Yên Bái gỡ khó trong sử dụng vốn đầu tư công

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/1/2025 | 8:00:41 AM

YênBái - Với quan điểm tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, ngay từ những tháng đầu năm 2024, các sở, ban, ngành của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Thành phố Yên Bái với nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng, tạo điều kiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố Yên Bái với nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng, tạo điều kiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, hết năm 2024, toàn tỉnh đã giải ngân 4.401.622 triệu đồng trong tổng kế hoạch vốn giao 5.352.354 triệu đồng, bằng 82,2% kế hoạch. Riêng đối với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (3.587.450 triệu đồng), giải ngân đạt 3.603.498 triệu đồng, bằng 100,4% kế hoạch. 

Cụ thể: vốn ngân sách Trung ương đầu tư theo các ngành, lĩnh vực (vốn trong nước) giải ngân đạt 888.085 triệu đồng/kế hoạch vốn 1.073.985 triệu đồng, bằng 82,7% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 635.711 triệu đồng/kế hoạch 674.735 triệu đồng, bằng 94,2% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA) giải ngân đạt 140.731 triệu đồng/kế hoạch vốn 287.590 triệu đồng, bằng 48,9% kế hoạch; vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương giải ngân đạt 2.151.882 triệu đồng/kế hoạch vốn 2.656.027 triệu đồng, bằng 81,0% kế hoạch; vốn sự nghiệp ngân sách địa phương giải ngân đạt 356.390 triệu đồng/kế hoạch vốn 430.017 triệu đồng, bằng 82,9% kế hoạch...

Ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: "Nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng, trong đó điểm nghẽn lớn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, khi nhiều dự án còn nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai, chuyển đổi đất rừng, thủ tục giao đất, chỉ tiêu sử dụng đất; trình tự thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên mất nhiều thời gian. Cùng với đó, nguồn vốn nước ngoài giải ngân thấp do các thủ tục cấp phát vốn nước ngoài và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ còn khó khăn, các dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) phải thực hiện song hành các quy định của pháp luật Việt Nam và hiệp định ký kết với nhà tài trợ; quy trình thực hiện qua nhiều khâu và nhiều bước, nhất là việc thẩm định và phê duyệt đề xuất dự án; đàm phán, cấp ý kiến pháp lý; phê chuẩn hiệp định; gia hạn hiệp định… Quá trình này thực hiện mất rất nhiều thời gian”…

Cũng theo ông Đoàn Hữu Phung, để hoàn thành kế hoạch giải ngân hàng năm đạt với tỷ lệ cam kết với Chính phủ, các sở, ngành, địa phương cần bám sát các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó quyết liệt chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. 

Cùng với đó, các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến cơ chế, chính sách, trong đó cần làm việc với các nhà tài trợ, đặc biệt là các nhà tài trợ song phương; nghiên cứu, rà soát tiếp tục cải tiến quy trình rút vốn, thanh toán vốn nước ngoài để góp phần thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài các năm tiếp theo. 

Cùng với tháo gỡ về thủ tục, các đơn vị chủ đầu tư cần tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án; chủ động, quyết liệt trong công tác giải ngân kế hoạch vốn, ưu tiên giải ngân cho các nhà thầu, các gói thầu có tiến độ thực hiện tốt và các dự án, công trình trọng điểm để bảo đảm tiến độ giải ngân chung theo kế hoạch của tỉnh. Một giải pháp quan trọng nữa, đó là kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình xây dựng; chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành; vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Các địa phương cần tích cực, quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện, thị, thành phố nhằm bảo đảm sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công…

Trong những ngày cuối năm qua, bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp cùng sự nỗ lực quyết tâm, quyết liệt cao độ, tỉnh Yên Bái đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% kế hoạch, giữ chữ tín trong cam kết với Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống người dân. 

Kết quả đó là do tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố và thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc chậm tiến độ thực hiện và giải ngân theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nhờ đó đã nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị ngay từ cơ sở, khẩn trương phối hợp đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới, dự án chuyển tiếp (chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án) chưa được giao chi tiết kế hoạch vốn và tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân; kiểm tra công tác giải ngân tại các sở, ban, ngành, các địa phương và các đơn vị chủ đầu tư có kết quả giải ngân thấp, chưa đáp ứng yêu cầu…


Cầu Bách Lẫm bắc qua sông Hồng trên địa bàn thành phố Yên Bái mở ra điều kiện và lợi thế phát triển cho các xã hữu ngạn sông Hồng. 

Trong những năm gần đây, nhờ tăng cường khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tỉnh Yên Bái đã không ngừng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Tiêu biểu là việc xây dựng nhiều cây cầu mới, như: Tuần Quán, Bách Lẫm, Văn Phú, Cổ Phúc, Giới Phiên… nhằm phát triển đô thị hài hòa 2 bên bờ sông Hồng. Nhiều địa phương đã tận dụng tối đa các nguồn vốn đầu tư công để mở mang đô thị, phát triển xây dựng. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hệ thống các công trình cầu bắc qua sông Hồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Yên Bái, các công trình đưa vào sử dụng đã và sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… 

Bên cạnh hệ thống cầu, hàng loạt tuyến đường giao thông mang tính chất kết nối vùng, liên vùng, xoay quanh tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại tỉnh đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng. Năm qua, các đơn vị thi công đã huy động máy móc, phương tiện xẻ núi, dựng cầu mở đường nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15). 

Dự án có tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, với quy mô đường cấp IV miền núi có tổng chiều dài gần 70km. Công trình hoàn thành sẽ phá thế độc đạo từ trung tâm tỉnh Yên Bái đi huyện Mù Cang Chải, đáp ứng niềm mong đợi của người dân vùng cao nơi đây. Đồng thời tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trọng điểm, hiệu quả; ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm; công trình chuyển tiếp; tiếp tục huy động nhân dân tích cực tham gia đóng góp nhân lực, vật lực, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển các tiềm năng, lợi thế theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…        

Năm 2024 thành phố Yên Bái đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với 67 công trình, dự án. Trong đó, có 34 công trình chuyển tiếp từ năm 2023; 28 công trình khởi công mới; 2 công trình chào mừng đại hội; 2 công trình khẩn cấp; 1 công trình trọng điểm. UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao công tác giải phóng mặt bằng đối với 41 công trình, dự án liên quan đến 2.448 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất; thành lập 3 tổ công tác chuyên trách về giải phóng mặt bằng các dự án của tỉnh, dự án trong khu, cụm công nghiệp và dự án của thành phố. Hết năm 2024, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố đạt 8.500 tỷ đồng, bằng 106,3% kế hoạch; giá trị sản xuất xây dựng trên địa bàn tăng 11,3% so với cùng kỳ…
       
Thiên Cầm

Tags Yên Bái cây cầu Tuần Quán Bách Lẫm Văn Phú Cổ Phúc Giới Phiên dự án đầu tư vốn

Các tin khác
Ngành thép có độ rủi ro lớn trong việc bị điều tra phòng vệ thương mại. Nguồn: ITN

Năm 2024, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 32 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài mới khởi xướng, tăng gần gấp đôi so với năm 2023 và có những diễn biến phức tạp hơn. Hoa Kỳ vẫn là nước điều tra nhiều nhất với 11 vụ việc. Đây là tín hiệu cho thấy những thách thức các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt ngày càng lớn.

Nông dân xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) thu hoạch lúa ST25 vụ xuân bằng máy gặt. Ảnh tư liệu, minh họa

Ngày 10/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 9/2025/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

Trong thời gian vừa qua trên mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng: “Từ ngày 1/1/2025 cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế về thương mại điện tử”. Về nội dung thông tin này Tổng cục Thuế khẳng định, nội dung trên là không chính xác theo quy định pháp luật thuế.

Phân loại tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo 2 phương án: Phân loại theo chức năng của tài sản và phân loại theo cấp quản lý.

Chính phủ ban hành Nghị định số 8/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục