Bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo, xây dựng kinh tế huyện phát triển bền vững
- Cập nhật: Thứ ba, 26/8/2014 | 9:04:40 AM
YBĐT - Đồng bào các dân tộc huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Năm 2014, tổng diện tích cây lương thực có hạt của Mù Cang Chải đạt 7.605 ha tăng 805 ha so với năm 2009; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 26.900 tấn. Ảnh: Các đồng chí lãnh đạo huyện chia sẻ niềm vui được mùa với đồng bào Mông. (Ảnh: Minh Hằng)
|
Trong những năm qua, huyện Mù Cang Chải thường xuyên chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, ban có liên quan; thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; huy động sự tham gia của các cấp, ngành và đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chương trình, dự án chính sách cụ thể hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn như: Chương trình 134, Chương trình 135, Nghị quyết 30a, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, chính sách hỗ trợ học sinh con hộ nghèo đi học, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo, chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp...
Cụ thể: Chương trình 135 thực hiện tổng nguồn vốn được đầu tư cho các Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu giai đoạn 2009 - 2014 đạt gần 80 tỷ đồng, xây dựng 46 công trình, trong đó có 21 công trình giao thông, 24 công trình thủy lợi và 1 công trình trạm y tế xã; duy tu, bảo dưỡng 19 công trình sau đầu tư 135, tổng nguồn vốn 4,7 tỷ đồng.
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đầu tư trên 14 tỷ đồng giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo mua máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, vật tư phục vụ sản xuất. Dự án đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng mở được 79 lớp bồi dưỡng với tổng số 4.072 lượt học viên tham gia.
Dự án hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý đã hỗ trợ cho trên 7.431 lượt học sinh con hộ nghèo đi học tại các trường trên địa bàn huyện; giúp cho 2.050 hộ nghèo làm nhà vệ sinh và di chuyển chuồng trại. Dự án cũng đã hỗ trợ 13 xã xây dựng tủ sách pháp luật và lĩnh vực văn hóa - thông tin để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tại cơ sở.
Cùng với nguồn hỗ trợ, đồng bào các dân tộc thiểu số đã mạnh dạn vay vốn theo Quyết định số 32/QĐ-TTg, Quyết định số 54/QĐ-TTg, hiện tại có 322 hộ vay với tổng số dư nợ đến ngày 31/7/2014 là 1,7 tỷ đồng. Người dân đã sử dụng nguồn vốn vay để mua trâu, bò, dê giống phục vụ chăn nuôi và sản xuất.
Huyện Mù Cang Chải có 13 xã và 1 thị trấn, trong đó 13 xã thuộc khu vực III, 1 thị trấn thuộc khu vực I với tổng số 126 thôn bản, tổ dân phố. Dân số toàn huyện tính đến thời điểm 1/4/2014 là 54.285 người với 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 91%, dân tộc Thái chiếm 4,8%, còn lại là các dân tộc khác. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 66,35% (tính đến thời điểm 31/12/2013). |
Chính sách cấp báo, tạp chí đã cấp 527.474 tờ báo, tạp chí cho các đối tượng được thụ hưởng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các thông tin, tiếp thu kiến thức áp dụng vào sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Toàn huyện có 237 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, địa phương đã thực hiện tốt việc cung cấp thông tin và chính sách đối với người có uy tín theo chế độ.
Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo niềm tin để đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mù Cang Chải vươn lên. Từ một huyện miền núi còn nghèo và lạc hậu, nền kinh tế chủ yếu là tự cung tự cấp, đến nay, Mù Cang Chải đã có bước phát triển đáng kể, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được tăng cường.
Các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học đều phát huy tốt hiệu quả sử dụng, tạo điều kiện cho nhân dân trong việc đi lại, giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa, tăng diện tích khai hoang ruộng nước và diện tích gieo cấy lúa hai vụ, thu hút trẻ em trong độ tuổi đến trường, làm thay đổi bộ mặt, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số các xã đặc biệt khó khăn của huyện.
Hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp đã hỗ trợ công cụ máy móc, vật nuôi, phục vụ trực tiếp cho lao động sản xuất của người dân; người dân được tham gia trực tiếp vào các mô hình sản xuất, được tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như các loại máy móc, công cụ vào sản xuất; năng suất cây trồng, vật nuôi ngày một tăng lên. Hợp phần đào tạo cán bộ xã, thôn bản đã bước đầu nâng cao được trình độ và năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ xã và thôn bản.
Thông qua các hợp phần, hạng mục được đầu tư hỗ trợ thuộc Chương trình 135 và các chương trình, dự án khác trên địa bàn huyện đã cải thiện rất nhiều về thói quen trong sản xuất, trong sinh hoạt và sử dụng các công trình được Nhà nước đầu tư, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đều, năm 2011 là 80,4% (theo tiêu chí mới), đến năm 2013 còn 66,35%, phấn đấu năm 2014 còn 60,35%. Như vậy, từ năm 2011, tỷ lệ giảm nghèo đạt 6%/năm trở lên, vượt từ 2% so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân (4%/năm) của Chương trình 30a.
Từ năm 2009 - 2014, tổng nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đạt gần 80 tỷ đồng, xây dựng 46 công trình gồm: 21 công trình giao thông, 24 công trình thủy lợi và 1 công trình trạm y tế xã. (Ảnh: Minh Hằng)
Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ cấu sản xuất từng bước có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành một số vùng ngô, lúa tập trung, mô hình nuôi ong mật, nuôi gà đen... trên địa bàn huyện. Năm 2014, tổng diện tích cây lương thực có hạt đạt 7.605ha, tăng 805ha so với năm 2009; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 26.900 tấn, lương thực bình quân đạt 496kg/người/năm. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy đã từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi; tổ chức bảo vệ trên 69.000ha rừng đồng thời thực hiện tốt chương trình phủ xanh đồi núi trọc, nâng độ che phủ rừng năm 2014 đạt 61%.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2014 - 2019
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt từ 15% trở lên; |
Trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo, huyện đã chuyển đổi 14 trường thành trường phổ thông dân tộc bán trú tại 12 xã; tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 70%; tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đạt 95%; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi từ 6 - 14 tuổi ra lớp đạt 95,8%; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Các chính sách hỗ trợ cho học sinh và giáo viên đã được triển khai kịp thời, đúng quy định. Các cơ sở y tế đã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm và uống đủ 4 loại vắc-xin phòng bệnh đạt 99%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 23%. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã có nhiều tiến bộ, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,68%, mức giảm tỷ lệ sinh 0,9%.
Đảng bộ huyện đã thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; công tác tổ chức, cán bộ được thực hiện theo đúng các quy trình, quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được chú trọng.
Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức toàn huyện là 1.567 người, trong đó người dân tộc thiểu số có 860 người, chiếm 54,88%. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số 253/266 người, chiếm 95,11%. Công tác dân vận, dân tộc và tôn giáo đã có nhiều đổi mới, thường xuyên bám sát cơ sở, tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, công tác tôn giáo và thực hiện nếp sống văn hóa.
Trong những năm tới, Mù Cang Chải tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tập trung huy động mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới; xây dựng nền kinh tế của huyện phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, trong đó xác định sản xuất nông, lâm nghiệp là mặt trận hàng đầu, công nghiệp là khâu đột phá; đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng nông thôn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho nhân dân; phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc đưa huyện trở thành địa phương phát triển nhanh và toàn diện.
Các tập thể và cá nhân được biểu dương tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ II-2014
I.Tập thể 1. Nhân dân xã Khao Mang: Có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất vụ đông xuân
2. Cán bộ và nhân dân xã Chế Tạo: Có thành tích xuất sắc trong phong trào chăm sóc bảo vệ rừng.
3. Cán bộ và nhân dân xã Dế Xu Phình: Có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
4. Cán bộ và nhân dân xã Hồ Bốn: Có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
5. Trường PTDT nội trú THCS huyện Mù Cang Chải: Có thành tích xuất sắc trong phong trào giáo dục, rèn luyện con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
6. Nhân dân bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt: Có thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình “Không tảo hôn, không sinh con thứ 3, không lấy nhau cận huyết thống, không thách cưới cao”.
7. Nhân dân bản Háng Đang Dê, xã Kim Nọi: Có thành tích xuất sắc trong phong trào dân số - kế hoạch hóa gia đình.
8. Nhân dân bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha: Có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. II.Cá nhân
1. Bà Vừ Thị Pàng - Phó bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải 2. Ông Giàng A Tông - Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải. 3. Ông Vàng A Rùa - Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mù Cang Chải. 4. Bà Sùng Thị Xày - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Mù Cang Chải. 5. Ông Lộc Tiến Tình - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Mù Cang Chải. 6. Ông Cứ A Hồng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải 7. Bà Lý Thị Cung - Phó trưởng Công an huyện Mù Cang Chải 8. Ông Giàng A Dê - Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Hồ Bốn 9. Ông Lò Văn Quý - Bí thư Đảng ủy thị trấn Mù Cang Chải 10. Ông Sùng A Tủa - Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Chế Tạo 11. Ông Sùng A Páo (A) - công an viên bản Đá Đen, xã Nậm Có 12. Ông Hờ A Chỉnh - Bí thư Chi bộ bản Tu San, xã Nậm Có 13. Ông Vì Văn Xương - người có uy tín bản Lìm Thái, xã Cao Phạ 14. Ông Thào A Chư - Nghệ nhân sản xuất đạo cụ dân tộc bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt. 15. Ông Thào A Khày - nông dân sản xuất giỏi bản Nả Háng Tâu, xã Púng Luông. 16. Ông Vàng A Dờ - Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Dế Xu Phình 17. Bà Lý Thị Máy - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn. 18. Bà Hờ Thị Dê - Nghệ nhân thêu dệt thổ cẩm bản Háng Tầu Dê, xã Chế Cu Nha 19. Ông Thào Cáng Súa - Nghệ nhân truyền múa đạo cụ bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề. 20. Bà Giàng Thị Xày - giáo viên trường Mầm non Kim Nọi, xã Kim Nọi. 21. Ông Lý Dua Giàng - nông dân sản xuất giỏi bản Háng Bla Ha A, xã Khao Mang. 22. Bà Sùng Thị Vàng - nông dân sản xuất giỏi bản Dào Xa, xã Lao Chải. 23. Ông Giàng Vàng Ly - người có uy tín bản Lao Chải, xã Lao Chải. 24. Bà Lương Thị Pỏm - nông dân sản xuất giỏi tổ 9, thị trấn Mù Cang Chải. 25. Em Hoàng Thanh Hà - học sinh lớp 8a, Trường PTDT nội trú THCS huyện Mù Cang Chải. |
Minh Quang
Các tin khác
YBĐT - Cùng với bề dày lịch sử hình thành và phát triển của ngành tư pháp Việt Nam, thực hiện yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử, ngành tư pháp Yên Bái đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương. Ngày nay, ngành đã có nhiều thay đổi về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ngày càng được mở rộng; cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực chuyên môn vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức đảm đương yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
YBĐT - Tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Chi nhánh Viettel Yên Bái vừa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm kinh doanh dịch vụ di động và 10 năm ngày thành lập Chi nhánh Viettel Yên Bái (24/8/2004 - 24/8/2014).
Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Cục Quân Y (Bộ Quốc phòng) Bệnh viện Quân y 87, Sở Y tế Khánh Hòa và Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA, Hà Nội) khẩn trương xử lý vụ việc 3 trẻ tử vong sau phẫu thuật nụ cười.
YBĐT - Chỉ còn một tuần nữa, học sinh khối tiểu học, THCS trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ sẽ đón lễ khai giảng năm học mới 2014 - 2015. Hiện nay, Phòng GD-ĐT thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo các đơn vị trường học chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để các em tựu trường đúng theo lịch chỉ đạo của tỉnh.