Phát triển quy mô, nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực, thi đua “dạy tốt, học tốt”
- Cập nhật: Thứ năm, 4/9/2014 | 9:11:43 AM
YBĐT - Năm học 2014 - 2015 là năm học có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2010 - 2015; năm học thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Rước ảnh Bác trong ngày khai trường tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)
|
Năm học 2013 - 2014, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh; sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Bộ Giáo dục - Đào tạo, các bộ, ngành Trung ương và các ban, ngành, địa phương trong tỉnh, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về giáo dục đào tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực và khá toàn diện.
Ngành đã tích cực tham mưu với tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học; tham mưu trong việc rà soát các cơ sở trường học; tăng cường việc kiểm tra, giám sát của hội đồng nhân dân các cấp; chăm lo tới đời sống giáo viên; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, công tác giáo dục dân tộc, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, vận động học sinh ra lớp. Công tác chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở thực hiện nhiệm vụ năm học.
Với nỗ lực của toàn ngành, chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục được nâng lên, có nhiều kết quả mới. Giáo dục mầm non tăng cả về quy mô, nhóm lớp, trẻ ra lớp; tỷ lệ huy động trẻ đạt 54,9% so với dân số độ tuổi, riêng mẫu giáo 5 tuổi đã đạt 98,7%. Giáo dục tiểu học tiếp tục tăng về số lớp, số học sinh; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt 99,4%; chất lượng cơ bản được giữ vững. Giáo dục trung học cơ sở (THCS) đã có 187 trường, 1.465 lớp, 46.077 học sinh (trong đó 7 trường dân tộc nội trú THCS); tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,5%.
Giáo dục trung học phổ thông (THPT) tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng toàn diện, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đạt 98,66%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm 2013 đạt 35,1% (tăng 2,5%). Giáo dục nghề phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp có chuyển biến tích cực, giáo dục chuyên nghiệp tiếp tục góp phần tăng cường đào tạo nhân lực cho hai huyện nghèo Trạm Tấu, Mù Cang Chải và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế giúp đào tạo học sinh Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
Công tác giáo dục mũi nhọn ngày càng được chú trọng và đạt nhiều kết quả cao, tổng số giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh là 1.032 giải; cấp quốc gia đạt 102 giải. Ngành đã tổ chức vinh danh, tuyên dương 109 học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc trong năm học 2013 - 2014 được UBND tỉnh tặng bằng khen, trong đó có 90 học sinh (đạt giải ba cấp quốc gia trở lên, đạt giải nhất cấp tỉnh), 19 giáo viên (có học sinh đạt giải thi văn hóa cấp quốc gia).
Coi trọng đổi mới công tác quản lý, ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý của các cơ sở giáo dục; tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ quản lý trường học thực hiện đồng bộ các khâu đánh giá, xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm cán bộ quản lý; thực hiện đầy đủ, kịp thời, minh bạch các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện chính sách thu hút đối với viên chức và tổ chức thi tuyển viên chức năm 2013. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên ở các bậc học là 99,2%, trong đó số cán bộ quản lý, giáo viên đã có bằng đào tạo trên chuẩn là 55,8% (tăng 6,3%).
Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư theo hướng hiệu quả và hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học; cung ứng kịp thời sách, thiết bị; tích cực triển khai, nâng cao chất lượng việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành, giảng dạy. Toàn ngành đã có 590 cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp và dạy nghề; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 68%. Về cơ bản, đáp ứng đủ cho học hai ca và bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày ở các cơ sở mầm non, tiểu học, các trường dân tộc nội trú.
Công tác phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia, hiện tại toàn tỉnh có 174 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (đạt 96,7%, tăng 2 xã); tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,7% (tăng 0,1%), tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 90,6% (tăng 2,0%); giữ vững 180 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Đối với phổ cập giáo dục mầm non, toàn tỉnh đã có 175/180 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn (96,7%) và 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 98,7% (tăng 0,9%), đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành mục tiêu phổ cập vào năm 2015 theo kế hoạch.
Công tác giáo dục dân tộc và giáo dục vùng khó khăn, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), 2.579 học sinh. Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiếp tục được quan tâm, phát triển với quy mô 43 trường (12 trường tiểu học, 16 trường THCS và 15 trường TH&THCS) và 55 trường học học sinh bán trú với 12.489 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ, tăng 1.844 em so với năm học trước.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường và phát huy tác dụng, hiệu quả trong quản lý; công tác thi đua khen thưởng, công tác đổi mới quản lý hành chính, công tác tuyên truyền về giáo dục được quan tâm chỉ đạo. Toàn ngành có 2 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 4 tập thể được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 117 tập thể được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến“.
Năm 2013, Sở Giáo dục và Đào tạo được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen và được khen thưởng 6 lĩnh vực công tác, 1 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 1 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 600 cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”. Đối với giáo viên, học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng bằng khen cho 8 học sinh; UBND tỉnh tặng bằng khen cho 90 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và tặng bằng khen cho 19 giáo viên có học sinh đạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
Đồng chí Trần Xuân Hưng - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc năm học 2013 - 2014. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)
Phát huy những kết quả đạt được, chủ động khắc phục những mặt hạn chế và tồn tại, năm học 2014 - 2015, ngành giáo dục -đào tạo Yên Bái xác định mục tiêu là "Phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, thực hiện những giải pháp đột phá và những giải pháp lâu dài nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo". Về một số nhiệm vụ trọng tâm, ngành tập trung triển khai, tổ chức thực hiện tốt 5 nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Trọng tâm là thực hiện rà soát tiến độ thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và các đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 - 2015; thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI).
Đồng thời tiếp tục thực hiện, triển khai các nội dung của Nghị quyết số 35/2009/QH12 của Quốc hội, trong đó tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực tài chính giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục. Các cơ sở trường học, các phòng giáo dục đào tạo tổ chức rà soát, đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đến hết năm 2014, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cụ thể để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm 2015.
Hai là, tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo nội dung Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị; tiếp tục đầu tư phát triển các trường PTDTNT, trường PTDTBT; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; tích cực chuẩn bị đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt là chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất để triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; triển khai Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng xã hội học tập đến năm 2020, Quyết định số 692/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”.
Năm học này, tiếp tục tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và duy trì đến trường chuyên cần; bảo đảm 100% trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1; tập trung chỉ đạo đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học; dạy học phân hóa trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông; chỉ đạo và tổ chức các kỳ thi an toàn, nghiêm túc...
Ba là, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học; triển khai có hiệu quả việc đánh giá theo chuẩn; quy định chế độ làm việc của giáo viên các cấp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tăng cường công tác bồi dưỡng; tiếp tục khảo sát đội ngũ giáo viên, từng bước bảo đảm đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc tổ chức thực hiện các chính sách đối với nhà giáo, chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non; ban hành các cơ chế, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm thu hút người giỏi, tạo động lực phấn đấu cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của địa phương...
Bốn là, tiếp tục phát triển mạng lưới trường, lớp; củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Trong đó, tập trung quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục và tình hình thực tế từng địa phương; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống trường PTDTBT, trường PTDTNT; tiếp tục tham mưu đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, thư viện trường học; đầu tư xây dựng nhà bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên vùng cao, vùng khó khăn...
Năm là, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Trọng tâm là chỉ đạo và thực hiện theo hướng giữ vững, nâng cao chất lượng chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tập trung hoàn thành Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011 - 2015 và Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015; rà soát, chuẩn bị các điều kiện đề nghị công nhận tỉnh Yên Bái đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non vào cuối năm học 2014 - 2015 theo kế hoạch; chú trọng việc xây dựng các trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II.
Năm học 2014 - 2015 là năm học có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2010 - 2015; năm học thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đào tạo Yên Bái dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các bộ, ngành Trung ương cùng sự phối hợp của các ban, ngành, địa phương, nhân dân trong tỉnh, ngành quyết tâm hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tuấn Anh
Các tin khác
Ngoài việc phải có chứng chỉ hành nghề, để được khám chữa bệnh nhân đạo tại một cơ sở khám chữa bệnh thì tổ chức hay cá nhân phải được cơ sở đó cũng như UBND xã, phường, thị trấn đồng ý bằng văn bản.
Nhân dịp khai giảng năm học mới, ngày 3/9, tại Trường Trung học cơ sở Xuân Phú, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, Hội đồng Đội Trung ương đã phát động chủ đề năm học 2014-2015.
YBĐT - Theo đánh giá của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Văn Chấn, những năm gần đây, lượng án thụ lý mới trung bình lên tới trên 500 việc các loại/năm. Cán bộ thiếu, địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, đương sự cố tình lẩn trốn, không có tài sản để thi hành án... là những vấn đề thường gặp đối với các chấp hành viên nơi đây.
YBĐT - Đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn huyện Lục Yên đã chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị day học và nguồn nhân lực, sẵn sàng cho năm học mới 2014 – 2015.