Quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/9/2014 | 3:34:42 PM

YBĐT - Lâm Giang (Văn Yên) là xã đặc biệt khó khăn, nhận thức của phần lớn người dân về công tác chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số còn hạn chế bởi trình độ dân trí thấp, tập quán vẫn nặng nề… Vì vậy, nhiều bà mẹ, trẻ em chưa được quan tâm, chăm sóc. Tuy nhiên, đến nay, nhận thức của người dân nơi đây đã có những chuyển biến tích cực và rõ nhất là công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã được quan tâm đúng mực.

Trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
Trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.

Xã có trên 8 nghìn khẩu, tương đương với gần 2 nghìn hộ, tập trung chủ yếu trên 80% đồng bào Dao, còn lại là dân tộc Kinh. Trong đó, số bà mẹ ở độ tuổi sinh đẻ 15 - 49 tuổi gần 1.700 người, trẻ em dưới 5 tuổi là hơn 700 cháu. Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lâm Giang cho biết: “Tôi trực tiếp làm từ lúc Dự án mới bắt đầu triển khai, ban đầu rất là khó khăn. Hỏi bà con về kiến thức làm mẹ, chăm sóc sức khỏe sinh sản đều nhận được câu trả lời không biết. Vì vậy mà năm 2010, số phụ nữ có chồng bị các bệnh phụ khoa là 9,66% và trẻ em bị suy dinh dưỡng là 22,54%. Nhưng thông qua các hoạt động của Dự án triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì đến nay, số trẻ suy dinh dưỡng giảm còn gần 20%; kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được nâng lên rõ rệt. Số phụ nữ bị các bệnh phụ khoa giảm phần nào đã đánh giá công tác tuyên truyền cũng như sự hiểu biết, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình của chị em đã tốt lên và việc đến Trạm Y tế khám định kỳ cũng tăng lên so với những năm trước đây”.

 Để hiệu quả công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em được nâng lên thì Trạm Y tế xã đã luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp thực tiễn địa bàn; phối hợp với các tổ chức đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình... làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ chủ động đến kiểm tra, khám định kỳ tại trạm.

Bên cạnh đó, Trạm còn đẩy mạnh các hoạt động vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình; hướng dẫn chị em cách nuôi dạy con tốt và cách tổ chức cuộc sống gia đình; vận động chị em đi khám phụ khoa và điều trị phụ khoa, đối với phụ nữ mang thai bảo đảm được khám 3 lần trong chu kì mang thai; tư vấn cho các bà mẹ nuôi nguồn sữa để các cháu được bú mẹ thường xuyên trong vòng 6 tháng đầu sau khi sinh; 18/18 nhân viên y tế, dân số được phân công nắm bắt địa bàn phải thường xuyên, liên tục đến các hộ gia đình tư vấn cho chị em cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe bản thân, cách chăm sóc sức khỏe cho con nhỏ… đồng thời vận động các bà mẹ có con dưới 1 tuổi đưa con đi tiêm chủng đầy đủ để đề phòng 6 bệnh nguy hiểm và uống vác xin.

Kết quả đến nay, số lượt chị em đến khám và điều trị có tăng nhưng so với phụ nữ trong toàn xã còn quá ít; nhiều phụ nữ ngại tiếp xúc với cán bộ y tế, xấu hổ về bệnh tật, không nói ra nên việc chữa trị chưa kịp thời; trẻ em sinh ra được tiếp cận với các dịch vụ y tế hạn chế, đặc biệt là trẻ em ở các thôn, bản vùng xa khó khăn trong việc đi lại; các bà mẹ kiến thức và kỹ năng nuôi con trẻ còn thiếu nên bệnh suy dinh dưỡng không được phát hiện sớm. Ngoài ra, số phụ nữ bị các bệnh phụ khoa tập trung chủ yếu ở đồng bào dân tộc thiểu số do tập quán lạc hậu, trình độ nhận thức còn thấp; địa bàn cư trú lại xa, kinh tế gia đình còn khá nhiều khó khăn...

Với mục đích nâng cao nhận thức của người dân thông qua các hoạt động thiết thực của Dự án, Lâm Giang đã tận dụng cơ hội để truyền thông, nâng cao hiểu biết và kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em và cả cộng đồng. Qua đó tăng cường sử dụng các dịch vụ y tế, làm giảm tình trạng bệnh tật, nâng cao chất lượng sức khỏe, giúp cho người dân nơi đây được tiếp cận nhiều hơn các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ, trẻ em và giúp người dân thay đổi hành vi, thái độ, nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em.

Trần Minh

Các tin khác

YBĐT - Trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)”, Công an huyện Văn Yên đã xây dựng nhiều mô hình sát thực tế ở từng địa phương. Các mô hình này đã góp phần đắc lực trong công tác giữ gìn an ninh trật (ANTT) địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế, xã hội phát triển như mô hình “3 không, 1 giảm” ở xã Châu Quế Thượng, mô hình “2 giảm, 3 giữ” ở xã Lâm Giang”, mô hình “Dân vận khéo”, “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”, “Công an xã trong sạch vững mạnh”…

YBĐT - Hiện nay, các tủ sách pháp luật tại 14 xã, thị trấn trong huyện Mù Cang Chải được duy trì hoạt động với trên 200 đầu sách các loại. Các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, kết hợp với TGPL và tư vấn pháp luật.

Mô hình nuôi lợn đã giúp nhiều hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

YBĐT - Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ xã Ngọc Chấn (Yên Bình), chị Lý Thị Huân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, chỉ tính riêng lĩnh vực chăn nuôi đã có gần chục chị em đăng ký mức lợn hơi xuất chuồng trong năm 2014 đạt từ 3 đến 4,5 tấn. Riêng Triệu Thị Mười - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn 2 đăng ký mức xuất từ 4,5 đến 5 tấn.

YBĐT - Ngày 18/9, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Yên Bái đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ học sinh của tỉnh Viêng Chăn. Tham dự buổi tiếp nhận có lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Yên Bái, lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Viêng Chăn và 10 em học sinh của tỉnh Viêng Chăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục