Kỳ thi chung quốc gia: Khó khăn sẽ vượt qua
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/9/2014 | 9:06:17 AM
YBĐT - Sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia chung thay vì 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng như những năm trước. Sẽ không còn các khối thi truyền thống và giấy báo điểm cũng sẽ lỗi thời... Đó là những thay đổi trong Quyết định một kỳ thi quốc gia chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới được công bố chiều 9/9 vừa qua. Không phải là mới mẻ nhưng cũng như cả nước lúc này, tất cả giáo viên, phụ huynh và nhất là các sĩ tử Yên Bái mùa thi năm nay tâm trạng chung là vô cùng băn khoăn, lo lắng.
Học sinh Trường THPT Chuyên nguyễn Tất Thành sau giờ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 - 2014.
|
Theo phương án mà Bộ GD-ĐT lựa chọn đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thì bắt đầu từ năm học 2014 - 2015 này, các em học sinh sẽ chỉ thi một kỳ thi quốc gia chung (tên gọi là kỳ thi THPT quốc gia). Kết quả của kỳ thi chung sẽ được sử dụng cho xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Quyết định của Bộ đưa ra giữa lúc yêu cầu phải đổi mới toàn diện ngành giáo dục.
Rất rõ ràng trong Quyết định này của Bộ là nhằm đổi mới giáo dục - một điều tất yếu đang đặt ra hiện nay cho ngành giáo dục nước nhà, bắt đầu từ đổi mới hình thức thi cử. Và đó cũng xuất phát từ yêu cầu nhằm giảm áp lực cho học sinh trước 2 kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời bằng một kỳ thi, cùng với đó sẽ tiết kiệm được kinh phí tổ chức thi. Song theo ý kiến của nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh thì từ khi chủ trương đưa ra đến khi thực hiện thời gian quá nhanh, khiến cho việc chuẩn bị tâm lý và cả kiến thức đều bất ngờ. Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Yên Bái) - cái nôi đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh không khí những ngày qua cũng đang "nóng" lên trước quyết định của Bộ.
Cô Nguyễn Thị Việt Hà, giáo viên Văn của Trường đồng thời cũng có con thi ĐH, CĐ năm nay khẳng định: "Tôi khẳng định đây là một chủ trương đúng vừa tiết kiệm kinh tế lại giảm áp lực cho học sinh. Nhưng nếu có sự chuẩn bị kỹ hơn về kiến thức, tâm lý cho các cháu và cả phụ huynh thì tôi nghĩ sẽ tốt hơn rất nhiều. Hiện nay các cháu xác định thi khối A thì nháo nhào đi học thêm Văn và Ngoại ngữ, còn các cháu xác định thi khối C thì đang cấp tập ôn luyện thêm Toán, Ngoại ngữ. Bởi học sinh thường xác định khối thi ngay từ khi bước vào lớp 10, nên các em đã có 2 năm chuẩn bị cho khối thi của mình, giờ thay đổi quả là điều rất khó khăn. Nếu như lộ trình thực hiện đổi mới này dài hơn thì hiệu quả hơn rất nhiều".
Với các em học sinh ngay khi bước vào lớp 10 đều xác định cho mình nguyện vọng theo khối thi ĐH, CĐ để đầu tư thời gian, công sức ôn luyện mong sẽ có một kết quả như mong đợi. Cũng giống như các bạn, mấy ngày qua, em Nguyễn Đức Thuận - lớp 12K, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành ngoài giờ học không quên theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm hiểu về những thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT, ĐH, CĐ năm nay. Em xác định ngay từ đầu năm học lớp 10 sẽ thi khối A, B nay lại thi kỳ thi chung với các môn chung Toán, Văn, Ngoại ngữ là một điều khó khăn với bản thân.
Thuận chia sẻ: "Em đang tìm lớp để ôn hai môn Văn, Ngoại ngữ. Vẫn biết 2 môn này đều thi tốt nghiệp THPT và phục vụ trong cuộc sống nhưng em chỉ "đầu tư vừa vừa" dừng ở mức độ. Nay điểm số này dùng để xét tuyển ĐH, CĐ thì em phải cân đối thời gian ôn luyện giữa các môn. Sẽ rất khó khăn với các bạn khối A, B, C nhưng em sẽ phải cố gắng phấn đấu vượt qua. Em mong các trường ĐH, CĐ sớm công bố phương án tuyển sinh, môn thi để chúng em có thể chuẩn bị kiến thức và tâm lý tốt nhất".
Cũng như Thuận, em Tống Thị Mỹ Hạnh - lớp 12B, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh đã lựa chọn khối thi ĐH, CĐ từ khi vào đầu cấp nhưng nay sự thay đổi này không khỏi khiến em lo lắng: "Em chọn khối C để thi, giờ lại là Toán, Văn, Ngoại ngữ bắt buộc. Hơn 2 năm qua em đầu tư học Văn, Sử, Địa, em học không tốt lắm môn Toán, còn Ngoại ngữ không phải là sở trường của học sinh trường chuyên biệt như bọn em. Chúng em chỉ học Ngoại ngữ hệ 3 năm. Tuy chúng em cũng đã biết chủ trương nhưng Bộ quyết định quá nhanh. Em đang tìm lớp ôn Toán. Các thầy cô ở Trường cũng đã trò chuyện và tận tình chỉ bảo, ôn luyện thêm cho chúng em. Chúng em sẽ cố gắng cao nhất".
Rất nhiều các học sinh cho rằng, kỳ thi chung này sẽ rất lợi thế cho các bạn đã chọn học khối D, vì 3 môn Toán ,Văn, Anh bắt buộc lại là sở trường. Có lẽ điều đó tạo nên tâm lý thoải mái cho các em đã xác định thi khối D.
Em Hoàng Minh Hoa - lớp 12 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành chia sẻ về lợi thế được mở rộng cơ hội chọn trường của mình: "Em cũng nghĩ đây là lợi thế của những bạn thi khối D như em. Nhưng hoàn toàn không thể chủ quan được ạ! Theo như những thông tin về kỳ thi này, thì cơ hội mở rộng chọn trường của em sẽ rất cao. Em dự định sẽ chọn môn Lý để đăng kí vào các trường trước đây thi khối A1".
Ngoài ra, theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi chung này sẽ làm giảm việc học lệch của học sinh hiện nay. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng môn Địa lý, Lịch sử bấy lâu nay được liệt vào các môn học "bị bỏ rơi" thì nay sẽ tiếp tục, bởi việc tự chọn môn thi đã diễn ra vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 - 2014 và số lượng thí sinh chọn 2 môn này rất ít.
Đối với công nhận tốt nghiệp THPT: Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm học 2014 - 2015, kỳ thi được tổ chức trong các ngày từ 9 - 12/6/2015. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi bốn môn (gọi là bốn môn thi tối thiểu), trong đó bao gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Ngoài bốn môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD-ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý thi tự luận thời gian 180 phút; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm 90 phút. Đề thi đánh giá thí sinh ở bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao sẽ đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh. Việc coi thi, chấm thi sẽ được tổ chức theo cụm. Bộ cũng sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường ĐH đủ năng lực. Các sở GD - ĐT kết hợp sử dụng kết quả bốn môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. |
Thầy Hoàng Văn Chính - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh cho hay: "Việc thi theo cụm sẽ có nhiều khó khăn trong việc đi lại của học sinh, nhất là vùng cao. Lâu nay nhiều học sinh vùng cao chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 xong rồi đi học nghề nên tôi chỉ e các em vì ngại mà bỏ thi. Do đó, việc vận động, làm công tác tư tưởng cho các em học sinh vùng cao, học sinh dân tộc thiểu số càng quan trọng".
Việc các thầy cô, phụ huynh quan tâm nhất hiện nay chính là tâm lý của học sinh, bởi đa phần các em đang rất lo lắng cho kỳ thi mới này, thay đổi môn thi không theo lựa chọn từ 2 năm trước của bản thân không khỏi khiến các em bất ngờ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hòa - giáo viên Lịch sử , Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh chia sẻ: "Tôi rất mong muốn Bộ GD-ĐT sẽ sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể để trường chuẩn bị tốt công tác tuyên truyền trước kỳ thi, tạo tâm lý tốt cho học sinh, đặc biệt là sớm đưa ra hướng dẫn cấu trúc đề thi để giáo viên có thể hướng dẫn tốt nhất cho các em học sinh. Hiện nay, chúng tôi đang trấn an học sinh, chuẩn bị tâm lý cho các em, rà soát lại chương trình học, xen kẽ ôn luyện kiến thức lớp 10, 11 trong chương trình lớp 12 nhằm đảm bảo tiêu chí đánh giá học sinh theo 4 mức độ của đề thi; tăng cường hướng dẫn các em tự học".
Giáo viên đồng thời là phụ huynh, cô Nguyễn Thị Việt Hà chia sẻ: "Các bậc phụ huynh phải bình tĩnh để giúp con bớt lo lắng bởi đây là thay đổi chung của cả nước chứ không phải riêng một cá nhân hay địa phương nào. Sự thay đổi bao giờ cũng có những bỡ ngỡ ban đầu nhưng sự nỗ lực, cố gắng hết sức sẽ vượt qua tất cả". Dù đang lo lắng cho sự thay đổi to lớn này nhưng bằng những nỗ lực của bản thân, sự chỉ đạo sát sao của ngành giáo dục - đào tạo, sự tận tình của các thầy cô, các em học sinh trong tỉnh chắc chắn sẽ vượt qua được thử thách trong kỳ "vượt vũ môn" này.
Thanh Ba
Đối với xét tuyển đại học, cao đẳng: Trước ngày 1-1 hàng năm, các trường ĐH, CĐ, học viện công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Căn cứ kết quả thi, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên điểm sàn này để tuyển sinh theo quy định của quy chế. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và kết quả thi của mình thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân. Các học viện, ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy chế, Bộ sẽ xem xét phê duyệt các trường được tự chủ tuyển sinh. Học sinh không thi tại cụm có thể thi tại địa phương, Bộ sẽ thống nhất với UBND tỉnh tổ chức một số cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì. |
Các tin khác
Từ ngày 15-19/9 tới, lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Đây là diễn đàn cấp cao nhất về y tế trong khu vực Đông Nam Á được tổ chức 2 năm một lần.
Bộ TT&TT vừa ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số cơ quan báo chí, trong đó có cơ quan báo chí thuộc Bộ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ… phối hợp chặt chẽ để việc tiếp công dân đạt hiệu quả.
YBĐT - Tính đến thời điểm này, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) trên địa bàn thành phố Yên Bái gia tăng nhanh chóng. Theo cán bộ chuyên môn ngành Y tế tỉnh Yên Bái, cứ vào thời điểm này hàng năm, dịch bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện và gia tăng khi mùa mưa bắt đầu. Dịch bệnh xuất hiện vào thời điểm này không phải là điều bất thường.