phải thận trọng, không thể ồ ạt trong một thời gian ngắn. Cùng với đó, các địa phương còn thiếu nhân lực cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt tại các huyện vùng cao, trong khi cán bộ tài nguyên thường xuyên phải làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, giải quyết đơn thư, tập trung cho công tác thu ngân sách.

Một vấn đề đáng nói nữa là hiện nay, diện tích chưa cấp giấy chứng nhận lại ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đó là những nơi mà nhu cầu khai thác các quyền của người sử dụng đất còn thấp; trường hợp người dân không có nhu cầu được cấp GCNQSDĐ nên không đăng ký là không hề nhỏ. Hầu hết các huyện còn nhiều diện tích cần cấp đều có mức thu ngân sách từ đất thấp nên số kinh phí dành cho cấp giấy chứng nhận cũng hạn hẹp, không đủ đáp ứng cho nhu cầu kinh phí trong công tác cấp này. Đây chính là khó khăn khiến các địa phương chưa thể tập trung thực hiện cấp giấy lần đầu đồng loạt để có thể cơ bản đạt mục tiêu hoàn thành công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu theo yêu cầu.

Ngành tài nguyên và môi trường đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cũng như giải pháp thực hiện như thế nào để cơ bản hoàn thành cấp GCNQSDĐ lần đầu trong năm 2013 thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khánh: Qua rà soát, diện tích còn lại có khả năng cấp giấy chứng nhận lần đầu tại các huyện, thị, thành phố là 366.686ha, trong đó diện tích đã cấp là 288.259,78ha; dự kiến trong năm 2013 cấp 63.522,29ha với số giấy chứng nhận cần cấp là 106.106 giấy. Để cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận lần đầu trong năm 2013, tỉnh tập trung một số giải pháp như sau: đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo Dự án tổng thể tại huyện Trạm Tấu, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, xã Mồ Dề (Mù Cang Chải); hoàn thành công tác đo đạc, lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ huyện Lục Yên; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ sản xuất lâm nghiệp theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt…

Các giải pháp kỹ thuật được xác định là: các địa phương đã có các loại bản đồ giải thửa 299, bản đồ lâm nghiệp theo Dự án 672, bản đồ địa chính đã đo đạc trước đây thì phải tận dụng triệt để, hạn chế tối đa việc trích đo bản đồ mới, làm như vậy sẽ kéo dài thời gian cũng như giúp người dân đỡ phải nộp phí đo đạc; sử dụng máy GPS cầm tay để đo đạc các thửa đất nương rẫy phục vụ cấp giấy… Để công tác cấp GCNQSDĐ được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện, đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho các ngành có liên quan như: tài nguyên và môi trường, Cục Thuế tỉnh, nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như chính quyền các huyện, thị, thành phố…

Ngành tài nguyên và môi trường cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính; tăng cường củng cố, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ngành tài nguyên và môi trường tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh cùng sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, địa phương cũng như với nỗ lực của mình, mục tiêu cơ bản cấp GCNQSDĐ sẽ hoàn thành.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Phiên (thực hiện)

Các tin khác
Vải thiều Lục Ngạn đang bước vào thời điểm thu hoạch chính vụ

Hiện nay, vải thiều đang bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ. Mỗi ngày, toàn tỉnh Bắc Giang xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 4.670 tấn vải thiều.

26.000 lượng vàng chào thầu sáng nay dự kiến có giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc sẽ là 40,45 triệu đồng/lượng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu thu giữ lâm sản vận chuyển trái phép.

YBĐT - Trong những tháng đầu năm nay, tình trạng vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép, nhất là gỗ pơ mu trên địa bàn huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vẫn diễn biến khá phức tạp.

Các hộ kinh doanh tạp hóa tại chợ Trạm Tấu thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
(Ảnh: Quang Thiều)

YBĐT - Luật Quản lý thuế (QLT) số 78/2006/QH11 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Sau hơn 5 năm thực hiện, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong lĩnh vực quản lý thuế (QLT) đã nảy sinh một số nội dung chưa cụ thể, chưa phù hợp và chưa sát thực tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục