Nửa hành trình "học" làm "công bộc" của dân

Bài 3: Đang có những "ngập ngừng"?

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/3/2014 | 9:16:40 AM

YBĐT - Ghi nhận những cống hiến, việc làm, kết quả tích cực bước đầu của các đội viên Dự án 600 phó chủ tịch xã ở Yên Bái nhưng tìm hiểu sâu chúng tôi thấy cũng còn những việc, những chuyện tạm gọi là "ngập ngừng"...

Đội viên Lý A Sử (xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải) hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây sơn tra.
Đội viên Lý A Sử (xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải) hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây sơn tra.

>> Bài 1: "Đón" tri thức trẻ lên xã nghèo

>> Bài 2: Học làm "công bộc" của dân

Tuổi đời còn trẻ, học đại học hoặc cao đẳng ra trường, qua thời gian tập huấn ngắn là được nhận công tác, bố trí một cương vị, trọng trách lãnh đạo ở vùng cao đặc biệt khó khăn. Có lẽ vì thế mà khá nhiều đội viên của Dự án tâm sự, chia sẻ rằng gần hai năm qua họ vẫn đang "học" việc.

Tham mưu thế nào, xây dựng kế hoạch ra sao, tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc không phải là việc dễ dàng, cho dù đã được bồi dưỡng và thực tế. Đã làm tốt chức trách, nhiệm vụ của một phó chủ tịch xã chưa là câu hỏi mà các đội viên đều khó trả lời. Xã nghèo "đón" trí thức trẻ tình nguyện có trách nhiệm và rất chân tình nhưng cũng băn khoăn khi nhiều đội viên với chức danh phó chủ tịch đang được giao làm những việc như: đánh máy văn bản, soạn thảo công văn, trực điện thoại...

Một số đội viên tâm sự, phần vì tuổi trẻ còn nể nang trong chỉ đạo điều hành, phần vì ở một số nơi công tác, do những khó khăn về "môi trường" mà "tiếng nói" chưa thực sự có trọng lượng. Dẫn đến, được trên giao việc chưa đúng sở trường, nghiệp vụ chuyên môn hoặc bố trí phụ trách những lĩnh vực trái với chuyên môn của họ.

Trong số những đội viên người dân tộc Mông về xã nhận nhiệm vụ, có Hờ A Nhà - hiện là Phó chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải. Lợi thế về dân tộc giúp anh thuận lợi trong giao tiếp, đồng thời có những, hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của đồng bào mình. Trình độ chuyên môn đại học sư phạm công nghiệp nhưng về xã anh "gánh" khá nhiều việc chẳng mấy liên quan đến chuyên môn đào tạo: tham gia chỉ đạo phòng chống cháy rừng, vận động học sinh ra lớp đầy đủ, vận động bà con làm ngô, cấy lúa xuân, chỉ đạo công tác chữ thập đỏ, tổ chức tết Trung thu cho các cháu, thậm chí tham gia giúp văn phòng xã soạn thảo văn bản...

Về công tác ở tại quê nhà, Hờ A Nhà có thuận lợi nhưng cũng có những cái khó riêng khiến anh "ngập ngừng". Tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm công tác ít ỏi, thực hành nhiệm vụ, chức trách ở một nơi mà trong số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể  ít nhiều liên quan đến họ hàng, xưng hô công tác phần nhiều là bác, chú, anh, em...

Cũng cần thống nhất rằng, nửa hành trình của Dự án chưa nói lên tất cả nhưng cũng chính qua đó cũng cho thấy có những việc phải quan tâm để Dự án không chỉ là thí điểm. Yêu cầu là trong 5 năm làm phó chủ tịch xã, mỗi đội viên phải đề xuất, chỉ đạo, thực hiện thành công một đề án, có tác dụng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Câu chuyện khá dài, đơn cử Hoàng Minh Thuật - đội viên ở Bản Công, huyện Trạm Tấu rất tâm huyết, hăng hái đã đề xuất ý tưởng trồng cây măng tre Bát độ trên đất dốc. Thuật quê ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên - nơi được coi là "thủ phủ" tre măng Bát độ của Yên Bái. Từ chính những điều tai nghe, mắt thấy về hiệu quả của việc trồng cây tre măng Bát độ ở quê mình, anh đã quyết định làm đề án trồng tre măng Bát độ để phát triển kinh tế địa phương vùng cao Bản Công.

Trồng tre măng Bát độ, nghe khá mới đối với người dân vùng cao, nhưng các chuyên gia kinh tế và cả cán bộ địa phương lại chỉ ra rằng nếu trồng vài chục gốc thì được, chứ trồng đại trà thì khí hậu khắc nghiệt vùng cao không thuận lợi, cây tre măng không thể cho năng suất, sản lượng cao như Kiên Thành hay một số nơi ở Yên Bình. Trồng đại trà thì bán cho ai, đường sá xa xôi, giao thông cách trở, măng tre làm ra bán đi liệu có đủ bù lỗ? Vậy là cho đến nay, dự án ấy của Thuật chỉ tồn tại trong ý tưởng. 

Không chỉ có Hoàng Minh Thuật, đội viên Nguyễn Thị Thanh Lam ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải học chuyên ngành Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng khi về nhận công tác đã đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương làm du lịch sinh thái rừng. ý tưởng tốt, nhưng khó khăn hơn Lam tưởng khi ở một vùng cao heo hút, chẳng còn rừng nguyên sinh, phong cảnh hoang sơ, kinh phí đầu tư cho ý tưởng thành hiện thực tròn trĩnh như số không, tìm kiếm mãi chẳng ra nguồn. Chưa kể, những cản trở lớn từ chính cái nếp sinh hoạt lạc hậu của bà con địa phương vẫn đang hiện hữu hằng ngày, khó một ngày hai ngày thay đổi.

Đội viên Hoàng Minh Thuật trình bày thực nghiệm Đề án trồng cây tre măng Bát độ trên đất dốc tại xã Bản Công. (Ảnh: A.H) 

Sự "ngập ngừng" của các đội viên thời gian qua còn có phần xuất phát từ chính những hạn chế của bản thân họ. Trở lại trường hợp Hờ A Nhà, hơn hai năm qua việc gì ở xã anh cũng được làm một tí, kết quả công tác một năm, hai năm của anh được đánh giá trong báo cáo là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Song dấu ấn để lại ở xã chừng ấy thời gian - nửa hành trình dự án là gì? Dành thời gian trò chuyện, tâm sự, Nhà cho chúng tôi biết rằng anh đã có ý tưởng để lập thành một đề án: "ý tưởng đề án của em là bê tông hóa toàn bộ 26 km đường dốc núi liên bản của xã".

Đúng quá, tốt quá, vì cho tới nay hầu hết đường liên thôn bản của Chế Cu Nha vẫn là đường đất, hoặc bê tông hóa một phần nhỏ. Có đường giao thông rõ quá rồi, bà con đi lại sẽ dễ dàng hơn, kinh tế-xã hội có điều kiện thuận lợi để phát triển đi lên. Thế nhưng câu hỏi là: Nguồn lực ở đâu, bao giờ làm, làm thế nào? Nhà cũng thật thà: "Em mới tính thế thôi chứ chắc là khó làm được”. Gạ thêm chuyện, anh cũng cười: "Khó lắm, các bác, các chú em bảo mấy khóa đã cố rồi còn chẳng làm được nữa là!". 

Dường như chính những "ngập ngừng" của các đội viên khiến không ít người làm công tác quản lý, được giao trách nhiệm ở cơ sở và huyện cũng có phần "ngập ngừng". Có đáng lưu tâm khi xem xét đánh giá của Ban quản lý Dự án: "Phần lớn các đội viên chưa thực sự mạnh dạn đề xuất phương án, giải pháp mới để áp dụng vào thực tế nhằm thay đổi nhận thức trong sản xuất, xóa đói giảm nghèo cũng như xóa bỏ các hủ tục lạc hậu của nhân dân; nhiều đội viên chưa hiểu hết vai trò, trách nhiệm trong lĩnh vực được phân công phụ trách; công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chưa mạnh dạn, chưa rõ nét, chưa có tính đột phá; cơ bản thực hiện nhiệm vụ theo hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền địa phương"; "Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về việc thực hiện Đề án còn hạn chế, chưa thực sự tin tưởng giao việc cho các đội viên..."? Rõ là, sau những cái được thì còn không ít cái chưa được.

Nguyên nhân từ cấp ủy, chính quyền cơ sở có nhưng xem ra về phía đội viên cũng không ít. Nhưng cũng có những việc mà các đội viên đề nghị để làm điểm tựa cho dự án của mình đang rất khó khăn. Một dự án đề ra của các đội viên, cơ bản không quá nhiều tiền nhưng ngân sách địa phương vùng cao rất khó khăn tới mức khó bố trí được.

Giải pháp đưa ra là có thể lồng ghép dự án của đội viên vào nguồn kinh phí nào của tỉnh hay các chương trình mục tiêu không? Câu trả lời là đã có nhưng hầu hết rất bí vì kinh phí đầu tư của các chương trình, dự án đều theo danh mục, địa chỉ rõ ràng, chưa nói một số dự án đề xuất của một số đội viên khá quy mô khiến xã, huyện rất khó đáp ứng. Những cán bộ có trách nhiệm ở Ban quản lý huyện Trạm Tấu băn khoăn nhiều và rõ ràng rằng, Ban quản lý đã quan tâm hướng dẫn, có hướng phối hợp với một số phòng chuyên môn, như phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện tìm nguồn nhưng đến nay vẫn "chưa thấy một đề án nào (của đội viên) có tính khả thi".

Phải khẳng định những kết quả bước đầu mà các đội viên với nhiệt huyết, khát khao cống hiến của mình đã làm được đã có những đóp góp nhất định vào sự phát  triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng cao đặc biệt khó khăn. Nhưng cũng cần ghi nhận một thực tế là trong nhiều đội viên của Dự án đang có những "ngập ngừng" như thế.

Không chỉ vậy, ở không ít cơ sở xã vùng cao, trong không ít cán bộ xã vùng cao nơi đội viên công tác đang xuất hiện tâm lý lo ngại khi đội viên hết thời gian của Dự án nếu không ở lại cơ sở công tác nữa thì ai sẽ làm tiếp những việc làm, đề án của họ còn dang dở hoặc thể giải quyết những tồn tại để lại (nếu có) bằng cách nào. Xem ra, cái sự "ngập ngừng" chẳng của riêng ai!

Tuấn Anh - Anh Hải
Kỳ sau đăng tiếp Bài 4: Không chỉ là thí điểm

Các tin khác

Chiều 26/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đăng tải đã cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2014". Nhiều thông tin thay đổi đã được cập nhật đến ngày 06/3/2014 do các học viện, các trường đại học, cao đẳng cung cấp và chịu trách nhiệm. Thí sinh có thể tải miễn phí trên trang web của Bộ.

YBĐT - Mới đây, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Yên Bái đã phối hợp tổ chức Lễ bàn giao 2 căn nhà mái ấm tình thương cho hộ gia đình  anh Giàng A Nủ, xã Trạm Tấu và Hảng A Tỉnh, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà gia đình anh Phùng Thế Công - Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến lâm sản xuất khẩu Yên Bái bị tai nạn lao động có hoàn cảnh khó khăn.

YBĐT - Trong những năm qua, Yên Bái thường xuyên quan tâm, đôn đốc kiểm tra, thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN). Qua đó, nâng cao nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc an toàn, hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục