Trăn trở chuyện xin - cho giáo án

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/9/2013 | 8:58:06 AM

YBĐT - Năm học mới, những câu chuyện xung quanh việc dạy, học, cơ sở vật chất, đồng phục... vẫn còn nóng hổi thì chuyện xin - cho giáo án cũng là một chuyện đáng nói. Sự tiện ích và khoa học của loại giáo án này không có gì phải bàn nhưng việc khai thác và ứng dụng vào công việc giảng dạy đã vô tình tạo kẽ hở cho một số giáo viên có tư tưởng ỷ lại, ngại động não, tư duy theo lối mòn... ung dung tự tại.

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Sau khai giảng hai ngày, tôi có dịp đến thăm một cô giáo dạy ở một trường phổ thông. Trong câu chuyện, cô nói rằng, gần nửa tháng nay, cô chẳng dám nghe điện thoại của một số đồng nghiệp. Không phải vì cô ngại trả lời hay có ý coi thường họ. Nhưng cô thực sự cảm thấy phiền lòng khi chủ nhân những số điện thoại quen ấy gọi đến trước là hỏi thăm cô rồi cuối cùng đều chung một lý do: họ muốn xin cô bộ giáo án. Nghe có vẻ lạ, giải thích cho sự ngạc nhiên của tôi, cô bảo, họ là những người đã từng học với cô ở trường đại học sư phạm, có người quen biết do cùng đi dự các buổi tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, hội thi và những mối quan hệ khác...

Lúc đầu nghe họ bày tỏ nguyện vọng, cô rất khó chịu, thể hiện thái độ rõ ràng không đồng ý. Tuy nhiên, họ bảo cô là giáo viên nhiều năm có học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của thành phố, của tỉnh và trong nước nên muốn xin giáo án về tham khảo, tìm hiểu để biết cách xây dựng giáo án cho tốt hơn... Cô suy nghĩ rằng, nếu đúng như các đồng nghiệp nói mà không cho thì coi như mình chưa chia sẻ, giúp đỡ. Nhưng rồi cô cũng đã nhận ra, chính cô đã vô tình “tiếp tay” cho những đồng nghiệp không có lòng tự trọng nghề nghiệp.

Cô kể, năm ngoái, cô có dịp đến dự giờ ở một trường phổ thông khác về bộ môn của mình. Cô đã rất bất ngờ khi lời lẽ và thiết kế trong bài giảng lại chính là những phân tích của mình, trong khi đó cô không hề quen biết người giáo viên kia. Hôm đó, tiết học được hội đồng dự giờ đánh giá cao, người giáo viên kia cũng rất tự tin.

Khi về văn phòng nhà trường, cô bắt chuyện và làm quen, ngỏ ý mượn xem giáo án, người giáo viên ấy cũng không ngần ngại cho cô xem. Lật giở nhanh từng trang, cô giật mình thon thót khi nhận ra giáo án đó chính là của mình, những ký tự đánh dấu đặc biệt vẫn còn nguyên, những dòng chữ in đậm, những trích dẫn khai thác thêm để phục vụ bài giảng vẫn còn, thậm chí một vài trang còn giữ nguyên tên của cô... Lúc đó, cô hiểu rằng, giáo án của mình đã được cóp-pi thành một số bản nữa.

Khi tôi nói sẽ đưa vấn đề này lên báo, cô còn khẳng định thêm với tôi rằng, chuyện xin - cho giáo án không chỉ có riêng cô mà còn không ít bạn bè, đồng nghiệp của cô cũng ở trong tình trạng như vậy.

Được biết, ba năm trước, ở một trường phổ thông của một huyện, ông hiệu trưởng đã phát hiện ra những quyển giáo án có nội dung sai hoặc lỗi tương tự nhau nên đành phải ra quyết định yêu cầu giáo viên trong trường quay trở lại viết giáo án bằng tay mặc dù ông biết làm như vậy là trái với quy định của ngành giáo dục. Tất nhiên là chất lượng đã thay đổi song năm học sau, ông cũng phải thực hiện theo đúng quy định của ngành là dùng giáo án điện tử.

Thiết nghĩ, giáo án là sức lao động trí tuệ của mỗi người thầy, thể hiện rõ trình độ năng lực, sự sáng tạo, tâm huyết cũng như phương pháp giáo dục. Nếu cứ để tình trạng soạn giáo án điện tử theo kiểu xin - cho như thế này thì hậu quả sẽ ra sao? Người viết bài này băn khoăn tự hỏi: không hiểu ngành giáo dục có biết chuyện hay không?

Nguyễn Thanh

Các tin khác

Nhân dịp Tết Trung thu năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng trong cả nước. Dưới đây, Báo Công an nhân dân trân trọng giới thiệu nội dung bức thư của Chủ tịch nước:

Tổng cục Hải quan vừa có công văn chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ, không cho phép các tổ chức, cá nhân nhập khẩu (NK) bộ tem Trung Quốc phát hành về quần đảo Hoàng Sa và các ấn phẩm kèm theo dưới bất kỳ hình thức nào.

Chiều cùng ngày (15.9), nhiều hộ kinh doanh tại Trung tâm thương mại Hải Dương đã tập trung trước trụ sở UBND tỉnh để chờ hướng giải quyết trước mắt.

Chiều ngày 15.9, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức họp báo về vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương. Nguyên nhân "cháy do phá hoại" cũng đã được nhắc đến...

Ngày 16/9, hầu hết các khu vực thuộc Bắc Bộ sẽ có nắng đẹp, chỉ còn vài nơi có mưa. Tuy nhiên, từ ngày 17/9, trời có thể chuyển nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục