Bài toán hay và khó
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/4/2014 | 4:58:04 PM
YBĐT - Phân cấp thu kinh phí Công đoàn (CĐ) nhằm tạo động lực thúc đẩy khai thác nguồn thu, không làm ảnh hưởng đến tính chủ động trong sử dụng nguồn thu kinh phí CĐ, phục vụ hoạt động của CĐ các cấp, đặc biệt là CĐ cơ sở.
Có kinh phí công đoàn, người lao động được chăm lo đầy đủ cả về thể chất và tinh thần. Ảnh: Đoàn viên công đoàn 2 xã Bạch Hà, Phúc An và thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) giao lưu bóng chuyền.
|
Luật Công đoàn 2012, Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức đóng kinh phí công đoàn (CĐ) bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ). Những quy định này nhằm đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp (DN) và việc chăm lo cho NLĐ trong các DN cũng được đầy đủ hơn, cho dù NLĐ làm việc trong các DN đã có tổ chức CĐ hay chưa. Để thực hiện tốt công tác thu kinh phí CĐ theo Luật Công đoàn 2012, vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quy định về phân cấp thu kinh phí CĐ.
Bài toán hay
Phân cấp thu kinh phí CĐ nhằm tạo động lực thúc đẩy khai thác nguồn thu, không làm ảnh hưởng đến tính chủ động trong sử dụng nguồn thu kinh phí CĐ, phục vụ hoạt động của CĐ các cấp, đặc biệt là CĐ cơ sở. Với phương châm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, sử dụng, quản lý nguồn thu đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm, khẳng định đây là một chủ trương đúng, khuyến khích tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, chủ động trong việc thu, chi tài chính CĐ và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ CĐ các cấp, đặc biệt là CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở. Đó là một bài toán hay.
Bài toán khó
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Cái khó khăn trước nhất hiện nay đối với tổ chức CĐ là đội ngũ cán bộ. Có thể nói, đội ngũ cán bộ CĐ trong giai đoạn hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu. Cán bộ CĐ không chuyên trách thì thường xuyên thay đổi, cán bộ CĐ chuyên trách ở một số vị trí công tác không đảm đương được công việc, năng lực tổ chức hoạt động CĐ của cán bộ còn hạn chế, giao tiếp xã hội, khả năng tiếp cận, thuyết phục, vận động còn nhiều yếu kém.
Cùng với đó, công việc của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở quá nhiều so với số cán bộ được biên chế. Như một trạm trung chuyển, toàn bộ hoạt động của thường trực, văn phòng và các ban chuyên môn của Liên đoàn Lao động tỉnh đổ về liên đoàn lao động huyện rồi mới tiếp tục triển khai được tới các cơ sở.
Một khó khăn nữa, thực tế các DN đang hoạt động hầu hết là DN vừa và nhỏ, NLĐ phần lớn ký hợp đồng theo mùa vụ, số lao động được đóng BHXH thấp hơn nhiều so với số lao động thực tế của đơn vị. Tiền lương của NLĐ hầu hết đều phân phối theo kết quả sản xuất kinh doanh của NLĐ nên cao hơn nhiều so với số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ, vì thế thu kinh phí CĐ trong các DN lấy mức lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ cũng tụt giảm theo đáng kể. Đó là một bài toán khó.
Cùng tìm lời giải
Cần tăng cường đội ngũ cán bộ kế toán cho cơ quan CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ cán bộ để họ tự tin hơn trong quá trình tiếp cận với người sử dụng lao động, đôn đốc thu kinh phí CĐ. Bổ sung thêm nguồn nhân lực cho các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở có nhiều đầu mối nhằm hỗ trợ công tác thu kinh phí, đồng thời theo dõi, chỉ đạo và báo cáo những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ và giải quyết kịp thời. Bản thân mỗi cán bộ CĐ cần nâng cao ý thức trách nhiệm, trau dồi kiến thức nghiệp vụ, chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác phối hợp với các ngành như lao động, thương binh và xã hội, BHXH, thống kê, kế hoạch và đầu tư, thuế, kho bạc,… để có những thông tin và số liệu chính xác của từng đơn vị về quỹ lương đóng BHXH trên địa bàn và công tác phối hợp thu kinh phí.
Thêm công cụ hỗ trợ
Nghị định 191/2003/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ việc đóng kinh phí CĐ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp căn cứ vào Nghị định và sự chỉ đạo của cấp trên, tạo sự ủng hộ, ra các văn bản chỉ đạo chính quyền cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động một cách đồng bộ, quyết liệt.
Đây chính là công cụ pháp luật hỗ trợ đắc lực giúp cho tổ chức CĐ thực hiện tốt công tác thu kinh phí, cùng với sự vận động tự thân của tổ chức CĐ trong toàn hệ thống, bài toán phân cấp thu kinh phí CĐ mới có thể tìm được lời giải, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho tổ chức CĐ thực hiện đầy đủ chức năng, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các cơ quan, đơn vị, DN, góp phần ổn định tình hình chính trị, xây dựng xã hội phát triển, công bằng, văn minh.
Hồng Hương
Các tin khác
YBĐT - Sáng 4/4, Tòa án Nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014.
Sáng nay 4/4, UBND huyện Bắc Trà My xác nhận thông tin về trận động đất mạnh 3,4 độ richter xảy ra vào khoảng 21h45 tối qua 3/4.
YBĐT - 18% sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành, đúng nghề, 82% phải làm sai nghề.
YBĐT - Nhằm sớm đưa Luật Công đoàn (CĐ) năm 2012 vào cuộc sống, ngày 21/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 191 quy định chi tiết về tài chính CĐ và ngày 27/02/2014, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản số 261 yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đóng kinh phí CĐ theo Luật quy định.