Khu ủy Tây Bắc - “địa chỉ đỏ”
- Cập nhật: Thứ năm, 10/4/2014 | 2:57:23 PM
YBĐT - Với vai trò quan trọng nên từ khi thành lập và hoạt động từ năm 1952 đến năm 1954, Khu ủy Tây Bắc đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La tập trung xây dựng chính quyền cách mạng, lực lượng vũ trang, tiễu phỉ, trừ gian, sản xuất đóng góp sức người, sức của, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Di tích Khu ủy Tây Bắc được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2012.
|
Văn Chấn được biết đến như là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng với những địa danh đã đi vào lịch sử: Căng - Đồn Nghĩa Lộ, đèo Din, đèo Lũng Lô, Đá Xô, Đại Lịch, Thượng Bằng La… đặc biệt là Bản Chanh - nơi Khu ủy Tây Bắc đặt trụ sở - cùng với những tấm gương như: Đinh Văn Quy, Hoàng Văn Thọ... đã viết nên những trang sử hào hùng trong công cuộc bảo vệ quê hương, đất nước.
Bản Chanh thuộc xã Phù Nham là nơi được Trung ương Đảng lựa chọn đặt trụ sở Khu ủy Tây Bắc từ tháng 11/1952 đến tháng 12/1954 để lãnh đạo quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đồng chí Sa Quang Phụng - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn cho biết: "Khu ủy Tây Bắc là cơ quan chỉ huy cao nhất của Bộ Tư lệnh chiến trường Tây Bắc, nơi quyết định sự thành bại của quân và dân trên các mặt trận vùng Tây Bắc đồng thời có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới toàn bộ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo về chính trị, quân sự, kinh tế. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, mang tính bước ngoặt của lịch sử địa phương và khu vực, làm thay đổi cục diện chiến trường, góp phần làm nên những chiến công vang dội trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến dịch Tây Bắc đợt hai và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ".
Với vai trò quan trọng nên từ khi thành lập và hoạt động từ năm 1952 đến năm 1954, Khu ủy Tây Bắc đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La tập trung xây dựng chính quyền cách mạng, lực lượng vũ trang, tiễu phỉ, trừ gian, sản xuất đóng góp sức người, sức của, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Trong thời điểm và hoàn cảnh lịch sử ấy, Bản Chanh của xã Phù Nham là địa điểm đảm bảo các yếu tố “địa lợi, nhân hòa”, thuận lợi cho công tác xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang trên địa bàn để tiến hành các cuộc tiến công tiêu diệt địch, đặc biệt là huy động tổng lực, lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong Chiến dịch Tây Bắc, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Khu ủy Tây Bắc đã lãnh đạo nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương cùng với quân chủ lực đồng loạt tiến công tiêu diệt địch ở Phân khu Nghĩa Lộ, giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ con đường 13A nối liền Yên Bái với Nghĩa Lộ; tiêu diệt 500 tên địch, bắt sống trên 1.000 tên, trong đó có 300 lính Âu Phi, nhiều sỹ quan chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ và Tiểu khu Phù Yên, thu hàng ngàn súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Khu ủy Tây Bắc bảo đảm hậu cần tại chỗ và huy động lực lượng bảo đảm giao thông; quân và dân Tây Bắc đã cung cấp 7.500 tấn gạo, 358 tấn thịt, đóng góp hàng triệu ngày công làm đường tải gạo, chuyển thương.
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch ở địa phương, năm 2009, Di tích Khu ủy Tây Bắc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng và năm 2012 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự và tự hào của nhân dân Văn Chấn nói riêng và người dân tỉnh Yên Bái nói chung.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, do yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng và đất nước, Khu ủy Tây Bắc không còn tồn tại. Thời kỳ Khu ủy Tây Bắc đặt trụ sở tại Bản Chanh, từ năm 1952 - 1954 có doanh trại, nhà ở, nhà làm việc, kho tàng… xây dựng có tính chất dã chiến. Đến nay, trải qua 60 năm đã có nhiều thay đổi: cơ sở vật chất, hiện vật, kho tàng, lán trại… không còn mà chỉ là một bãi đất trống trên 1.800m2. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về những dấu tích của Khu ủy Tây Bắc.
Đồng chí Hoàng Trung Bốn - Bí thư Đảng ủy xã Phù Nham giãi bày: “Trụ sở Khu ủy Tây Bắc nay chỉ còn là một bãi đất trống. Chúng tôi mong muốn trước mắt là các ngành chức năng quan tâm đầu tư xây dựng bia, làm nhà truyền thống để nhân dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu".
Cô giáo Trần Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Nham cho biết: "Thầy và trò nhà trường luôn mong mỏi các cấp, các ngành sớm có kế hoạch tôn tạo, xây dựng các hạng mục có liên quan đối với Khu ủy Tây Bắc chứ thực tế như hiện nay khó có thể giáo dục truyền thống cho học sinh".
Xác định rõ giá trị của Di tích Khu ủy Tây Bắc, huyện Văn Chấn đã quy hoạch diện tích đất trên 1.800m2 và đang đề nghị UBND tỉnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho chủ trương lập đề án đầu tư phục dựng, tôn tạo với quy mô xứng đáng đồng thời gắn kết các điểm du lịch di tích - văn hóa trong vùng. Hi vọng, Di tích này sẽ sớm được tôn tạo để trở thành “địa chỉ đỏ” nuôi dưỡng tinh thần cách mạng cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau!
Hà Tĩnh
Các tin khác
Sáng nay, 10-4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học môn ngữ văn ở trường phổ thông”.
Các bản đồ có hình ảnh nổi bật về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kèm theo chú thích về tầm quan trọng của 2 quần đảo này.
Ngày 10/4, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an sẽ cùng xem xét đề xuất gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sau ngày 1/7 với người đang sống ở nước ngoài.
YBĐT - Thầy giáo Ma Quang Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Cảm Nhân huyện Yên Bình (Yên Bái) cho biết: "Đến nay, nhà trường lên dây cót tinh thần cho học sinh để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013- 2014".