Xanh lại một vùng chè
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/7/2013 | 2:48:20 PM
YBĐT - Từng nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước, vậy mà khoảng từ năm 2001 đến 2007, chè Suối Giàng bỗng dưng mất giá và gần như bị tẩy chay khỏi thị trường. Chính vào thời điểm ấy có một người phụ nữ với một tình yêu lớn dành cho cây chè, quyết tâm lấy lại uy tín sản phẩm, làm hồi sinh thương hiệu chè Suối Giàng.
Chị Lâm Thị Kim Thoa đang giới thiệu sản phẩm Tuyết Sơn Trà - đặc sản Suối Giàng.
|
Nhà riêng của chị Lâm Thị Kim Thoa nằm ngay trung tâm xã Suối Giàng. Cả một gian rộng bên phải bày la liệt nào đá cảnh, đá phong thủy, mật ong rừng, chè Suối Giàng, rượu Táo mèo… gian bên trái bày đủ các mặt hàng tạp phẩm từ gói mì, chai mắm đến cái mũ, cái áo...
Được biết, anh chị không phải người bản xứ, cả hai vợ chồng đều vì điều kiện công tác mà rời gia đình lên đây, rồi chính duyên phận với cây chè đã giữ anh chị ở lại với mảnh đất này. Không phải là người trồng chè, không am hiểu nhiều về cây chè cũng như việc chế biến chè, nhưng chị lại biết cảm nhận hương vị đặc biệt của chè.
Ban đầu, với sự nhạy bén của người làm nghề thương mại, chị Thoa mua chè tươi của dân về thuê những người "có tay sao chè ngon" chế biến để bán. Khách hàng của chị chủ yếu là bạn bè và khách du lịch. Tiếng lành đồn xa, chè của chị càng ngày càng bán chạy."Thế rồi, tôi đã đặt chân vào nghề chè từ lúc nào không hay. Chính cây chè Suối Giàng đã chọn tôi, nghề chè đã chọn tôi..."- chị Thoa tâm sự.
Năm 2007, cùng một số anh em, bạn bè, những người có tâm huyết với cây chè, chị Thoa đã đầu tư thành lập Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng. Khi những sản phẩm chè đạt chất lượng của Suối Giàng được ra đời cũng là lúc chị Thoa lên đường đi mở thị trường. Nhưng khi vợ chồng chị đem sản phẩm chè đặc sản của HTX Suối Giàng đi chào hàng ở rất nhiều nơi thì đều bị từ chối một cách thẳng thừng và tàn nhẫn.
Quả thực, chè Suối Giàng đã một lần đánh mất đi chữ tín với khách hàng, bảo sao người ta không tẩy chay nó được. Mà nói đến chuyện chè Suối Giàng làm sao đánh mất chữ tín thì có nhiều căn nguyên lắm. Khởi đầu là từ khi hoạt động của Nhà máy chè Văn Hưng bị ngưng trệ. Khi nhà máy không thu mua nữa thì Suối Giàng rơi vào tình cảnh bị "chảy máu" chè tươi. Chè búp tươi được thương lái từ khắp nơi đổ về mua ồ ạt, giá cả bấp bênh, người dân rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Sản phẩm được mang đi đâu và chế biến ra sao thì không ai biết, chỉ biết rằng sau đó trên thị trường xuất hiện đủ loại chè: đắt có, rẻ có, ngon có, không ngon cũng có nhưng đều có chung một cái mác "Chè Suối Giàng" trong khi sản lượng chè thực tế của Suối Giàng mỗi năm chỉ đạt khoảng 400 tấn búp tươi, tương đương với 100 tấn chè khô. Xét cho cùng thì việc chè Suối Giàng bị mất chữ tín là do chất lượng kém nhưng chất lượng kém lại không tại bởi cây chè mà do những người vì lợi nhuận của riêng mình mà không màng tới giá trị và số phận của cây chè.
Tâm sự với tôi, chị Thoa bảo: "Mình thật sự xót xa bởi những gì chè Suối Giàng đang phải gánh chịu. Mình không cam tâm ngồi nhìn chè Suối Giàng cứ bị người ta "đánh lận con đen" như thế và mình cũng không thể để một thương hiệu chè vốn nổi tiếng còn chưa kịp "xây" đã mất như thế được".
Xưa nay, việc tạo dựng chữ tín trong kinh doanh vốn đã vô cùng khó nhưng để lấy lại niềm tin đã mất lại càng khó hơn gấp bội phần. Biết vậy nhưng chị Thoa vẫn tin là mình sẽ làm được.
Để lấy lại niềm tin của khách hàng, không còn cách nào khác là phải dùng chính chất lượng thực sự của chè Suối Giàng để chứng minh. Vậy là anh chị lại cùng nhau bàn bạc, nghiên cứu ra một cái tên riêng cho sản phẩm của mình. Khi đã có nhãn hiệu riêng chị thấy tự tin hơn rất nhiều. Chị mạnh dạn đem Tuyết sơn Trà đi mở thị trường ở nhiều nơi, nhưng chủ đạo vẫn là thị trường Yên Bái. Với phương châm: "Khách hàng phải được thưởng thức sản phẩm Tuyết Sơn Trà" nên chị không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để giới thiệu sản phẩm.
Tại các đại lý, thông qua bạn bè, và tại các hội chợ... hễ trong và ngoài tỉnh ở đâu có mở hội chợ là chị Thoa lại đem chè của HTX đến tham gia và là người trực tiếp đứng pha trà mời khách. Với chị, đó chính là một thị trường tiềm năng để chị quảng bá cho nhãn hiệu và chất lượng chè tốt nhất. Chị luôn giữ niềm tin Tuyết Sơn Trà sẽ tự khẳng định mình bằng chất lượng và uy tín. Khách hàng nào đã được thưởng thức chắc chắn sẽ quay lại với Suối Giàng.
Chị Thoa đã thực sự thành công khi đưa được Tuyết Sơn Trà vào thì trường chè không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Đó là thành quả xứng đáng cho bao nhiêu tâm huyết của chị với cây chè Suối Giàng. HTX của chị hiện giờ hoạt động hết công suất cũng không đủ chè bán. Năm 2012, HTX sản xuất và tiêu thụ ra thị trường hơn 10 tấn chè khô. Vụ chè xuân năm nay, HTX đã làm được hơn 5 tấn, đem lại thu nhập cho công nhân hơn 4 triệu đồng một tháng.
Chị Thoa cho biết, để làm được chè ngon đòi hỏi rất nhiều công đoạn, nguyên tắc ngặt nghèo. Ví như mua chè búp tươi phải đạt tiêu chuẩn một tôm hai lá, chè tươi mua về phải được chế biến ngay, khi chế biến phải đảm bảo đúng kỹ thuật, công đoạn, và đặc biệt phải giữ vệ sinh. Việc thu mua nguyên liệu do vợ chồng chị đảm nhiệm bởi anh chị là những người biết rõ từng gốc chè, từng nhà, từng bản ở đây. Chè nhà nào ngon, hái đúng tiêu chuẩn, hái vào ngày nào chị đều nắm thông tin rất rõ nên việc thu mua không chệch đi đâu được.
Khi sản xuất luôn tôn trọng quy trình sản xuất chè truyền thống đó là phải là chè xanh sao suốt. Mẻ chè nào không đạt yêu cầu lập tức loại bỏ chứ không vì tiếc mà làm hỏng những mẻ chè khác. Chè khô thành phẩm trước khi đến với khách hàng phải đảm bảo cả về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cái "tâm" của người phụ nữ đầy nhiệt huyết Lâm Thị Kim Thoa đã góp phần làm nên chữ "tín" cho thương hiệu chè Suối Giàng hôm nay. Ngày 31/5/2013 vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Suối Giàng cho sản phẩm chè của xã Suối Giàng. Đây là tín hiệu vui, là điểm tựa vững chắc cho sản phẩm chè Suối Giàng và cho những người tâm huyết với cây chè Shan tuyết cổ thụ như vợ chồng chị Thoa đang nỗ lực vươn lên.
Nguyễn Thị Tâm - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh
Các tin khác
Lúc 7h00 hôm nay (5/7), đồng hồ nợ công toàn cầu báo chỉ số trung bình mỗi người dân Việt Nam đang gánh số nợ công 826,4 USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi ước đạt 319.116 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN
YBĐT - Ngày 5/7, đoàn công tác của Văn phòng Kinh tế Đài Bắc do ông Hoàng Chí Bằng - Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế Đài Bắc tại Việt Nam dẫn đầu đã đến thăm và tìm hiểu, khảo sát việc xúc tiến thương mại và thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư trên địa bàn thành phố Yên Bái.
Dù sức mua thấp nhưng với áp lực của việc tăng giá xăng dầu, gas, lương... giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu bắt đầu rục rịch tăng.