Làm giàu từ trang trại tổng hợp
- Cập nhật: Thứ tư, 10/7/2013 | 2:36:29 PM
YBĐT - Người dân thôn Lương Môn, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) ai cũng khen ngợi gia đình anh Vũ Huy Quang dám nghĩ dám làm nay đã giàu có từ kinh tế trang trại tổng hợp với doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 6 lao động người địa phương.
Để có cơ ngơi như hôm nay, gia đình anh cũng trải qua bao thăng trầm trong phát triển kinh tế trang trại theo mô hình tổng hợp. Bắt đầu có ý tưởng và đầu tư làm trang trại năm 1998, chỉ với 5 ngàn m2 đất, gia đình anh đã đầu tư trồng 300 cây cam đường, 8 sào mía tím và chăn nuôi lợn, gia cầm, làm dịch vụ xay xát.
Những sào mía tím cho thu hoạch, cây cam đường bắt đầu ra quả cũng là lúc thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn, có những vụ thu không bù chi. Khó khăn chồng chất khó khăn, năm 2005 dịch cúm gia cầm H5N1 đã cướp đi hơn 2 tấn ngan thịt và trên 3 ngàn con gà đẻ và gà thịt làm thiệt hại trên 200 triệu đồng. Gia đình nợ nần chồng chất và tưởng như không gượng dậy nổi, nguy cơ phá sản luôn rình rập. Song bằng ý chí và nghị lực, anh tiếp tục dốc những đồng vốn cuối cùng trong gia đình tiếp tục đầu tư vào trồng táo lai và nuôi dê. Tiếp đến, năm 2007 anh tiếp tục đầu tư nuôi 50 con thỏ hậu bị. Dịch cúm gia cầm đã tạm lắng, anh tiếp tục nuôi gia cầm thả vườn.
Nhờ mạnh dạn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năm đầu đã cho thu trên 100 triệu đồng, sau trừ chi phí cũng còn lãi được hơn 40 triệu đồng và trả đủ lương cho 3 lao động với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Sau thành công đó, năm 2008, anh tiếp tục đầu tư vào nuôi thỏ, trong quá trình nuôi luôn nhận được sự quan tâm hướng dẫn về kỹ thuật của các cán bộ khuyến nông và được khuyến nông tỉnh cho đi tham dự lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thỏ tại Trung tâm dê thỏ quốc gia. Anh đem kiến thức được học về áp dụng chăn nuôi, hàng trăm con thỏ thịt, thỏ hậu bị sinh sôi, phát triển tốt, bán thu trên 120 triệu đồng. Bước vào năm 2009, bên cạnh nuôi thỏ, gia đình anh tiếp tục mở rộng quy mô nuôi trên 1 ngàn con gà thịt, gà đẻ.
Với hướng đi đó, cách làm đó, đến nay tổng đàn thỏ của gia đình đã có trên 2 ngàn con, trên 1.500 con gà, năm 2011 gia đình đã thu 600 triệu tiền từ bán thỏ giống, thỏ thịt và 150 triệu đồng từ gà và ngan. Lương của 6 lao động đã đạt bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình giỏi mà bằng kinh nghiệm của mình, anh Quang còn thường xuyên hướng dẫn giúp các hộ gia đình trong thôn, trong xã và nhiều hộ chăn nuôi thỏ kỹ thuật nuôi, cách phòng chống dịch bệnh đồng thời chủ động đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi thỏ trong vùng. Mỗi tháng bình quân anh tiêu thụ với giá ổn định cho các hộ chăn nuôi hàng chục tấn thỏ thịt giúp các hộ chăn nuôi phát triển ổn định.
Từ một hộ nghèo, bằng ý chí và nghị lực, anh Quang không chỉ đưa gia đình vươn lên thoát nghèo mà đã trở thành một gia đình giàu có ở Lương Thịnh. Nói về hướng phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, anh cho biết: "Tôi sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng chăn nuôi thỏ, nuôi gà, ngan, bởi trang trại hôm nay mới chỉ là cái nền móng ban đầu cho phát triển mai sau!".
Sự thành công trong phát triển kinh tế gia đình của anh Vũ Huy Quang gợi cho các hộ gia đình nông thôn một hướng đi trong phát triển kinh tế và cũng khẳng định giá trị của tinh thần không trông chờ ỷ lại, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Ngọc Trúc
Các tin khác
Mục tiêu này nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trung du miền núi đến năm 2020.
YBĐT - 6 tháng đầu năm 2013, Sở giao thông vận tải (GTVT) đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái về lĩnh vực quản lý, phát triển GTVT trên địa bàn; chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai các công trình giao thông trọng điểm.
YBĐT - Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là tổ chức tín dụng sát gần với người dân được hình thành trên cơ sở tập hợp các xã viên, hoạt động theo sự điều chỉnh của Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng và các điều luật khác có liên quan.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tập trung phối hợp với các tỉnh, thành phố nhằm tăng độ bao phủ của quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), là chỗ dựa tin cậy, gần gũi để hỗ trợ vốn vay cho hàng triệu hộ nông dân, tạo tiền đề quan trọng chấm dứt tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn.