Chủ động phòng chống lũ quét, sạt lở đất
- Cập nhật: Thứ hai, 14/4/2014 | 2:58:38 PM
YBĐT - Yên Bái có địa hình dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc nên khi có mưa rào thời gian kéo dài từ 10 -15 tiếng hoặc mưa to và rất to từ 1 đến 3 tiếng đồng hồ là lũ quét đã hiện diện.
Hậu quả trận lũ quét năm 2008 ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên.
|
Trong khi đó, việc dự báo lũ quét chưa thể kịp thời và chính xác. Trước mùa mưa bão năm nay, tỉnh đã chủ động thực hiện sớm các giải pháp để phòng chống, giảmthiệt hại tính mạng và tài sản của người dân do lũ quét, sạt lở đất gây ra…
Trong những năm qua, lũ quét, lũ ống sạt lở đất luôn xảy ra bất ngờ với sức tàn phá lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Chỉ cần trận mưa lớn trong vòng 3 giờ đồng hồ là có thể dẫn đến lũ quét. Nhiều người dân ở thôn Liên Sơn, xã Lang Thíp (huyện Văn Yên) vẫn chưa quên trận lũ quét năm 2010 đã cướp đi tính mạng của em Đặng Phương Nhất. Hôm đó (ngày 14/8) mưa to bất ngờ ập đến, chị Phái lo lắng cho mấy sào ruộng bị nước ngập vội vàng khoác áo mưa đi be bờ hòng ngăn không cho nước tràn vào. Cô con gái Đặng Phương Nhất, 8 tuổi cũng theo sau mẹ cách đó không xa. Ruộng gia đình chị Phái nằm ngay trên khe nước vốn nhiều năm cạn trơ đáy, chẳng năm nào đủ nước tưới cho mấy sào ruộng, vậy mà hôm đó, chỉ gần hai tiếng mưa nước đã ngập qua cuốn phăng cô bé.
Những năm gần đây, lũ quét thường xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Do khó dự báo chính xác nên đây là dạng thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng. Yên Bái có địa hình dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc nên khi có mưa rào thời gian kéo dài từ 10 -15 tiếng hoặc mưa to và rất to từ 1 đến 3 tiếng đồng hồ là lũ quét đã hiện diện. Mưa cục bộ kéo dài, đất dưới chân núi, đồi, lòng khe nơi có nền địa chất yếu dễ gây sạt lở.
Ngoài ra, do đồng bào dân tộc thiểu số thường cư trú, sản xuất tại các thung lũng, dưới chân núi cao hoặc bên cạnh các con suối như nhiều hộ ở huyện Văn Chấn, Văn Yên… rất nguy hiểm khi xảy ra lũ quét, lũ ống. Chính vì vậy, trong mùa mưa lũ trên địa bàn tỉnh thường có người chết vì lũ quét, sạt lở đất. Chỉ tính riêng năm 2013, toàn tỉnh có 2 người chết vì lũ cuốn trôi ở huyện Văn Yên.
Chủ động phòng, tránh lũ quét sạt lở đất trước mùa mưa bão, năm nay, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, kiểm tra những vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, kiểm tra phương án di dân và tổ chức di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Năm 2014, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc, triệt để và lồng ghép nhiều nguồn vốn di dân ra khỏi nơi nguy hiểm, ưu tiên các hộ ở vị trí nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Người dân xã Thịnh Hưng (Yên Bình) khắc phục hậu quả thiên tai trong mùa mưa bão năm 2008.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến năm 2013, toàn tỉnh đã có 3.791 hộ ở vùng nguy hiểm được di dời đến nơi an toàn, nhất là hộ dân sinh sống ở các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các huyện vùng cao. Các địa phương rà soát sự an toàn của các hồ, đập, tổ chức giải phóng các công trình kiến trúc và vật cản ở tất cả các khe suối, đặc biệt các suối ở thành phố Yên Bái, Ngòi Thia, Ngòi Nhì (huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ); trang bị và sử dụng có hiệu quả các thiết bị phòng tránh lũ quét như: thiết bị đo mưa đơn giản ở 9 huyện, thị, thành phố, mốc cảnh báo lũ quét, các trạm đo mưa tự động ở huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ; chú trọng hệ thống thông tin liên lạc những vùng thường xảy ra lũ quét. Ngoài ra, chú trọng phát huy khả năng phòng, chống lũ quét, sạt lở đất trong cộng đồng dân cư thông qua phát huy tối đa phương châm "4 tại chỗ”.
Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn năm 2014, ông Doãn Văn Thủy - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Trên địa bàn huyện có trên 20 con suối với địa hình dốc, lòng suối hẹp nên trên địa bàn thường xảy ra lũ ống, lũ quét. Để hạn chế thiệt hại, đầu mùa mưa bão, huyện chỉ đạo các địa phương khơi thông, gỡ bỏ những công trình, vật cản lấn chiếm gây ách tắc dòng chảy, xác định các khu vực trọng điểm có thể xảy ra lũ quét để kịp thời thông báo hướng dẫn người dân sơ tán, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân sự nguy hiểm của lũ ống, lũ quét, kiểm tra các nơi xung yếu, ven sông, suối, ta luy để có biện pháp di dời dân đến nơi an toàn…”.
Mặc dù công tác phòng chống lụt bão được triển khai sớm, song lực lượng cũng như phương tiện cứu hộ tại các xã, thôn, bản còn thiếu và yếu, một số cơ sở, địa phương chưa thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", chưa thường xuyên tuyên truyền để người dân chủ động đối phó với thiên tai khiến một bộ phận người dân chủ quan vẫn sinh sống tại chân núi cao, ven sông suối, cá biệt một số hộ dân vẫn đi bắt cá, vớt củi khi mưa lũ. Những tồn tại này cần được các địa phương khắc phục khi mùa mưa bão đang đến.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Trường Mầm non Minh Huệ (thành phố Yên Bái) đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, khơi dậy tính tự lập và sáng tạo ở trẻ để mỗi ngày đến lớp, đến trường của trẻ là những ngày vui và ý nghĩa.
Theo Công ty TNHH một thành viên Bến xe Hà Nội, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Công ty đã lên kế hoạch tăng cường 350 lượt xe vào các ngày cao điểm, chủ yếu cho các tuyến đường ngắn để đáp ứng nhu cầu của hành khách về quê trong đợt này.
YBĐT - Sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các ngành, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương điều tra xác minh bệnh bắt đầu từ đâu, kịp thời nắm bắt tình hình, chủ động tuyên truyền phòng ngừa lây lan chính là kinh nghiệm khống chế thành công dịch sởi ở Mù Cang Chải.