Thấp thỏm mùa chè

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/6/2013 | 2:47:35 PM

YBĐT - Sau nạn chè tầm, chè “bẩn” hoành hành, những tưởng đời sống của người làm chè cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh chè ở Văn Chấn (Yên Bái) sẽ đi vào ổn định nhưng hệ lụy của nó vẫn khiến người làm chè nơi đây thấp thỏm, âu lo…

Dây chuyền máy móc của Công ty cổ phần Chè Trần Phú nằm chờ nguyên liệu...
Dây chuyền máy móc của Công ty cổ phần Chè Trần Phú nằm chờ nguyên liệu...

Bước vào vụ sản xuất, kinh doanh chè năm nay, nhiều hộ làm chè ở Văn Chấn khấp khởi vui mừng khi vụ chè xuân cho thu hoạch sớm. Thời tiết thuận lợi đã cho thu hoạch lứa chè xuân năng suất cao và sớm hơn thường lệ. Thị trường tiêu thụ sôi động, giá chè búp tươi đạt 3.100 - 3.400 đồng/kg, nhiều người đã nghĩ đến sự hồi sinh của ngành chè Văn Chấn.

 Thế nhưng gần 2 tháng sau, lứa chè “tạo hình” nhiều nương chè ở khắp các xã vùng ngoài của huyện vẫn loang lổ những vệt dài xám xịt. Tận thu những gì còn lại sau đợt nắng nóng, bà Nguyễn Thị Nhung ở tổ 8, thị trấn Nông trường Trần Phú than: “Từ đầu năm đến nay, nhà đã phun thuốc trừ sâu 7, 8 lần rồi mà chè vẫn cháy sun lại, cộng với đợt nắng nóng vừa qua, nhiều đám chè đã chết dột không còn khả năng hồi phục”.

Đói nguyên liệu

Đã bước vào chính vụ nhưng sân héo của Công ty cổ phần Chè Trần Phú vẫn trống trơn. Với kế hoạch tự sản xuất 1.200 tấn chè thành phẩm nhưng đến trung tuần tháng 5, Công ty mới chỉ thu mua được 400 tấn chè búp tươi. Với vùng nguyên liệu do đơn vị quản lý trên 650ha song ở thời điểm hiện nay, để đủ một ca sản xuất, doanh nghiệp phải tổ chức thu mua 3 đến 4 ngày.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Chè Trần Phú thì nguyên nhân do thời tiết chỉ là khách quan mà vấn đề cốt lõi vẫn bởi người dân “bóc lột” quá sức hồi phục và phát triển của cây chè. Bên cạnh đó, cộng với việc phát triển ồ ạt của các cơ sở sản xuất chè mi ni nên nguồn nguyên liệu đã thiếu lại càng thiếu hơn.

Có công suất nhỏ lại ở ngay sát vùng nguyên liệu nhưng những ngày này, các doanh nghiệp, hợp tác xã ở xã Đại Lịch, Nghĩa Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú, Thượng Bằng La cũng không cạnh tranh để mua đủ nguyên liệu cho sản xuất. Việc tổ chức các điểm thu mua nguyên liệu tới các thôn, bản xem ra vẫn chưa thuận lợi và cạnh tranh được bằng các hộ sao “bom”.

Để có nguyên liệu, những cơ sở sao “bom” đặt tiền trước, cho xe lên tận đồi đóng bao, cân và trả giá cao nên hầu hết các hộ dân bán chè tại đồi. Chưa biết lợi ích của các hộ sản xuất, kinh doanh chè sao “bom” như thế nào song điều dễ nhận thấy là giá chè búp lên xuống như thời tiết, búp chè thì dài ngắn, cù cẫng lẫn lộn. Vậy mà các cơ sở sản xuất vẫn thiếu nguyên liệu…

 

Những đồi chè ở thị trấn Nông trường Trần Phú đang xuống cấp nghiêm trọng.
  
Giảm nguồn thu

Những bất ổn trong sản xuất, kinh doanh chè ở vùng ngoài đang khiến cả người dân lẫn doanh nghiệp và chính quyền các cấp hết sức lo âu. Với người dân, cái lợi trước mắt là giá cao, tiêu thụ thuận lợi nhưng với kiểu làm ăn “ăn xổi, ở thì” của các hộ sao “bom” liệu có bền vững? Còn với các cơ sở sản xuất, trang thiết bị máy móc và công nhân đều chờ nguyên liệu. Dây chuyền máy móc hiện đại đành “đắp chiếu” nhìn các máy móc thô sơ hoạt động.

Ông Hoàng Văn Chức - Chủ nhiệm Hợp tác xã tổng hợp Khe Mơ cho biết: “Việc sản xuất như hiện nay, chúng tôi hết sức lo lắng. Nguyên liệu thiếu chỉ là khó khăn trước mắt, nguy cơ lớn nhất là vùng nguyên liệu đang bị thu hẹp, chất lượng sản phẩm chè ngày càng xuống cấp”.

Đối với chính quyền và các ngành chức năng còn nhiều mối lo hơn cả. Trước hết là việc thu thuế từ sản xuất chè bom sẽ khó khăn hơn vì phải thu trên khâu lưu thông, dễ thất thu nguồn thuế, sau là việc quản lý nguyên liệu,  quản lý chất lượng cũng gặp không ít khó khăn. Điều nguy hại hơn là việc sản xuất, kinh doanh chè mạnh ai nấy làm, kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm rất khó khăn.

Với hơn 58 đơn vị, cơ sở sản xuất, chế biến chè có đăng ký kinh doanh, những năm qua, nguồn thuế của huyện thu được từ sản xuất, kinh doanh chè chiếm trên 60%. Trong 5 tháng đầu năm nay, ngành thuế huyện Văn Chấn thu được gần 6,5 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chè, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, nguồn thu chủ yếu do truy thu từ đợt giãn, giảm thuế năm 2012 và có tới 85% là thu từ xuất bán chè tồn. Nguy cơ hiện hữu là các cơ sở kinh doanh chè không hoàn thành kế hoạch sản xuất thì nguồn thu 31,5 tỷ đồng tiền thuế từ sản xuất chè của huyện cũng coi như không đạt.

Trăn trở vùng nguyên liệu

Vốn được xem là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nhưng do địa hình có độ dốc cao nên việc thâm canh, chăm sóc chè gặp rất nhiều khó khăn. Việc bùng nổ các cơ sở sản xuất đã đẩy nhu cầu nguyên liệu tăng đột biến. Tuy nhiên, việc thu hoạch theo kiểu thủ công nên năng suất thấp, giá trị ngày công không đạt.

Có những khu đồi chỉ cần leo lên, leo xuống đã mất mấy tiếng đồng hồ. Mật độ thưa, năng suất thấp, nếu không hái dài, cắt dài thì không đủ tiền trả công. Vậy là để có nguyên liệu, người dân đã khai thác kiệt quệ bằng đủ các phương tiện, miễn sao năng suất nhất. Trong khi việc chăm sóc, thâm canh chưa bù đắp trở lại cho cây chè thì khi gặp thời tiết bất lợi, cây chè xuống cấp là chuyện đương nhiên.

Thực tế, sau những năm tháng bị “bóc lột”, cây chè ở các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn đang xuống dốc thảm hại cả về năng suất, chất lượng lẫn khả năng sinh trưởng. Trong khi cây chè đang giảm hiệu quả, thu hẹp về diện tích thì các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp lại đang phát huy giá trị kinh tế. Lợi thế so sánh ngay trước mắt đã khiến người nông dân ngày càng quay lưng với cây chè… 

Thực tế cũng vẫn còn những hộ dân rất tâm huyết, trăn trở với cây chè. Giữa những ngày nắng chang chang, những đồi chè Phúc Vân Tiên, PH1 ở tổ 2, thị trấn Nông trường Trần Phú vẫn mướt một màu xanh. Bên cạnh nương chè lổm nhổm những gốc cam xen giữa những hàng chè là diện tích chè PH1 của gia đình anh Trần Văn Hải xanh non mơn mởn.

Anh Hải cho biết: “Với diện tích trên 6.000m2, năm 2012, gia đình tôi thu gần 9 tấn chè búp tươi. So sánh lợi ích lâu dài giữa trồng cam, trồng rừng hay trồng cây ăn quả thì chưa biết lợi ích của cây nào lớn hơn nhưng có thể thấy, cây chè là cây có sức sống dẻo dai, phù hợp với nhiều điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Nếu tính việc đầu tư chăm sóc thì cây chè vẫn là lựa chọn hàng đầu. Việc bỏ chè, trồng các loại cây khác theo phong trào mà không tính toán đến lợi ích lâu dài như một số khu vực thì nguy cơ sẽ phá vỡ vùng nguyên liệu, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân”.

Với khoảng 8,5 vạn lao động có thu nhập chính từ sản xuất, kinh doanh chè, cây chè  ở Văn Chấn không chỉ có giá trị kinh tế mà có giá trị lịch sử bền lâu. Từ thuở khai hoang, đánh gốc, bốc trà, các thế hệ cha ông đi trước đã gây dựng nên 3 nông trường lớn là Nghĩa Lộ, Liên Sơn, Trần Phú. Nhận rõ giá trị kinh tế của các nông trường chè, nhân dân Văn Chấn đã gây dựng và mở rộng lên trên 4.200ha.

Trong khi những người dân thị trấn Nông trường Liên Sơn, Nông trường Nghĩa Lộ đang ra sức chăm sóc, cải tạo và mở rộng diện tích chè  thì ở vùng ngoài, không ít người lại quay lưng, thậm chí hủy hoại cây chè, hạ thấp giá trị sản phẩm chè. Điều này đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với địa phương phải làm sao để nâng cao nhận thức của người làm chè và tổ chức quy hoạch, sắp xếp vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến hợp lý, tạo sự phát triển hài hòa giữa nhà máy với vùng nguyên liệu.

Trần Van

Các tin khác
Hoạt động tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh tư liệu

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024. Ước tính tổng số thuế được gia hạn là gần 84.000 tỷ đồng.

Giá vàng miếng SJC hiện đã giảm xuống dưới mốc 90 triệu đồng/lượng (Ảnh minh họa)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chậm nhất cuối tuần này phải công bố quyết định thanh tra thị trường vàng.

Vùng bưởi xã Đại Minh, huyện Yên Bình được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao.

Là địa phương có sản phẩm nông nghiệp, nông thôn phong phú, đa dạng, Yên Bái đã, đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và coi đây là mục tiêu có tính chiến lược, lâu dài nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn…

Đồng chí Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Sáng 14/5, Huyện ủy Yên Bình tổ chức họp bàn công tác chuẩn bị Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới gắn với công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch hồ Thác Bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục