Những năm tháng không quên

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/10/2014 | 3:13:42 PM

YBĐT - Một phần tư thế kỷ đã trôi qua với biết bao biến đổi của thời cuộc, của xã hội và của mỗi đời người. Nhưng trong trái tim những người thầy, cô giáo đã và đang giảng dạy ở đây, cái tên THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã là một phần ký ức không thể nào quên với những kỷ niệm đã, đang và sẽ theo họ suốt cả cuộc đời.

Nhà giáo ưu tú Lương Gia Khánh hướng dẫn học sinh
thực hành thí nghiệm.
Nhà giáo ưu tú Lương Gia Khánh hướng dẫn học sinh thực hành thí nghiệm.

Tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo nhà trường

Cố nhà giáo Đoàn Xuân Cánh - nguyên Hiệu trưởng đầu tiên: Năm 2005, khi lâm bệnh trọng, thầy còn canh cánh nỗi niềm dang dở muốn xây dựng nhà trường với cơ sở vật chất khang trang hiện đại, xây dựng đội ngũ giáo viên có chuyên môn cao, cân đối về bộ môn và độ tuổi, đủ về số lượng.

Nhà giáo Lê Trường Sơn - Trưởng phòng Khảo thí Viện Đại học Mở Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng: Mong rằng các thế hệ học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đang học ở giảng đường đại học hay đã giữ một cương vị công tác nhất định trong công cuộc xây dựng đất nước luôn nỗ lực phấn đấu học tập và cống hiến để góp phần làm rạng danh hơn truyền thống Trường THPT chuyên Nguyên Tất Thành tỉnh Yên Bái. Mong rằng mỗi thầy cô giáo trẻ hôm nay say sưa hơn nữa trong trau dồi nghiệp vụ và kiến thức chuyên môn để có nhiều giờ giảng hay. Mỗi thành công ngày hôm nay của thầy và trò là một thông điệp thử thách của ngày mai để vượt lên chính mình vươn tới thành tích cao hơn.

Nhà giáo Nông Thị Bích Hà - Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội (Ban Chỉ đạo Tây Bắc), nguyên Phó hiệu trưởng: Một phần tư thế kỷ đã trôi qua với biết bao biến đổi của thời cuộc, của xã hội và của mỗi đời người. Nhưng trong trái tim tôi, cái tên THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã là một phần ký ức không thể nào quên với những kỷ niệm đã, đang và sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời. Nhớ về mái trường yêu dấu, nơi tôi đã gắn bó trọn vẹn một phần ba đời công tác, nơi mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng bước đường trưởng thành của tôi sau này.

Nhớ về mái trường yêu dấu, nơi tôi không thể nào quên những tháng năm cố gắng, nỗ lực phấn đấu của bản thân mình. Những cố gắng ấy đã tạo động lực tinh thần và nền tảng quan trọng để tôi vững bước trên con đường phía trước và những cương vị công tác đã trải qua… Nhớ về mái trường yêu dấu, càng thêm tự hào vì mình được trưởng thành từ nghề dạy học. Thêm tự hào vì các thế hệ học sinh đã trưởng thành từ mái trường này. Nhiều em là nhà khoa học, kỹ sư, bác sỹ, giáo viên; nhiều em được giữ cương vị công tác quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước; nhiều em là doanh nhân giỏi; nhiều em đã góp phần xây dựng, khẳng định hình ảnh trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế…

Nhà giáo Vũ Thị Kim Châm - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái), nguyên Phó hiệu trưởng: Với các thế hệ học trò tôi đã từng đứng lớp, đã từng chủ nhiệm, tôi yêu các em bằng tình yêu của người mẹ, tình yêu cho chính những đứa con của mình. Với thầy cô, anh chị đồng nghiệp, tôi luôn trân trọng những tấm gương, những bài học mà tôi đã tiếp thu, nhờ đó mà vững bước.

Với các thế hệ giáo viên kế tiếp, tôi trân trọng sự nhiệt tình, sự góp sức của các bạn với nhà trường, sự giúp đỡ của các bạn trong quá trình tôi được giao nhiệm vụ. Tôi mãi mãi trân trọng những tình cảm quý giá mà các thầy, các anh, các chị, các bạn đồng nghiệp, các thế hệ học sinh dành cho mình trong những năm qua. 7 năm đã trôi qua, không còn là giáo viên trong trường, nhưng tôi, vẫn luôn đồng hành, dõi theo từng bước đi của Trường, bởi trong tôi Trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành vẫn là ngôi nhà mà tôi đã và vẫn luôn gắn bó.

Đôi điều tâm sự của các nhà giáo ưu tú

1. Nhà giáo Trần Đình Chiểu

Nhà giáo ưu tú Trần Đình Chiểu có 40 năm tận tụy với nghiệp làm thầy. Khi nói chuyện với thầy về nghề, về những năm tháng làm thầy, thầy không bao giờ nói về mình. Những câu chuyện của thầy chỉ xoay quanh học sinh, thầy nhớ những học trò giỏi giang, thành đạt, thầy nhớ cả những trò nghịch ngợm của thời “nhất quỉ, nhì ma”. Thầy bảo, cũng có lúc tức lắm, song thầy không bao giờ coi đó là hư. Học trò mà… Cho đến bây giờ thầy vẫn ân hận vì có việc, do thầy non nớt mà có những xử lý nóng nảy, vội vàng. Ta cảm nhận được qua những câu chuyện nhỏ là cái tâm lớn của người thầy.

2. Nhà giáo Vũ Ngọc Hà

Thầy luôn quan niệm “trong bạn có thầy, trong trò có bạn”. Vì vậy thầy và trò thường xuyên cộng tác, trao đổi, tranh luận để giải quyết những vấn đề hóc búa. Thầy luôn trăn trở suy nghĩ làm sao thực hiện tốt việc cải tiến phương pháp giảng dạy, thầy chủ đạo, trò chủ động trong hoạt động giáo dục để phát hiện, khai thác và phát huy khả năng tiềm ẩn của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo.

Sống và làm việc trong môi trường thuận lợi như vây, tâm hồn thầy được rộng mở, nhạy cảm và tinh tế hơn, tình yêu nghề yêu đời sâu đậm hơn. Chính điều đó đã khơi nguồn cảm hứng, thôi thúc thầy giãi bày tâm sự qua các trang thơ - một niềm đam mê khác. Những bài thơ thầy tâm đắc nhất là những bài viết về nghề, viết về các em học sinh thân yêu ở mái trường này. Được đọc thơ cho các em nghe, được ngắm nhìn những gương mặt hân hoan ngời sáng, rồi được nghe các em đọc thơ do chính các em viết trong sự đồng điệu về tâm hồn và tình cảm, hỏi còn hạnh phúc nào của người thầy lớn hơn thế nữa!

3. Nhà giáo Nguyễn Thúy Hoàn

Cô cho rằng ngoài dạy văn hóa, người giáo viên phải dạy học sinh biết sống, biết sáng tạo, biết thích nghi để có thể giải quyết những khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập với mọi hoàn cảnh. Đây là một nghề đòi hỏi năng khiếu, mang tính trí tuệ, nghệ thuật và nhân văn. Phương tiện dạy học không phải chỉ có bảng đen phấn trắng, máy chiếu… mà quan trọng nhất chính là nhân cách cao quý và trí tuệ sâu rộng của người thầy.

Ngoài ra, việc có thêm khả năng văn nghệ, thể thao sẽ tạo thuận lợi rất nhiều trong sự nghiệp “trồng người”. Học sinh đã từng hỏi rằng, việc phải dạy đi dạy lại một bài giảng trong suốt hàng chục năm có làm cho cô thấy nhàm chán? Cô trả lời bằng những suy nghĩ đã ấp ủ từ khi mới ra trường: Mỗi lớp, mỗi học sinh là một đối tượng có đặc điểm khác nhau, dù có dạy biết bao lần vẫn chưa thấy hoàn chỉnh. Trong quá trình đó, kiến thức vẫn luôn được hoàn thiện không ngừng. Có khi dạy học suốt hàng chục năm, đến lúc nghỉ hưu mà người giáo viên chưa được bài giảng tâm đắc. Vì thế, dạy học là một nghề sáng tạo và luôn luôn phải sáng tạo, phải học hỏi suốt đời.

4. Nhà giáo Lương Gia Khánh

Dạy học gần 33 năm, trong đó có hơn 20 năm công tác ở trường Chuyên, cô Lương Gia Khánh đã nhận được rất nhiều điều bổ ích, ý nghĩa giúp mình trưởng thành. Học sinh chuyên vốn thông minh, lại ham hiểu biết nên thường xuyên đặt ra những câu hỏi bất ngờ, hóc búa. Do đó, giáo viên dạy chuyên phải tự trang bị kiến thức thật đầy đủ, sâu rộng, không được bằng lòng dừng lại trong sách giáo khoa mà phải cố gắng mở rộng ra bên ngoài.

Khi dạy Hóa, cô rất thích những buổi hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm để rèn luyện khả năng tự học, tự làm. Bởi một trong những niềm vui lớn nhất của cô là được trông thấy các em học sinh với đôi mắt tròn xoe vì ngạc nhiên, thích thú, khâm phục trước bao điều kì diệu của phản ứng Hóa học. Bên cạnh đó, trong việc giáo dục học sinh, người giáo viên phải vừa hiền từ vừa nghiêm khắc. Tấm lòng hiền từ để tạo sự gần gũi, tin cậy, thân thiện, tránh sự xa cách giữa thầy và trò. Tính nghiêm khắc để học sinh biết lắng nghe, vâng lời, tránh sự thoải mái quá đà.

5. Nhà giáo Nguyễn Thị Thủy

Nhà bác học Ác-si-mét (Anchimedes): "Hãy cho tôi một điểm tựa tôi sẽ nâng bổng trái đất lên". Cô Nguyễn Thị Thủy cũng đã tìm được những điểm tựa vững chắc để nâng bước thành công. Điểm tựa ấy trước hết là các thế hệ học trò thông minh, chăm ngoan, say mê học tập và cũng rất tài hoa. Các em đã cho cô niềm vui sống với nghề, đã cùng cô trăn trở tìm tòi và quyết tâm vượt lên. Cô biết ơn và trân trọng sự đóng góp không nhỏ của các em cho sự nghiệp "trồng người" của mình, bởi“Không trò đố thầy làm nên". Điểm tựa ấy còn là một đội ngũ các thầy cô giáo đầy tâm huyết và đầy ý thức trách nhiệm. Các thầy cô đã bên nhau với mỗi trang giáo án, sau mỗi giờ lên lớp, chia sẻ với nhau những vui buồn, lo toan.... Để giờ đây, tuy đã nghỉ hưu nhưng cô vẫn mong nước một điều, đó là: Nếu được đi trở lại, tôi đi lại đường này.

C.T.V

Các tin khác
Đồng chí Hà Đức Hoan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi giao ban.

YBĐT - Ngày 9/10, Sở Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị Giao ban Báo chí quý III/2014.

Theo tính toán, trong chiều nay (9/10), các tàu Cảnh sát biển Việt Nam sẽ đưa tàu Sunrise về tới Phú Quốc, Kiên Giang.

YBĐT – Sáng 9/10, tại Nhà thiếu nhi tỉnh Điện Biên, Báo Điện Biên Phủ đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống (9/10/1964 – 9/10/2014), đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và Kỷ niệm 10 năm xuất bản Báo cuối tuần (10/10/2004 – 10/10/2014).

Lực lượng thanh niên tình nguyện tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.

YBĐT - Hiến pháp là văn kiện đặc biệt quan trọng, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, là cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ mới. Qua 9 tháng, Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành, các cơ quan, địa phương trong tỉnh đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục