Phát huy hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo”

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/10/2014 | 3:24:19 PM

YBĐT - Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xác định rõ tầm quan trọng của công tác dân vận đồng thời triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh trật tự cơ sở.

Cán bộ huyện Mù Cang Chải hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô trên chân ruộng một vụ cho đồng bào Mông ở xã Hồ Bốn.
Cán bộ huyện Mù Cang Chải hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô trên chân ruộng một vụ cho đồng bào Mông ở xã Hồ Bốn.

Là huyện vùng cao của tỉnh, lại nằm trong số 62 huyện nghèo nhất cả nước, có 91% dân số là đồng bào Mông, đời sống người dân khó khăn, kinh tế của huyện Mù Cang Chải chậm phát triển, giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn nặng nề, trình độ dân trí thấp nên công tác vận động quần chúng gặp không ít khó khăn.

Chính vì vậy, các cấp ủy đã tổ chức quán triệt và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên nghiên cứu và tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về công tác dân vận. Huyện ủy chỉ đạo Ban Dân vận phối hợp với các cơ quan xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể vận động quần chúng theo hướng bám sát cơ sở, gần gũi với nhân dân, vận động đồng bào tích cực tham gia các mô hình “Dân vận khéo”.

Công tác dân vận luôn được lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn để tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần đoàn kết, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phong trào “Dân vận khéo” tại các thôn, bản gắn với các phong trào: “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Ba xanh” (xanh rừng, xanh nhà, xanh đồng ruộng)…

Các mô hình “Dân vận khéo” được chọn xây dựng điểm trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ thực tế địa phương, huyện chỉ đạo xây dựng phong trào “Dân vận khéo” gắn với các hộ đồng bào bằng các việc làm cụ thể nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giúp đồng bào biết thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đó là việc vận động nhân dân sản xuất vụ đông xuân ở các xã Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn; hướng dẫn đồng bào học tập các hộ tiêu biểu trong chuyển đổi diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô như ông Vàng Súa Lử ở xã Nậm Có, Chang A Rùa ở Nậm Khắt và ông Vừ A Dờ, Giàng A Khua ở xã Hồ Bốn.

Rồi việc các gia đình tự giác làm chuồng trại xa nhà, biết chống rét và chuẩn bị thức ăn cho chăn nuôi; biết tận dụng phân gia súc chăm bón lúa, ngô, tạo được chuyển biến trong nhận thức của đồng bào vùng cao trong cách làm kinh tế. Ở xã Hồ Bốn, có các hộ ông Giàng A Sinh, Giàng Pàng Tủa nuôi tới 30 con trâu; hộ ông Thào Khua Kỷ ở Púng Luông, Sùng A Chang ở xã Mồ Dề, Giàng A Vàng xã Dế Xu Phình nuôi ong mật.

Trong 5 năm thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, huyện Mù Cang Chải xây dựng được 218 mô hình với 65 mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Có 7 mô hình phát triển kinh tế được huyện hỗ trợ kinh phí hoạt động (20 triệu đồng/mô hình). Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thông qua các dự án hỗ trợ mỗi xã 10 đến 12 mô hình. Qua đánh giá, có 25 mô hình hoạt động tốt và 34 mô hình hoạt động khá.
Phong trào xanh rừng, xanh nhà, xanh đồng ruộng đã tạo ra nhận thức và cách làm mới trong phát triển kinh tế ở nhiều thôn, bản. Đã có nơi, đồng bào góp tiền của, công sức để làm đường, làm cầu treo; tự mở đường vào khu sản xuất; sửa chữa các công trình thủy lợi… Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, có mô hình huy động học sinh ra lớp; vận động các cặp vợ chồng không sinh con thứ ba; xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang, thực hiện nếp sống tiến bộ đã tạo ra chuyển biến trong nhận thức của đồng bào.

Đó là những mô hình như huy động học sinh ra lớp ở bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn; vận động con em đến lớp đúng độ tuổi ở bản Dế Xu Phình B, xã Dế Xu Phình. Thực hiện xây dựng các quy ước, hương ước, nếp sống mới ở thôn, bản lại có điển hình “5 không, 3 sạch” ở bản Dế Xu Phình A, xã Dế Xu Phình hay bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn.

Ở đây, các hộ đã có nhiều cố gắng để làm nhà vệ sinh và nhà tắm; đường trong bản sạch sẽ, đi lại thuận tiện. Lĩnh vực này phải kể đến mô hình vận động các cặp vợ chồng không sinh con thứ ba ở bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn; Câu lạc bộ trẻ không sinh con thứ ba, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống ở bản Khắp Lả, xã Nậm Khắt và một số bản văn hóa khác ở các xã đã góp phần nâng cao chất lượng bản làng văn hóa, gia đình văn hóa so với cách đây 5 năm.

Về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục nhân dân củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực tố giác tội phạm, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, phòng chống các tệ nạn xã hội, không di dịch dân cư tự do…

Các mô hình giữ vững an ninh trật tự ở các bản Trống Gầu Bua - xã Hồ Bốn, bản Háng Tầu Dê - xã Chế Cu Nha hay mô hình vận động nhân dân không nghiện hút, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt là những mô hình tiêu biểu, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể cũng đã ghi nhận sự phát huy vai trò hạt nhân chính trị của các chi bộ. Đảng viên đã gắn bó và thường xuyên vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Các chi bộ phối hợp chặt chẽ với trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng để vận động bà con xóa bỏ các hủ tục; tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, thâm canh tăng vụ, đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng, phòng chống rét và dịch bệnh cho gia súc.

Ở các thôn, bản đã động viên đồng bào cho con cháu đi học, tham gia tu sửa trường lớp, làm đường giao thông; không nghe kẻ xấu xúi giục; thực hiện ăn chung một tết Nguyên đán. Đội ngũ cán bộ cơ sở đã có nhiều cố gắng để nâng cao trình độ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới lề lối làm việc theo hướng sát dân, tận tụy với nhân dân và thực hiện nêu gương tốt, nhờ đó củng cố mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân và niềm tin của đồng bào đối với Đảng, với chính quyền được nâng lên.

Những kết quả của phong trào “Dân vận khéo” ở Mù Cang Chải đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, diện tích sản xuất lúa nước toàn huyện đã tăng thêm 1.015ha so với cách đây 5 năm, riêng sản xuất vụ đông xuân tăng từ 560ha lên 1.205ha năm 2014; năng suất lúa tăng từ 37 tạ/ha lên 43,5 tạ/ha năm 2014.

Trong 5 năm qua, các địa phương của huyện đã chuyển đổi 1.200ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô; phong trào xanh rừng, xanh nhà, xanh đồng ruộng và công tác bảo vệ rừng đã nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 59%; việc trồng rau, củ, quả trong vườn nhà và nương rẫy từng bước tăng diện tích và sản lượng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện phấn đấu giảm còn khoảng 60% vào cuối năm 2014; đời sống tinh thần của đồng bào được cải thiện; tình hình an ninh trật tự được giữ vững.

Các mô hình "Dân vận khéo" được nhân rộng là điều kiện thuận lợi để huyện thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó 2 xã Púng Luông, La Pán Tẩn đạt 6 tiêu chí; xã Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Mồ Dề, Hồ Bốn đạt 4 tiêu chí; số còn lại đều đạt từ 2 đến 3 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn miền núi có những thay đổi rõ rệt, niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng được nâng lên và đó chính là tiền đề thực hiện hiệu quả phong trào "Dân vận khéo" trong những năm tiếp theo.

Minh Quang

Các tin khác

YBĐT - Xã Minh Quán (huyện Trấn Yên) có 1.031 hộ với 3.737 khẩu, tiếp giáp với các xã: Nga Quán, Hòa Cuông, Việt Thành, thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) và các xã Đại Đồng và Tân Hương (huyện Yên Bình). Tình hình tội phạm ma túy ở Minh Quán không có diễn biến phức tạp, không có tụ điểm, không có hiện tượng mua, bán và sử dụng trái phép chất ma túy.

Gia đình chị Đinh Thị Ngữ ở thôn Vực Tuần 2, xã Cát Thịnh nuôi 500 con gà mía Lương Phượng cho hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Mấy năm trở lại đây, giống gà mía Lương Phượng đã làm đổi thay cuộc sống của nhiều hội viên phụ nữ huyện Văn Chấn. Từ 5, 6 xã ban đầu, đến nay, 25/31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham gia Tiểu dự án nuôi gà mía thuộc Dự án PALD do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp thực hiện.

Các em học sinh lớp một, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, TP.HCM trong ngày tựu trường.

Từ 15/10 vừa qua, tại các trường tiểu học trong cả nước sẽ tiến hành thực hiện Thông tư 30 quy định cách đánh giá học sinh tiểu học theo hướng bớt dùng điểm số mà tăng cường nhận xét; chuyển dần từ hướng đánh giá xếp loại nặng về kiểm tra kiến thức sang nhận xét toàn diện tất cả các kỹ năng, phẩm chất và quá trình hình thành các năng lực ấy ở mỗi học sinh.

Cán bộ Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật đến người dân.

Thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, cũng như các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Yên Bái đã tổ chức các phong trào thi đua, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét xử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục