Vai trò công đoàn trong việc ký thỏa ước lao động tập thể
- Cập nhật: Thứ hai, 4/8/2014 | 2:53:47 PM
YBĐT - Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng, khuyến khích, phát huy dân chủ trong các đơn vị sản xuất kinh doanh, đề cập quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Thông qua sức mạnh tập thể, các thương lượng nhằm đạt những lợi ích cho người lao động cao hơn quy định của pháp luật. Một bản thỏa ước thật sự có chất lượng phụ thuộc lớn vào bản lĩnh, vai trò từ tổ chức công đoàn.
Ký thỏa ước lao động tập thể, người lao động được áp dụng những quy định có lợi hơn.
(Ảnh: Thanh Xuân)
|
Đối thoại và TƯLĐTT là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, mang tính bền vững ở doanh nghiệp. TƯLĐTT là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về: điều kiện lao động, điều kiện sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Văn bản quy phạm nội bộ của doanh nghiệp ghi nhận kết quả của quá trình đàm phán, thương lượng tập thể, có giá trị bổ sung cho pháp luật lao động trong việc điều chỉnh quan hệ lao động, là công cụ cụ thể hóa quy định của pháp luật, là biện pháp bảo đảm quyền lợi của các bên quan hệ lao động, góp phần ổn định, lành mạnh và ổn định kinh tế xã hội.
Nguyên tắc thương lượng, ký kết là tự nguyện, bình đẳng, công khai, không trái pháp luật, khuyến khích những quy định có lợi hơn cho người lao động. Những nội dung ký kết cơ bản như: việc làm và bảo đảm việc làm, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, định mức lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và những nội dung thỏa thuận khác: phúc lợi tập thể, ăn giữa ca, trợ cấp hiếu hỷ, phương thức giải quyết tranh chấp lao động...
Thực trạng ký TƯLĐTT trên toàn tỉnh Yên Bái cho thấy: tỷ lệ doanh nghiệp có thỏa ước lao động không cao, doanh nghiệp Nhà nước 90%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước (có tổ chức công đoàn) khoảng 55%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước (chưa có tổ chức công đoàn) tỷ lệ có TƯLĐTT chiếm 23%. Chất lượng TƯLĐTT thấp, mang tính hình thức, sao chép quy định của luật, ít nội dung có lợi hơn cho người lao động, nhiều bản TƯLĐTT còn có nội dung trái pháp luật, xâm hại tới quyền lợi người lao động. Các bên quan hệ lao động chỉ quan tâm đến TƯLĐTT, ít quan tâm đến thương lượng tập thể.
Nguyên nhân là các bên trong quan hệ lao động chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tác dụng của thương lượng và ký kết TƯLĐTT; năng lực, kỹ năng đàm phán của công đoàn cơ sở còn nhiều hạn chế, nhất là kiến thức về kinh tế, tài chính doanh nghiệp, hiểu biết về luật pháp, đặc biệt về pháp luật lao động.
Trong quan hệ lao động thì người sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần của người lao động khu công nghiệp và một số doanh nghiệp chưa được đảm bảo.
Công tác quản lý nhà nước về lao động còn bất cập; nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa có tổ chức công đoàn, hoặc có tổ chức công đoàn nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa trở thành người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp. Cơ bản các doanh nghiệp ngoài Nhà nước lại chưa có tổ chức Đảng, tổ chức công đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên để lãnh đạo, tập hợp, vận động, giáo dục người lao động. Đa số người lao động xuất thân từ nông thôn nên nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật lao động, ý thức kỷ luật, trình độ chuyên môn còn hạn chế, quan hệ cung cầu về lao động còn mất cân đối.
Ngày 2/7/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TƯ ngày 5/6/2008 và triển khai Kết luận số 96-KL/TƯ ngày 7/4/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 22-CT/TƯ của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình "Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT".
Để thương lượng và TƯLĐTT thực hiện tại doanh nghiệp có hiệu quả, sát thực tiễn, doanh nghiệp, công đoàn, đại diện người lao động cần nắm chắc Luật Lao động, Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 28/01/2008, Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 5/06/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Nghị quyết đã chỉ rõ: Ban hành quy định pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tăng cường cơ chế đối thoại, thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động; quy định rõ quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; tổ chức thực hiện tốt pháp luật lao động; đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lao động trong doanh nghiệp, bổ sung hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, chủ doanh nghiệp, công đoàn để giải quyết tranh chấp lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Việc tăng cường năng lực, vai trò của tổ chức công đoàn sẽ giúp bảo vệ và nâng cao hơn nữa quyền và lợi ích của người lao động…
Có thể nói, có thực hiện tốt thương lượng và TƯLĐTT thì quan hệ lao động trong doanh nghiệp mới hài hòa, công nhân đồng thuận, doanh nghiệp ổn định, kinh doanh phát triển bền vững.
Phan Tiến Thạch
Các tin khác
YBĐT - Tháng 7, 8, 9, 10 Âm lịch sẽ là những tháng cao điểm của bão, mưa ngâu, mưa dầm, mưa rào kéo dài nhiều ngày. Tình trạng thời tiết, khí hậu như vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất trên toàn tỉnh. Vì vậy, công tác phòng chống bão lũ nói chung, đặc biệt là cảnh báo và phòng chống lũ quét cần được các địa phương chủ động quan tâm ở mức cao nhất.
Trong lời tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân đã khẳng định “Xương máu của các đồng chí đổ xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đã góp phần cho biển, đảo của Tổ quốc ngày càng giàu đẹp".
Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người từ các quốc gia có dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế.