Linh hoạt, sáng tạo, sát thực tế
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/9/2014 | 2:45:55 PM
YBĐT - Những năm qua, công tác dân vận ở huyện Yên Bình (Yên Bái) đã góp phần vun đắp truyền thống đoàn kết, gắn bó trong nhân dân; khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, hăng hái thi đua lao động sản xuất và tương trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình thăm khu đất rộng hơn 400m2 do ông Vũ Văn Mười ở thôn Làng Mới, xã Mông Sơn hiến tặng để xây nhà văn hóa thôn. (Ảnh: Đức Thành)
|
Tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, thông suốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như các hương ước, qui ước của thôn, của làng là một việc rất quan trọng của những người làm công tác dân vận. Bên cạnh làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho các tầng lớp nhân dân, những năm qua, huyện Yên Bình đã đặc biệt quan tâm xây dựng các mô hình dân vận khéo.
Năm 2010, sơ kết một năm thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo, huyện có 94 mô hình và đến nay đã có 320 mô hình hoạt động khá hiệu quả, trong đó có 214 mô hình do các xã, thị trấn thực hiện, 79 mô hình do các đoàn thể huyện thực hiện, 27 mô hình do các cơ quan huyện thực hiện. Các mô hình tập trung vào lĩnh vực văn hóa - xã hội có 151 mô hình, phát triển kinh tế 125 mô hình, an ninh trật tự 27 mô hình, xây dựng tổ chức cơ sở 15 mô hình, còn lại là lĩnh vực khác. Tất cả 26 xã, thị trấn đều xây dựng được các mô hình dân vận khéo và địa phương nào cũng xây dựng được 4 mô hình trở lên. Riêng xã Đại Minh xây dựng 16 mô hình đều do các đoàn thể đảm nhận phụ trách.
Thực tế cho thấy, ở đâu làm tốt công tác dân vận thì tập hợp được quần chúng nhân dân tích cực tham gia mọi hoạt động và đạt kết quả toàn diện, vững chắc. Mô hình thu gom rác thải ở xã Phúc An do Hội Nông dân xã phụ trách là một minh chứng. Đây không chỉ đơn thuần tạo thêm việc làm cho người lao động mà còn nâng cao ý thức cho nhân dân trong việc bảo vệ môi trường. Thông qua việc làm này đã giúp cho mọi người xóa bỏ được thói quen vứt rác bừa bãi, tạo thói quen để rác đúng nơi qui định ngay trong từng thành viên của các gia đình.
Từ khi mô hình không bạo lực gia đình ở xã Yên Thành được thành lập và đi vào hoạt động đến nay, tình trạng bạo lực gia đình hay tảo hôn ở địa bàn có trên 90% dân tộc Dao sinh sống này đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Ân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Hiện nay, nhiều gia đình không còn lục đục như trước nữa mà đã hòa thuận hơn, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế. Vừa cách đây mấy hôm, địa phương có hai trường hợp chưa đến tuổi đăng ký kết hôn nhưng gia đình đã chuẩn bị tổ chức đám cưới. Khi nắm bắt được thông tin, cán bộ Hội Phụ nữ và các đoàn thể của xã, của thôn đã đến tuyên truyền, vận động và cả hai trường hợp đó đều hứa sẽ hoãn việc tổ chức đám cưới chờ đến khi đủ tuổi”.
Chị Ân cũng cho biết thêm, nếu không tích cực tuyên truyền, vận động thì tình trạng tảo hôn rất dễ lại xảy ra. Thực tế những năm gần đây, nhiều cô gái chuẩn bị đến tuổi trưởng thành thường đi học hoặc đi làm ăn xa rồi lấy chồng nơi khác nên các gia đình lo xa, tính chuyện tảo hôn để nhận dâu con.
Còn đây là chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hương Lý, xã Đại Đồng của ông Nguyễn Ngọc Mai: “Nói gì thì nói, muốn dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cũng như các hương ước, qui ước của thôn, của làng thì chính cán bộ và gia đình họ phải là những người gương mẫu đi đầu. Như ở thôn Hương Lý này, khi vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của để làm đường giao thông nông thôn, sau khi đưa ra dân bàn bạc, thống nhất chủ trương thì gia đình tôi và các gia đình trưởng, phó đoàn thể trong thôn đều gương mẫu ủng hộ trước. Người dân thấy vậy cũng tích cực ủng hộ tiền của, công sức với tổng trị giá trên 142 triệu đồng. Nhờ đó, thôn đã nhanh chóng hoàn thành các yêu cầu của tiêu chí số 2 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Công tác dân vận ở huyện Yên Bình những năm qua đã góp phần tích cực đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, yếu kém, vướng mắc trong cộng đồng đồng thời kết nối, nhân rộng mối đoàn kết, thúc đẩy sự phát triển đi lên. Bằng cách làm linh hoạt, sáng tạo, sát với thực tế địa bàn từng nơi, các mô hình dân vận khéo của huyện đã và đang thật sự mang lại hiệu quả, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Thanh Phú
Các tin khác
YBĐT - Câu hỏi đặt ra cho chính quyền các cấp ở Văn Yên khi triển khai chương trình làm đường liên thôn, bản tới các cụm dân cư các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo Quyết định số 30 ngày 28/9/2011 giai đoạn 2010 - 2015 của UBND tỉnh Yên Bái (gọi tắt là 30b) là sẽ huy động nguồn lực của dân như thế nào để làm đường. Đường "30b" quy mô nhỏ nhưng nếu không nắm chắc nhu cầu của dân, hiểu rõ nhu cầu của con đường thì thực hiện cũng sẽ khó khăn...
YBĐT - Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, huyện Văn Yên đã và đang triển khai thực hiện tốt quyết định này.
YBĐT - Cùng hàng triệu học sinh, sinh viên trong cả nước, con em các dân tộc tỉnh Yên Bái từ các ngành học, bậc học mầm non, trung học cơ sở đến trung học phổ thông bước vào năm học mới 2014 - 2015. Với tấm lòng yêu thương "dành những gì tốt nhất cho con trẻ" nên dù có khó khăn đến mấy các bậc phụ huynh vẫn sắm đủ cho con sách vở, quần áo, bút mực và một tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) - tấm thẻ nhỏ bé nhưng có ý nghĩa lớn trong suốt cả năm học mỗi khi ốm đau, bệnh tật xảy ra.
Ngày 25/9 tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VnPost) tổ chức ký kết Hợp đồng thu bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện và bảo hiểm y tế (BHYT) của đối tượng tự nguyện nộp phí qua hệ thống Bưu điện.