“Phiên chợ” tránh hàng giả

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/8/2014 | 2:51:03 PM

YBĐT - Không phải trung tâm thành phố, không náo nhiệt đông dân, vào một ngày giữa tháng 7, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Yên Bái chọn chợ xã Vũ Linh (Yên Bình) là điểm đến tiếp theo trong hành trình đưa thông tin nhận biết hàng thật - hàng giả đến với người tiêu dùng.

Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết hàng thật, hàng giả tại chợ xã Vũ Linh (Yên Bình).
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết hàng thật, hàng giả tại chợ xã Vũ Linh (Yên Bình).

4h30', đội xe của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh xuất phát. Trên đường đi, đôi chốc lại gặp những người dân đi chợ cùng chiều, ăm ắp gánh hàng với niềm hy vọng một ngày mua may bán đắt. Qua cổng Ủy ban nhân dân xã, quẹo phải chục mét là đến chợ Vũ Linh. Những dãy nhà lúp xúp hiện ra trước mặt. Mới sớm ra mà đã có nhiều người. Các anh trong Ban Quản lý chợ ra cổng chờ sẵn, hồ hởi bắt tay chào đón. Những chiếc bàn vuông vức, kệ bày, dây điện, loa phóng thanh và vị trí gian hàng đã được chuẩn bị sẵn.

Thấy đội hình cán bộ quân trang mũ áo, cấp hiệu, phù hiệu chỉnh tề bước xuống, nhiều tiểu thương không khỏi ngạc nhiên. Khi được biết hôm nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đến để hướng dẫn cho nhân dân cách nhận biết, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, dân tình phấn khởi lắm. Một chị nhanh tay rút điện thoại gọi về nhà rủ mọi người ra xem.

6h, gian hàng đã được dựng xong. Trên cao chính giữa là dải băng rôn: "Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái: Hướng dẫn nhận biết hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm". Hai bên là bảng biển tuyên truyền về quyền lợi của người tiêu dùng và thông báo đường dây nóng tiếp nhận thông tin hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm của lực lượng quản lý thị trường. Trước mặt, một dãy bàn xếp đầy hàng hóa gồm hàng giả, hàng thật đối chứng cùng các tờ rơi hướng dẫn phân biệt. Đây là số hàng mà lực lượng quản lý thị trường tỉnh Yên Bái bắt giữ được lưu lại làm mẫu, chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu có mặt trong đời sống hàng ngày như: bột giặt, mì chính, nước mắm, dầu gội đầu, mũ bảo hiểm và nhiều loại hàng hóa khác.

Lúc bày biện xong hàng hóa cũng là lúc người dân tụm lại. Thoạt đầu, họ còn giữ ý nhưng khi loa phóng thanh cất lên: "Thưa bà con nhân dân, hôm nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đến với chợ xã Vũ Linh để tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con cách nhận biết một số loại hàng thật, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm giúp bà con tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng" thì nhiều người tiến đến gần, hỏi cặn kẽ cách phân biệt đối với từng loại hàng. Nào là mì chính, nước mắm, kem đánh răng, dầu rửa bát… theo chỉ dẫn của tuyên truyền viên, bà con người dâng lên so mép hàn, người để lệch dưới ánh sáng để tìm dấu in chìm. Không ít người đề nghị được mua hàng vì "mua của quản lý thị trường thì yên tâm quá" khiến cán bộ nhiều lần phải giải thích hàng chỉ trưng bày chứ không bán.

Người dân mỗi lúc một đông hơn. Đoàn công tác chia thành các tổ, thay phiên nhau đứng hướng dẫn. Các bà, các chị xúm quanh khu hàng gia dụng, tẩy rửa và hàng thực phẩm. Cánh đàn ông hào hứng với nhóm hàng rượu, mũ bảo hiểm, dầu nhờn, thiết bị phụ tùng xe máy. Một anh thanh niên gỡ chiếc mũ bảo hiểm đang đội trên đầu đề nghị cán bộ quản lý thị trường xem mũ của mình có đảm bảo chất lượng hay không. Câu chuyện hàng hóa thật - giả khiến những người xa lạ bỗng nhiên trở nên thân quen và đồng cảm. Người nọ biết hướng dẫn lại cho người kia. Có người thốt lên: "Thật, giả giống nhau thế này không khéo chúng mình dùng phải hàng giả từ lâu rồi ấy chứ!".

Chị Phạm Thị Hằng, một người đi chợ trú tại thôn Đồng Tí, xã Phúc An sau khi xem xong, lách mình đi ra khỏi đám đông cho biết: "Bình thường đi mua hàng, tôi chỉ biết bảo cho gói mì chính hay cho gói xà phòng thôi chứ cũng không biết đâu là thật, là giả. Chỉ khi về dùng, thấy xà phòng giặt chả ra bọt, lại ngứa tay mới biết là hàng rởm. Nay được các anh hướng dẫn thế này, tôi có kinh nghiệm rồi. Tôi nhớ rồi, từ giờ là phải quan sát bao bì, nhãn mác và hạn sử dụng".

Phấn khởi vì được xem hàng nhưng khi được hỏi về kinh nghiệm trong việc lựa chọn hàng hóa, cô Trần Thị Tuyết ở thôn Làng Ngòi, xã Vũ Linh không giấu nổi sự bực mình: "Tôi quen mua chỗ nào thì đến chỗ đấy. Nhưng đôi khi quen vẫn bị lừa cháu ạ. Tháng trước, mua nước mắm về ăn mặn chát, cố ăn được ba hôm thì nước mắm chuyển mùi, đành phải bỏ đi. Ra hỏi lại đại lý, họ bảo họ không biết".

Không chỉ những người đi chợ mà bà con tiểu thương ở đây cũng rất quan tâm đến gian hàng. Những chị hàng rau, hàng cá, hàng quần áo, hàng xén cũng chạy ra xem, chốc chốc lại ghé về sạp hàng của mình. Bà Vi Thị Mơ - chủ một sạp hàng tạp hóa ngay cổng chợ (gọi là sạp hàng nhưng cũng chỉ có vài gói mì chính, dăm gói xà phòng, chục cái bút bi và vài thứ hàng xén khác), sau khi được nghe tuyên truyền đã ngồi lần từng gói xà phòng, từng gói mì chính xem cái nào là thật, là giả.

Thấy cán bộ quản lý thị trường, bác gọi với lại trần tình: "Tôi trước là giáo viên, giờ nghỉ hưu thì ra đại lý mua lấy mỗi thứ một tí đem về bán, cũng chả biết đâu là thật, là giả". Khi được hỏi: "Ở đại lý, khi giao hàng, họ có nói với bác đâu là hàng đắt - hàng rẻ không?" (hàng đắt - hàng rẻ là hai khái niệm mà tiểu thương thường dùng để ẩn ý cho hàng thật - hàng giả), bà Mơ cho biết: "Có loại thì họ nói, có loại không nhưng thật ra tâm lý nhiều người mua vẫn ham của rẻ lắm".

8h, nắng đã lên. Nhiều người dân đã xem xong, hối hả quay trở lại với việc mua hàng, không quên cho vào làn, túi những tờ rơi in sẵn hướng dẫn cách phân biệt hàng thật, hàng giả về làm "cẩm nang tiêu dùng" của gia đình. Trước khi rời bước, anh Hà Xuân Nam trú tại thôn Đồng Hen, xã Vũ Linh chia sẻ: "Tôi ở đây đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên, chúng tôi mới được xem một buổi hướng dẫn thế này, thật là bổ ích. Chúng tôi muốn cơ quan Nhà nước kiểm tra, xử phạt nghiêm, không cho hàng giả tràn vào thị trường, nhất là thị trường nông thôn - nơi trình độ dân trí còn thấp".

Một bác trung niên còn mạnh dạn đề xuất: "Nếu được, dân chúng tôi mong muốn các anh quản lý thị trường làm một buổi hướng dẫn ở hội trường xã. Chỉ cần các anh báo cho xã, xã báo cho trưởng thôn, trưởng thôn báo cho dân là chúng tôi sẽ đến".

10h, người bán, người mua dường như đã hoàn thành buổi chợ phiên của mình. Các bà bán chè, giải khát múc từng muôi chè đỗ xanh, đỗ đỏ cuối cùng. Anh hàng dao, hàng nhựa, hàng vải cũng bắt đầu dọn hàng. Đoàn tuyên truyền cũng thu dọn gian hàng. Một anh hàng xén nhanh nhẹn đến tháo băng rôn, khẩu hiệu và sắp xếp, đóng gói hàng hóa giúp. Chị hàng nước pha thêm ấm chè mời anh em và không quên lời hẹn: "Lúc nào có mặt hàng gì mới, các anh lại vào đây hướng dẫn cho dân tình chúng em nhé!".

Mồ hôi đã thấm ướt vòng mũ kê-pi và lấm tấm trên lưng áo màu xanh cỏ úa của cán bộ quản lý thị trường. Chúng tôi lên xe, trong lòng đầy phấn chấn. Phải đâu quản lý thị trường chỉ có kiểm tra, bắt giữ! Phải đâu quản lý thị trường chỉ có phạt và tịch thu! Chúng tôi còn gần với dân, đến với dân và chung tay với dân đấu tranh chống hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

 Phương Uyên

Các tin khác

YBĐT - Những tưởng chuyện áp lực sinh con trai không còn xảy ra với những phụ nữ hiện đại đã làm chủ được cuộc sống, có vị trí quan trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội nhưng mong muốn có con trai của không ít các ông chồng và gia đình chồng thời nay vẫn khiến những người vợ nhiều phen khổ sở.

YBĐT - Trong kỳ họp giữa năm vừa qua, HĐND xã Động Quan (Lục Yên) đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm 2014 theo tinh thần Nghị quyết HĐND xã; trên cơ sở đó xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra.

Những thay đổi về việc đóng bảo hiểm xã hội và hưởng lương hưu sẽ được thực hiện theo lộ trình.

Vấn đề lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và mức hưởng lương hưu luôn là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường Vụ Quốc hội.

Số trẻ em trên địa bàn Yên Bái mới sinh được bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu chỉ chiếm trên 10%.
(Ảnh: Lê Bác Đạt)

YBĐT - Sữa mẹ là thức ăn thích hợp nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ trong hai năm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục