Mở đường từ nội lực
- Cập nhật: Thứ ba, 8/4/2014 | 9:19:15 AM
YBĐT - Nhiều năm qua, mạng lưới giao thông của huyện Văn Yên (Yên Bái) đã được quan tâm đầu tư và cải thiện đáng kể. 100% các địa phương đều đã có đường ô tô đến tận trung tâm, nhiều con đường đất đá lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa đã được thay thế bằng đường bê tông sạch, đẹp.
Văn Yên đã có 122 km đường giao thông được cứng hóa, nhựa hóa; trên 400 km đường giao thông đến thôn, bản ở 100% các xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn cấp A.
|
Ngay từ giai đoạn đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT), chủ trương cứng hóa mặt đường bằng bê tông xi măng theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" được địa phương và nhân dân huy động đa dạng bằng nhiều nguồn lực, từng bước đầu tư nâng cấp các tuyến đường trong xã, trong khu dân cư. Đến nay, 100% các địa phương đều đã có đường ô tô đến tận trung tâm, nhiều con đường đất đá lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa đã được thay thế bằng đường bê tông sạch, đẹp.
Phát triển hệ thống GTNT không ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đi lại của nhân dân, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Công tác phát triển giao thông được Văn Yên thực hiện thông qua quy chế dân chủ ở cơ sở, nhân dân cùng bàn bạc và đưa ra mức huy động phù hợp với khối lượng công trình. Phong trào hiến đất làm đường được thực hiện rộng rãi, với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức Đảng, đoàn thể ở cơ sở, nêu cao tinh thần gương mẫu của Đảng viên, hội viên nên được nhân dân đồng tình, ủng hộ. |
Trong quá trình thực hiện, Văn Yên đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cả giai đoạn cũng như cụ thể chi tiết của từng năm; coi trọng công tác quản lý, bảo trì và khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng GTNT hiện có, xây dựng các chương trình lồng ghép, thu hút đầu tư, đồng thời huy động sự vào cuộc của các cấp các ngành và nội lực trong nhân dân, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, mở rộng, nâng cao năng lực vận chuyển của các tuyến đường, quy hoạch hợp lý và quản lý quy hoạch chặt chẽ, quản lý các nguồn lực đầu tư trong nâng cấp, mở mới hệ thống đường GTNT miền núi. Các địa phương căn cứ kế hoạch của huyện xây dựng chương trình thực hiện. Đảng ủy, HĐND các xã cũng chủ động đưa kế hoạch vào nghị quyết của Đảng ủy. HĐND, các tổ chức đoàn thể cũng xây dựng thành chỉ tiêu thực hiện của tổ chức mình.
Ông Hà Đức Anh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Hàng năm, việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn luôn được quan tâm. Vấn đề này được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ cả nhiệm kỳ cũng như nhiệm vụ thực hiện hàng năm. Năm nào cũng vậy, Văn Yên luôn dành nguồn kinh phí hợp lý để đầu tư nâng cấp, mở mới các tuyến đường, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, giao thương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống".
Chương trình phát triển GTNT ở Văn Yên được gắn liền với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Dù các địa phương trong huyện còn gặp nhiều khó khăn như: trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao trong khi phát triển giao thông cần rất nhiều vốn, công sức của nhân dân mới có thể hoàn thành... song với quyết tâm cao, nhiều thôn, bản, khu dân cư người dân không chỉ đóng góp tiền, công lao động để làm đường, mà còn tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất, dỡ bỏ hàng rào, chặt cây cối, hoa màu để mở rộng nền đường, mặt đường đạt tiêu chuẩn quy định.
Ông Phạm Tùng Nguyên - Chủ tịch UBND xã Đại Phác cho biết: "Trong phong trào phát triển đường GTNT, nhân dân địa phương đã nhiệt tình hưởng ứng hiến đất, hiến công, hiến kế để bê tông hóa các tuyến đường của xã. Đến nay, đường nội thôn đã cơ bản được bê tông hóa, đường nội đồng đã được mở rộng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật".
Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường GTNT, huyện Văn Yên cũng như các địa phương đặc biệt chú trọng đến các vấn đề: đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, quỹ đất dành cho giao thông ... Mặt khác, đẩy mạnh và phát huy phong trào làm đường GTNT theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; thực hiện lồng ghép các chương trình đầu tư, tranh thủ huy động nhiều nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm.
Các địa phương như: Xuân Ái, Phong Dụ Thượng đã tổ chức ra quân làm đường với sự tham gia của đông đảo nhân dân và các tổ chức đoàn thể với hàng chục km đường được nâng cấp, mở rộng. Mấy năm nay, ở các xã đều đã mở rộng, bê tông hóa những trục đường chính, đường thôn, đường nội đồng.
Ông Hoàng Xuân Thủy ở thôn 2 (làng Lòm), xã Phong Dụ Hạ tâm sự: "Trước đây, đường đến thôn chúng tôi rất khó khăn, trẻ em đi học phải đi theo ven bìa rừng và lội qua khe suối. Đến nay, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đường đến thôn đã được mở rộng, bê tông hóa, trẻ em đi học dễ dàng, nhân dân vận chuyển sắn, quế, ngô từ nương đồi về cũng thuận tiện hơn".
Hiện 100% các xã, thị trấn của Văn Yên đã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 88,83% hệ thống đường đạt tiêu chuẩn cấp V; đường liên thôn bản, đường trong khu dân cư đã được mở rộng. Đã có 122 km đường giao thông trong toàn huyện được cứng hóa, nhựa hóa; trên 400 km đường giao thông đến thôn, bản ở 100% các xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn cấp A. Mạng lưới giao thông nông thôn của địa phương phát triển mạnh trong những năm qua đã đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải quy định đối với từng loại đường.
Thời gian tới, Văn Yên chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường, nhất là mở rộng nền đường, mặt đường nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư cho giao thông, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của nhân dân.
Thu Nhài - (Đài TT - TH Văn Yên)
Các tin khác
YBĐT - Sau khi được UNESCO vinh danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc tổ chức trang trọng, thành kính giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng lại càng có một ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống đạo lý dân tộc “Uống nước nhớ nguồn” và lòng tự hào về dòng giống Tiên Rồng.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững các công trình cấp nước tập trung nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, vận hành khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn.
Từ nay đến ngày giỗ Tổ, lực lượng Công an Phú Thọ đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn.
YBĐT - Mới đây, Nhà thiếu nhi tỉnh Yên Bái đã phối hợp với nhóm thiện nguyện The Great Pens – Hà Nội tổ chức chương trình “ Nét bút tuổi thơ - Sao vàng Tây Bắc ” lần thứ 4 tại Trường Bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu .