Khai thác các nguồn lực, tranh thủ sự giúp đỡ, phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2020
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/10/2014 | 10:49:32 AM
YBĐT - Song song với công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, Đảng bộ huyện Trạm Tấu tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục với quyết tâm diệt "giặc đói, giặc dốt". Từ một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn nay Trạm Tấu đã có nhiều bứt phá, chuyển biến trên nhiều lĩnh vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành Trung ương và huyện Trạm Tấu chụp ảnh lưu niệm cùng thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Trạm Tấu trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái tháng 1/2013.
|
50 năm qua đã ghi dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt của huyện Trạm Tấu. Từ một huyện miền núi với nền kinh tế khó khăn và tập quán lạc hậu, sau 50 năm xây dựng và phát triển, Trạm Tấu đã khoác trên mình màu xanh của núi rừng; sự bình yên, ấm no, hạnh phúc của nhân dân; sự ổn định về an ninh chính trị và những con đường của ý Đảng, lòng dân vươn xa tới các bản làng, mang đến cho nơi vùng cao này một diện mạo mới, vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn miền núi.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, Trạm Tấu có sự biến đổi lớn về địa giới hành chính. Từ xa xưa, Trạm Tấu thuộc huyện Văn Chấn, trấn Thiên Hương (Hưng Hóa). Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Trạm Tấu thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Nghĩa Lộ. Với sự phát triển không ngừng về dân số cũng như để tăng cường sự đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân sinh sống trên mảnh đất này, ngày 17/8/1964, theo đề nghị của Ủy ban Hành chính Khu tự trị Tây Bắc, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 128/QĐ-CP chia tách hai huyện Phù Yên và Văn Chấn thuộc tỉnh Nghĩa Lộ thành 4 huyện: Bắc Yên, Phù Yên, Văn Chấn và Trạm Tấu. Ngày 05/10/1964, bộ máy Đảng bộ, chính quyền huyện Trạm Tấu chính thức đi vào hoạt động. Từ đây, Trạm Tấu trở thành huyện vùng cao của tỉnh Nghĩa Lộ với 11 xã, 8.611 người. Sau 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay, toàn huyện có 12 xã, thị trấn với 5.193 hộ, trên 29.200 người.
Ngày đầu thành lập, Đảng bộ huyện chỉ có 13 chi bộ, 2 tổ Đảng và 127 đảng viên đã tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, phát triển đảng viên, thành lập các chi bộ Đảng ở cơ sở và chú trọng chăm lo công tác bồi dưỡng cán bộ. Đến nay, Đảng bộ huyện có sự lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên. Toàn huyện hiện có 33 chi, Đảng bộ cơ sở với 109 chi bộ trực thuộc, 1.628 đảng viên và 100% thôn, bản có chi bộ Đảng. Hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở được củng cố vững chắc; hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp có chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng bộ, nghị quyết của hội đồng nhân dân, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị đều tăng; các thủ tục hành chính đang từng bước được cải cách.
Song song với công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị. Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục với quyết tâm diệt "giặc đói, giặc dốt". Trải qua 14 kỳ đại hội Đảng bộ, với những chủ trương đúng đắn của các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ, giờ đây, kinh tế của huyện đã có bước phát triển vượt bậc. Cơ sở vật chất được đầu tư, trạm xá, trường học được xây dựng khang trang; đường ô tô đã đến các trung tâm xã, đường xe máy đến tận thôn bản.
Các xã đã có điện lưới quốc gia, nhiều sườn núi được khai hoang thành cánh đồng ruộng bậc thang cấy hai vụ, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đã xóa được nhà dột nát, số hộ nghèo giảm, trẻ em được đi học, một số tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và giữ vững.
Giá trị tăng thêm tăng mạnh qua các năm, năm 2013 đạt 13,92%; cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp, gieo trồng lúa nương, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất cây trồng thấp, đến nay,huyện đã lựa chọn và đưa vào gieo trồng những giống lúa, ngô có năng suất cao. Cùng với thành công của việc khai hoang ruộng nước, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đã tăng lên theo từng năm, đến năm 2013 là 6.495ha.
Sản xuất nông nghiệp từng bước đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là thành công trong việc chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn năng suất thấp sang trồng các giống ngô có năng suất, chất lượng cao, đưa tổng sản lượng lương thực hàng năm tăng vượt bậc. Năm 2013, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt 19.129 tấn. Đã hình thành một số vùng sản xuất ngô tập trung như vùng ngô ở các xã Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Pá Hu, Xà Hồ… Cây ngô đã khẳng định hiệu quả kinh tế là loại cây xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Với vai trò quan trọng của chăn nuôi gia súc, gia cầm không chỉ giúp nhân dân chủ động sức kéo phục vụ sản xuất mà còn là nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, suốt thời gian qua, huyện luôn chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phòng trừ dịch bệnh, giúp chăn nuôi luôn phát triển ổn định. Đặc biệt, chủ trương làm chuồng nuôi nhốt gia súc, trồng cỏ và cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông được Đảng bộ, chính quyền các xã đặc biệt quan tâm.
Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu kiểm tra sản xuất lúa mùa tại xã Hát Lừu.
Từ sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, hiện nay, người dân đã tích cực trồng cỏ, dự trữ rơm khô, làm chuồng trại; các dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được khống chế. Hiện nay, tổng đàn gia súc chính có 23.974 con, tăng 11.078 con so với năm 2003.
Công tác giao rừng, cho thuê rừng được thực hiện tốt đến hộ dân và cộng đồng dân cư. Đến nay, huyện đã giao khoán trên 3.166,8ha cho 249 hộ, 36 cộng đồng dân cư thôn, bản bảo vệ và phát triển; kinh tế lâm nghiệp bước đầu hình thành và phát triển; một số cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế đã được đưa vào sản xuất. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng được thực hiện tốt. Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp huyện Trạm Tấu giai đoạn 2012 - 2015 được triển khai đúng kế hoạch. Tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt 52,9%.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về việc sắp xếp đất nông nghiệp vùng cao, huyện Trạm Tấu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Đến nay, 12/12 xã, thị trấn đã hoàn thành công tác đo đạc, điều chỉnh, sắp xếp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân. Giải quyết vấn đề đất sản xuất nông nghiệp cho người dân, sau 3 năm thực hiện, đến nay, có 279 hộ nhiều đất san sẻ cho 338 hộ thiếu đất sản xuất với tổng diện tích 155,76ha.
Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện từng bước được kiên cố hóa đến các thôn, bản. Đến nay, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm; thôn, bản có đường xe máy. Cơ sở vật chất như nhà làm việc, trường học, trạm xá, bệnh viện trước đây chủ yếu là tranh tre, nứa lá đến nay được xây dựng khang trang. Nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Hệ thống lưới điện quốc gia đến 12/12 xã, thị trấn giúp cho 41/69 thôn, bản có điện lưới và tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới đạt trên 64%.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển tích cực, tập trung vào những thế mạnh của huyện như: thăm dò, khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện vừa và nhỏ, phát triển các ngành nghề truyền thống: mộc dân dụng, rèn, dệt, chế biến chè... Đến nay, huyện có 3 nhà máy thủy điện: Nậm Đông 3, Nậm Đông 4, Hát Lừu đã hoàn thành, đi vào hoạt động và còn có các công trình thủy điện khác đang được triển khai. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp từng bước đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thu cân đối ngân sách của huyện có bước tăng vượt bậc, năm 2013 thu cân đối đạt 13,316 tỷ đồng, tăng 11,672 tỷ đồng so với năm 2003.
Giáo dục - đào tạo được huyện xác định là ưu tiên hàng đầu. Những năm đầu huyện mới thành lập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, các lớp học đều là tranh tre, nứa lá. Nhờ các chính sách đầu tư cho giáo dục cùng các biện pháp triển khai đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của huyện, từ chỗ chỉ có 38 lớp, 594 học sinh học vỡ lòng, 102 học sinh cấp một và 102 cán bộ học bổ túc văn hóa (năm học 1964 - 1965), đến nay, 100% thôn, bản có điểm trường mầm non; 26/64 thôn, bản được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 40,8%.
Năm 2002, huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2007 hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm học 2013 - 2014, toàn huyện có 31 trường với 411 lớp học và 9.597 học sinh các cấp; có 9/12 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; 11/12 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì 5 trường đạt chuẩn quốc gia.
Năm 1964, huyện chỉ có 1 trạm y tế với 10 cán bộ trình độ sơ cấp. Qua 50 năm, mạng lưới y tế đã được quan tâm đầu tư và có sự phát triển mạnh mẽ. Đến nay, các cơ sở khám, chữa bệnh của huyện tương đối khang trang cả về trang thiết bị; 12/12 xã, thị trấn có trạm y tế kiên cố. Số thôn, bản có cán bộ y tế là 52/69, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Văn hóa - xã hội, hoạt động thông tin tuyên truyền không ngừng lớn mạnh. Nội dung tuyên truyền tập trung hướng về cơ sở, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.Các tập quán lạc hậu, không phù hợp với nếp sống văn hóa dần được xóa bỏ. Người dân đã ăn, ở hợp vệ sinh; người chết được cho vào quan tài và chôn trước 48 tiếng; hương ước, quy ước được người dân thực hiện tốt. Đặc biệt, từ năm 2012, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã thực hiện ăn chung một tết Nguyên đán.
Công tác lao động - việc làm và bảo đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đã được Đảng bộ huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng, quyết định trong việc mở hướng thoát nghèo bền vững cho người dân. Huyện luôn chủ động thu hút, lồng ghép mọi nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án hỗ trợ cho nhân dân đồng thời đề ra những chủ trương phù hợp nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững như: hỗ trợ vật tư, kỹ thuật canh tác phục vụ sản xuất, đào tạo và hướng dẫn nghề cho các hộ nghèo, tuyên truyền đến người dân ý thức thoát nghèo...
Vì vậy, hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo đều giảm trên 5%. Công tác đào tạo nghề cho người dân được chú trọng; công tác giải quyết việc làm được thực hiện tốt. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, mỗi năm, Trạm Tấu giải quyết việc làm cho trên 746 người. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 29,5%.
Trải qua 50 năm, lực lượng vũ trang nhân dân đã không ngừng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Với phương châm "Vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm" trong công tác an ninh trật tự, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung lựa chọn địa bàn có nguy cơ tiềm ẩn những vấn đề ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn như: tình trạng di dịch cư tự do; khai thác, buôn bán lâm sản trái phép; trồng cây thuốc phiện; chống cháy rừng và chống truyền đạo trái pháp luật... Vì vậy, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm và giữ vững,không xảy ra “điểm nóng” và các vụ việc phức tạp.
Để tiếp tục phát triển, phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2020 theo Nghị quyết số 30a/NQ-CP của Chính phủ và Đề án Phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2012 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Trạm Tấu quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng, khai thác mọi nguồn lực, tranh thủ mọi sự giúp đỡ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Để làm được điều đó, Đảng bộ huyện đã xác định một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện là: xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ huyện, trong đó trọng tâm là thực hiện tốt 5 Chương trình hành động của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV; có nhiều chủ trương, giải pháp sát, đúng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn diện và bền vững.
Trước hết đó là tập trung chuyển đổi nhanh, mạnh cơ cấu cây trồng và vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người dân; quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, xóa bỏ các tập quán không phù hợp với đời sống văn hóa; bảo đảm quốc phòng - an ninh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
Đảng bộ Trạm Tấu cũng nỗ lực thực hiện tốt Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện xuống cơ sở; xây dựng nền hành chính thực sự trong sạch, vững mạnh, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Vũ Quỳnh Khánh (Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu)
Các tin khác
YBĐT- Cách trung tâm xã Cát Thịnh huyện Văn Chấn (Yên Bái) hơn 5km thế nhưng để đến được Làng Ca phải mất hơn 1 giờ đồng hồ leo núi và cũng có thể đi xe máy song không nhanh hơn so với đi bộ bao nhiêu. Làng Ca tuy chưa phải là thôn xa nhất của xã Cát Thịnh nhưng lại là một trong những thôn người Mông khó khăn nhất.
YBĐT - Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi của cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng chức năng, anh túc - loài cây độc gây nghiện dần bị xóa bỏ trên địa bàn Trạm Tấu (Yên Bái).
YBĐT - Những kết quả đạt được từ các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Đó cũng là động lực để ngành y tế có những bước đi vững chắc trong các năm tiếp theo.
WHO mới đây thông báo, đã có hai loại vaccine chống lại virus Ebola đang được phát triển bởi GlaxoSmithKline và NewLink cho những kết quả tích cực trong giai đoạn đầu thử nghiệm.