Yên Bái đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/7/2013 | 8:51:30 AM

YBĐT - Cuối năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, tỉnh Yên Bái đã khởi công nhiều công trình giao thông quan trọng. Tuy nhiên, tiến độ thi công còn rất chậm, có công trình khởi công cuối năm 2012 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa triển khai. Phóng viên YBĐT đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Yên Bái xung quanh vấn đề này.

Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải Yên Bái kiểm tra tiến độ thi công đường tránh ngập thành phố Yên Bái.
Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải Yên Bái kiểm tra tiến độ thi công đường tránh ngập thành phố Yên Bái.

PV: Thưa ông, dư luận đặc biệt quan tâm đến tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm đã được khởi công thời gian qua, đặc biệt là tuyến đường tránh ngập thành phố Yên Bái. Xin ông cho biết, đến thời điểm này, khối lượng công việc thực hiện như thế nào?

Ông Đỗ Văn Dự: Trong năm 2012 - 2013, tỉnh Yên Bái đã khởi công nhiều công trình giao thông quan trọng, đặc biệt có một số công trình trọng điểm là: đường tránh ngập thành phố Yên Bái, đường Yên Bái - Khe Sang, đường Mường La - Mù Cang Chải, Dự án nâng cấp quốc lộ 32C.

Trong đó, đường tránh ngập thành phố Yên Bái là dự án được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn với các ngành, các địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình thi công. Năng lực của hai nhà thầu đảm bảo về máy móc, thiết bị, kỹ thuật cũng như năng lực tài chính.

Tuyến chính: đoạn Km0 - Km0+778 khởi công tháng 4/2011 đang trong giai đoạn đào đắp nền đường, khối lượng đạt 53.000/135.217m3 đất, đạt 39%; cầu Nhà khách thi công được 106m/396m cọc khoan nhồi, hiện đang tạm dừng thi công do vướng mắc mặt bằng; đoạn còn lại từ Km0+778m - Km10+256m đã thi công xong đường công vụ phục vụ thi công từ nút giao đền Rối đến cầu Văn Phú và đường công vụ thi công đoạn từ cầu Văn Phú tới điểm giao cắt với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Hiện nay, các nhà thầu đang tập trung thi công phần nền đường. Tính đến ngày 24/6/2013, đoạn từ Km0 - Km5+81,49m do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi thi công, khối lượng đào đắp đạt 920.000m3, đạt 22,25%, so với tiến độ thi công chi tiết đã cam kết chậm 1,85%; đoạn từ Km5+81,49m - Km10 +256m từ cầu Văn Phú đến điểm giao cắt với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đồng Tâm thi công khối lượng đào, đắp nền đường đạt 20,48%. Tiến độ của hai nhà thầu hiện còn rất chậm, chưa đáp ứng tiến độ chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái.

Ngoài ra, những công trình khác như đường Yên Bái - Khe Sang đoạn Yên Bái - thị trấn Mậu A đã bắt đầu triển khai thi công, dự kiến đến cuối năm 2013 hoàn thành thảm nhựa và năm 2014 hoàn thành toàn tuyến. Đường Mường La - Mù Cang Chải đang thực hiện đảm bảo tiến độ chung của dự án, không để phát sinh nguồn vốn đã bố trí trong giai đoạn 2011 - 2015. Đường 32C đoạn qua Yên Bái chưa bàn giao được mặt bằng cho đơn vị thi công.

- Xin ông cho biết, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc thi công các công trình chậm?  

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2013, đường tránh ngập thành phố Yên Bái phải hoàn thành phần nền đường. Qua kiểm tra, đánh giá, tiến độ thi công chưa đạt so với kế hoạch. Nguyên nhân một phần do thiếu vốn, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Tuyến đường tránh ngập đi qua địa bàn 6 xã, phường thuộc địa phận thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên với 710 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng.

Đến nay, hội đồng bồi thường các địa phương đã tổ chức kiểm đếm được 709 hộ; đã chi trả cho 620 hộ với số tiền bồi thường 96,613 tỷ đồng. Hiện tại, còn 20 hộ ở xã Tân Thịnh thuộc phạm vi nút giao trạm biến áp đang được thành phố Yên Bái hoàn thiện phương án bồi thường, dự kiến trong tháng 7 sẽ hoàn thành toàn bộ.

Đối với Dự án nâng cấp quốc lộ 32C, công trình khởi công cuối năm 2012 nhưng vẫn chưa thi công do công tác giải phóng mặt bằng chậm, chưa bàn giao được mặt bằng cho đơn vị thi công. Giải phóng mặt bằng ở tuyến này gặp rất nhiều khó khăn do nguồn gốc đất, giấy tờ, hồ sơ đất của người dân không đầy đủ; các địa phương chưa quan tâm bố trí nhân lực cho công tác.

 

Công tác giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm.

- Ngành giao thông có giải pháp như thế nào để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thưa ông?

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục giao ban thường xuyên với các đơn vị thi công, kiểm tra, nắm bắt khó khăn về mặt bằng, bãi đổ đất, xử lý các phát sinh về kỹ thuật, tạo điều kiện cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Để kiểm soát tốt tiến độ, chúng tôi yêu cầu nhà thầu lập tiến độ chi tiết và cam kết thực hiện đúng tiến độ làm cơ sở đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện các hạng mục. Đối với khó khăn về vốn, phía chủ đầu tư, chúng tôi có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh xem xét cân đối, đảm bảo nhà thầu có đủ vốn đẩy nhanh tiến độ. Mặt khác, hiện nay đang vào mùa mưa, chúng tôi yêu cầu nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi và ngay cả trong mùa mưa cũng phải bố trí thi công các hạng mục hợp lý.

Kế hoạch của ngành từ nay đến cuối năm sẽ tập trung khảo sát, chuẩn bị công tác đầu tư cho các công trình: hạng mục nâng cấp quốc lộ 32 giai đoạn 2, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn dốc Đát Quang - Ba Khe với chiều dài 15km và dự án đường Yên Thế - Vĩnh Kiên dự kiến khởi công vào quý IV năm nay.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Dũng (thực hiện)

Các tin khác

Ngày 10-7, tại KCN Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh, Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc Tập đoàn Texhong tổ chức khánh thành giai đoạn I và khởi công giai đoạn II của dự án Nhà máy sản xuất sợi hơn 300 triệu USD.

Việc xây dựng một quy chế về thu mua tạm trữ lúa gạo sẽ tạo căn cứ pháp lý cần thiết, giúp quá trình điều hành, quản lý từ Trung ương đến địa phương được thuận lợi và thống nhất trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

Từ 1/7, các khoản thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên/lần trả thu nhập sẽ áp dụng mức khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân.

Ngày 10-7, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng tín dụng thương mại vay vốn đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Lai Châu với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) làm đầu mối thu xếp vốn và các ngân hàng đồng tài trợ gồm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Tổng giá trị hợp đồng vay vốn 14.500 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục