Đổi mới việc tang ở Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ tư, 13/8/2014 | 2:53:22 PM
YBĐT - Cùng với đó, phong trào xây dựng thôn, bản văn hóa thông qua những quy ước, hương ước có nội dung liên quan đến thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng đã tạo nên đích đến cho phong trào thi đua xây dựng cuộc sống mới ở Trạm Tấu.
Ông Hờ A Su - Phó bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ chỉ cho cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện khu vực quy hoạch nghĩa địa ở thôn Đầu Cầu.
|
Năm 2011, Trạm Tấu mới bắt tay vào vận động nhân dân tổ chức việc tang theo nếp sống mới, trong đó, tập trung vận động bà con người Mông đưa người chết vào quan tài rồi mới tổ chức tang lễ; không để người chết trong nhà quá 48 tiếng; không tổ chức ăn uống linh đình tốn kém và vận động quy hoạch nghĩa địa chung... Sau một năm vận động đã có vài chục hộ thực hiện việc đưa người chết vào quan tài rồi mới làm tang lễ và đến nay hầu hết những nhà có người thân qua đời đã thực hiện tốt các nội dung trên. Vậy, giải pháp nào tạo nên những đột phá đó?
Trò chuyện với già làng Hờ A Sen ở thôn Tà Chử, xã Bản Công, được biết từ thuở xa xưa người Mông đã quan niệm lúc còn sống con người gắn bó trên lưng ngựa thì lúc chết cũng phải nằm trên lưng ngựa để về với tổ tiên. Vì thế, người chết không được đưa vào quan tài mà đặt trên cáng treo sát vách ở gian giữa khi tổ chức tang lễ. Chiếc cáng đó chính là vật tượng trưng cho lưng ngựa và khi chuẩn bị chôn thì người chết còn phải mang ra phơi nắng chờ mổ trâu, bò làm lễ vật giao cho người chết rồi mới khiêng cáng đi chôn.
Đến nơi đặt huyệt mộ, quan tài mới được ghép để đặt người chết vào rồi lấp đất. Không chỉ có vậy, thầy mo quyết định chôn vào ngày nào hợp với tuổi người chết thì mới được chôn nên có những đám để người chết trong nhà tới 7 ngày. Người già trước khi qua đời thường chủ động tìm chỗ chôn cất cho mình nên có nhiều trường hợp con cháu phải đặt mộ rất gần nhà ở và đầu nguồn nước. Việc buộc phải mổ trâu, bò làm đồ tế lễ khiến những nhà nghèo càng thêm kiệt quệ.
Từ quan niệm và tập quán bao đời như thế, ngay trong đồng bào Mông từ lâu không ít người như già làng Hờ A Sen đã nhận thấy đây thực sự là một hủ tục nhưng để thay đổi tập quán, quan niệm này là vô cùng nan giải vì người quyết định nghi thức tang ma là vị trưởng họ chứ không phải chủ nhà có người chết. Bên cạnh đó, thầy mo thường phán nếu làm trái các nghi lễ hay nguyện vọng của người chết thì dòng họ, gia đình sẽ phải chịu khổ vì hồn người chết quở trách… Cái lý ấy khiến bà con dễ hoang mang và ngại đề cập đến việc tổ chức lễ tang theo nếp sống mới.
Tuy nhiên, những trở ngại của tập quán này đã không thể ngăn cản quyết tâm đẩy lùi hủ tục ở huyện vùng cao Trạm Tấu. Chương trình hành động số 09/Ctr ngày 18/1/2011 của Huyện ủy Trạm Tấu về thực hiện nếp sống văn hóa mới giai đoạn 2010-2015 chính là minh chứng sống động cho quyết tâm ấy.
Bà Lê Thị Thu Hà - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, ngay sau khi triển khai Chương trình hành động số 09, Huyện ủy đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban Thường vụ được phân công phụ trách địa bàn, lãnh đạo các ngành phân công phụ trách xã thực hiện tốt nhiệm vụ tại địa bàn được phân công.
Đồng thời, huyện tập trung kiện toàn ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ huyện đến cơ sở. Điều khó khăn nhất là vấn đề bài trừ hủ tục trong nghi lễ tang ma của người Mông liên quan trực tiếp đến phong tục, tập quán và đời sống tâm linh của đồng bào nên huyện chủ trương phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào hiểu được những bất cập cần được xóa bỏ mà làm theo. Hội viên, đoàn viên của tổ chức nào thì hội và đoàn thể đó có biện pháp lồng ghép tuyên truyền thiết thực.
Điều đáng mừng là nhờ có các biện pháp tuyên truyền đồng bộ, sát với thực tế, nhất là tiếng nói của các đồng chí cán bộ huyện, cán bộ xã là người Mông trong các cuộc họp ở thôn bản và trong gia đình, dòng họ nên đại bộ phận người dân đã nhận thấy việc tổ chức nghi lễ tang ma theo nếp sống mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống.
Cùng với đó, phong trào xây dựng thôn, bản văn hóa thông qua những quy ước, hương ước có nội dung liên quan đến thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng đã tạo nên đích đến cho phong trào thi đua xây dựng cuộc sống mới. Tuy vậy, ai là người sẽ đột phá trong việc tổ chức nghi lễ tang ma cho người thân theo nếp sống mới? Không ai khác, mô hình điểm này được triển khai ngay trong gia đình các cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng khi có người thân qua đời. Để động viên những gia đình gương mẫu tổ chức đám tang theo sống mới, huyện đã hỗ trợ mỗi đám tang 5 triệu đồng…
Với cách làm này, tất cả các xã đã nhập cuộc rất tích cực, điển hình nhất là các xã: Trạm Tấu, Xà Hồ, Bản Công. Ông Hờ A Su - Phó bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ cho biết, tâm lý của người Mông từ trước đến nay hễ làm việc gì mà được người cao tuổi ủng hộ là việc khó cũng trở nên dễ. Vì vậy, trước khi xây dựng mô hình điểm tổ chức đám tang theo nếp sống mới, lãnh đạo địa phương đã vận động cụ Mùa A Chư ở thôn Cu Vai và nếu cụ đồng ý thì con cháu mới được thực hiện. Cụ Chư vốn là cán bộ y tế xã.
Sau khi nghe anh em cán bộ xã phân tích vì sao phải thực hiện tang lễ theo nếp sống mới, cụ Chư đã đồng ý nếu cụ qua đời thì đưa cụ vào quan tài rồi mới làm đám ma. Cụ cũng đồng ý đưa vào chôn trong nghĩa trang chung của bản và hơn thế cụ còn dặn con cháu trước khi đưa cụ ra nghĩa địa không cần phải làm thủ tục phơi nắng. Sau cụ Chư, đến lượt cụ Hờ A Nủ, cụ Cụ Sùng A Trống ở thôn Đầu Cầu cũng đồng ý làm đám tang theo nếp sống mới và chôn ở nghĩa địa chung.
Nhưng khác với cụ Chư, cụ Nủ và cụ Trống nói với con cháu rằng: “Tao đồng ý đi vào nghĩa địa chung nhưng cho tao lên nghĩa trang thị trấn để ở với người Kinh, người Thái cho nó đông vui”. Ý kiến của hai cụ khiến con cháu vô cùng cảm động và ngày hai cụ “về già” đã được con cháu đáp ứng mong muốn “lên ở chung với người Kinh, người Thái”.
Anh Giàng A Già - cán bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện là người được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cho biết: “Từ khi thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang không hề có ai phàn nàn rằng việc thay đổi phong tục tập quán đã gây ra những phiền toái cho cuộc sống. Vì thế, từ cuối năm 2013 đến nay, chắc chắn có 80% trở lên số người chết được thực hiện theo nếp sống mới. 50% số thôn bản đến nay cũng đã quy hoạch được nghĩa địa chung”.
Bà Lê Thị Thu Hà cho biết thêm: “Việc tổ chức nghi lễ tang ma của đồng bào Mông được tổ chức theo nếp sống mới còn tạo nên những hiệu ứng rất quan trọng như trường hợp những nhà nghèo thì không nhất thiết phải mổ trâu, bò như nghi lễ trước đây. Khi đã cho người chết vào quan tài để làm đám tang thì các gia đình cũng không để kéo dài quá 48 tiếng nên đã giảm rất nhiều chi phí lương thực, thực phẩm. Cứ đà này chỉ vài năm nữa thì việc tổ chức đám tang theo nếp sống mới sẽ trở thành sự tự giác chứ không còn phải vận động nữa. Đồng thời, những lãng phí từ hủ tục tang lễ, từ tập quán ăn tết kéo dài hàng tháng như trước cùng hệ quả của nạn thách cưới cùng lúc được đẩy lùi sẽ mở ra những cơ hội để người Mông ở Trạm Tấu tập trung nguồn lực cho việc xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, tiến bộ”.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Bình đẳng giới (BĐG) là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, từng gia đình và toàn xã hội, là cơ sở nền tảng để phát triển con người. Để thực hiện mục tiêu này, những năm qua, huyện Văn Yên đã triển khai đồng bộ các biện pháp và đạt nhiều kết quả đáng mừng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề nghị các địa phương tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em bị bỏ rơi bảo đảm các cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Chính quyền các địa phương đang chủ động di dời dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, kiểm tra các hồ chứa, công trình thủy lợi.
YBĐT - Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo Mù Cang Chải, năm nay, huyện sẽ có 1.485 học sinh bước vào lớp một, trong đó có 1.276 em ở trong diện học lớp tăng cường tiếng Việt. Sau khoảng 1 tháng học tập, đa số các em đã có những kỹ năng cơ bản để bước vào năm học mới. Các em đã tăng vốn tiếng Việt, tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người.