Cơ hội phát triển toàn diện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/8/2014 | 2:52:46 PM
YBĐT - Cũng những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi đến thăm Trường THCS Cát Thịnh (Văn Chấn), ngôi trường vừa được tu bổ rất khang trang theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú. Trước đây, tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS tại địa phương còn rất thấp nhưng từ năm học 2010 - 2011, nhà trường được đầu tư xây dựng mô hình bán trú thì tỷ lệ này tăng nhanh và đã khắc phục tối đa tình trạng học sinh bỏ học…
Cô giáo Triệu Bảo Uyên - Phó hiệu trưởng Trường THCS Cát Thịnh phấn khởi cho biết: “Cát Thịnh là xã vùng cao, kinh tế đặc biệt khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Mông, Dao, Tày, Thái, Phù Lá. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Giao thông không thuận tiện, địa bàn rất rộng với 26 thôn, bản, thôn xa nhất cách trường chừng 25 - 30km. Nhận thức của đồng bào về việc cho con em mình tham gia học tập còn hạn chế, nhiều trẻ em không được đi học ở các lớp cuối cấp. Chính vì vậy, huyện đã đề ra và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước xây dựng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, thu hút các em tham gia học tập đạt hiệu quả”.
Hiện nay, Trường THCS Cát Thịnh có 14 lớp học với trên 500 học sinh, trong đó có 7 phòng học bán trú, đa số các em là học sinh dân tộc thiểu số (DTTS). Mô hình bán trú của nhà trường bước đầu đã đi vào ổn định, tạo môi trường học tập sôi nổi và thực sự hiệu quả bởi khi kết thúc giờ học chính thì tất cả học sinh đều ở lại trường nên có điều kiện được các thầy cô giáo tổ chức cho tham gia vào các hoạt động tập thể như rèn luyện kỹ năng sống, tìm hiểu các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, kiến thức về lịch sử, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, với mô hình bán trú, học sinh của các thôn, bản vùng cao, vùng sâu được hưởng đầy đủ chế độ chính sách của Nhà nước hỗ trợ cơ bản bảo đảm sinh hoạt và học tập, giúp các em có điều kiện tốt hơn để vươn lên. Bên cạnh đó, các em học sinh thường xuyên, định kỳ được tổ chức hướng dẫn tự học, đây là khâu quan trọng nhất để hình thành nên ý thức tự giác, tính tự lập và phát triển tư duy trí tuệ.
Em Sùng A Chua - học sinh lớp 9, dân tộc Mông ở thôn Lang Ca - một trong những thôn cách trường 25km, chia sẻ: “Những ngày đầu mới xuống trường ,em rất rụt rè, ít tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa. Khi nhà trường xây dựng mô hình bán trú, em có điều kiện và cơ hội nhiều hơn được học tập và sinh hoạt cùng các bạn bởi ngoài giờ học chính chúng em còn được các thầy cô giáo tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa. Qua đây, em cũng thấy mình đã có sự tiến bộ, mạnh dạn hơn”.
Có thể thấy, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú hoàn toàn phù hợp với các trường vùng cao, dân cư rải rác, địa hình phức tạp như Cát Thịnh. Việc tổ chức mô hình này đã giúp cho nhà trường duy trì tốt số lượng học sinh hàng năm, đảm bảo và giữ vững tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS gần 80%; chất lượng giáo dục cũng được nâng lên rõ rệt, trong số 500 em thì có 52 em đạt loại giỏi, 146 em đạt học sinh tiên tiến và đặc biệt 1 em học sinh bán trú đạt giải khuyến khích môn Văn cấp tỉnh năm học 2013 - 2014.
Trần Minh
Các tin khác
Theo thông tin mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đến hết ngày 7/8, đã có 216 lao động Việt Nam về nước an toàn.
Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa công bố quy định đầu sách tối thiểu đối với học sinh tiểu học năm học 2014 - 2015. Theo đó, học sinh các lớp 1, 2, 3 có 6 đầu sách; lớp 4, 5 có 9 đầu sách.
YBĐT – Trong 2 ngày 7 và 8/8, Hội LHTN Việt Nam thành phố Yên Bái tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2014 – 2019 với sự tham dự của 124 đại biểu là cán bộ, hội viên, thanh niên tiêu biểu đại diện cho trên 6.000 hội viên, thanh niên thành phố Yên Bái.
YBĐT - Với 18 dân tộc, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 65%, Văn Chấn là địa phương có truyền thống văn hóa lâu đời, giàu bản sắc dân tộc. Phát huy truyền thống văn hóa và những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số Văn Chấn đã đoàn kết tích cực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.