Tán thành việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa

  • Cập nhật: Thứ bảy, 20/9/2014 | 6:52:40 AM

Ngày 19-9, phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã diễn ra nhằm thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông. Tham gia phiên họp có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục; góp phần quan trọng vào việc xây dựng con người có năng lực và phẩm chất tốt. Đồng thời chuyển từ mục tiêu tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang mục tiêu hướng đến phát triển phẩm chất năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện để học sinh phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần. Chương trình được xây dựng thành một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12. Tích hợp cao các lĩnh vực giáo dục, các môn học ở tiểu học và THCS nhằm giảm tải, giảm kiến thức hàn lâm, giảm số lượng môn học bằng cách lồng ghép những nội dung gần nhau của nhiều môn học vào cùng một lĩnh vực hoặc bổ sung, phát triển môn học tích hợp đã có trong chương trình hiện hành tạo thành môn học mới. Cùng với đó phân hóa ở THPT bằng hình thức dạy học tự chọn theo định hướng: kết thúc cấp THCS là học sinh đã hoàn thành giáo dục cơ bản, lên THPT học sinh được phân hóa mạnh mẽ gắn với định hướng nghề nghiệp.

Tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đều nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông. Góp ý thêm về nội dung dự thảo nghị quyết, các đại biểu cho rằng chương trình giáo dục phổ thông cần thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường, thành viên ủy ban tán thành lộ trình thực hiện đề án đổi mới CT-SGK phổ thông theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (tháng 1-2015 đến tháng 6-2017) sẽ chuẩn bị các điều kiện để xây dựng CT-SGK mới; giai đoạn 2 (tháng 7-2017 đến tháng 6-2018) sẽ xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện CT-SGK mới; giai đoạn 3 (tháng 7-2018 đến tháng 12-2021) sẽ triển khai áp dụng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019.

Về việc xã hội hóa biên soạn và xuất bản SGK phổ thông, hầu hết các thành viên trong ủy ban tán thành với phương án Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK, đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác. Các ý kiến cũng cho rằng, đổi mới CT-SGK lần này bao gồm nhiều nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới nên cần thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng trên quy mô nhỏ trước khi áp dụng đại trà để tránh rủi ro. Việc triển khai đại trà CT-SGK mới cũng cần cân nhắc hợp lý. Đối với cấp tiểu học có thể thực hiện đồng thời ở tất cả các lớp, nhưng đối với cấp THCS, THPT thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học.

Kết luận phiên họp, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ghi nhận ý kiến của các thành viên về việc cần ban hành Nghị quyết về đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, ủy ban lưu ý việc ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng cần mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn khách quan, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như với khả năng tiếp thu của học sinh.

(Theo SGGP)

Các tin khác

YBĐT - Ngày 19/9, Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái lần thứ hai đã tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá những kết quả trong công tác triển khai, tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện và triển khai nhiệm vụ, công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ II/2014.

YBĐT - Ngày 19/9, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính năm 2014. Dự có các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban giám hiệu Trường Chính trị tỉnh cùng các học viên.

Hàng năm, viện KSND các cấp đều chọn các vụ án hình sự để rút kinh nghiệm.

YBĐT - Thực hiện Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị và công văn hướng dẫn của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao, từ năm 2009 đến nay, Viện KSND tỉnh Yên Bái đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nhất là chất lượng thẩm vấn và tranh tụng của kiểm sát viên.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng người dân xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) đón chờ mẻ miến đầu tiên khi triển khai mô hình máy làm miến tại địa phương.

YBĐT - Thực hiện lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, trong suốt 20 năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái luôn coi trọng công tác dân vận và thường xuyên áp dụng các nguyên tắc dân vận vào hoạt động chuyên môn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục