Ebola -cần phòng dịch từ xa
- Cập nhật: Thứ hai, 27/10/2014 | 9:50:18 AM
YBĐT - Virus Ebola xuất hiện trở lại với mức độ lây lan nguy hiểm với tỷ lệ tử vong gia tăng theo cấp số nhân tại một số quốc gia Tây Phi đã khiến cả thế giới “chao đảo”.
Virus Ebola. (Ảnh minh họa)
|
Người dân ở các nước Tây Phi lo lắng, hoảng loạn bởi sự hoành hành của virus Ebola từ tháng 3/2014 đến nay. Người chết nằm rải rác trên các đường phố, con mất cha, chồng mất vợ, những đứa trẻ bơ vơ không người thân… là những hình ảnh thương tâm do virus Ebola gây ra.
Giữa tháng 10, nước Mỹ đã có 2 trường hợp mắc virus này, trong đó có một trường hợp tử vong. Phương Tây nơi có nền khoa học phát triển nhất thế giới cũng đang phải hoảng hốt bởi đại dịch này. Tại Việt Nam, tuy virus Ebola chưa xuất hiện, song công tác phòng chống dịch từ Trung ương đến các địa phương đã được đặc biệt quan tâm và triển khai quyết liệt trong thời gian vừa qua.
Tại Yên Bái, công tác kiểm tra, tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống virus Ebola cũng được cấp ủy, chính quyền triển khai nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân chưa thực sự hiểu về mức độ nguy hiểm của virus Ebola. Nhiều người còn cho rằng Ebola vẫn còn ở tận châu Phi.
Chị Nguyễn Thanh Phương ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái cho biết: “Tôi xem truyền hình, đọc báo thấy bệnh Ebola nguy hiểm và tỷ lệ tử vong rất cao. Ebola là gì và cơ chế lây như thế nào? Tôi cũng chưa rõ lắm”.
Cô Loan ở xã Nga Quán, huyện Trấn Yên lại nói: “Hình như bệnh Ebola giống như sốt xuất huyết? Sao lại lây lan nhanh thế?”. Tại vùng thấp, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, người dân đã phần nào hiểu sự nguy hiểm của virus Ebola. Nhưng đối với vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nhận thức về đại dịch này còn rất “mơ hồ”. Anh Hào ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết: “Tôi cũng nghe mọi người nói về bệnh này nhưng thấy bảo ở tận châu Phi cơ”.
Anh Thao, cũng xã Hát Lừu nói thêm vào: “Xa thế, không vào đến mình đâu, nhà báo nhỉ?”… Những câu hỏi, câu trả lời đó khiến chúng tôi lo lắng. Cả thế giới đang phải gồng mình chống lại virus Ebola nhưng nhiều người vẫn điềm nhiên, phải chăng đợi khi “nước đến chân” mới cần nhảy?
Dịch Ebola từng xảy ra năm 1976 ở Tây Phi, hầu hết các trường hợp được ghi nhận trong vòng bán kính 70 km của làng Yambuku. Tại Công-gô, đã có 318 người bị nhiễm bệnh, trong đó, có 280 trường hợp tử vong. Tại Sudan có 284 trường hợp bị nhiễm, 151 người tử vong. Đối với làng Yambuku, họ đã phải đóng cửa bệnh viện sau khi trận dịch quét qua vì có 11 trong 17 nhân viên y tế đã chết. |
Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: “Ebola là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có nguy cơ lây lan rất nhanh, hiện nay, chưa có thuốc đặc trị tìm và tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên tới trên 90%. Cơ chế lây nhiễm của virus Ebola là lây từ người sang người, qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm vi rút. Người mắc bệnh Ebola thường có các triệu chứng: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng, nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng, chảy máu ngoài da. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng”.
Giáp với tỉnh Lào Cai, nơi có cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, vì vậy, ngành y tế Yên Bái đã yêu cầu các ban, ngành, các địa phương, đặc biệt tại vùng giáp ranh, cần có các phương án dự phòng, phối hợp với đơn vị quản lý xuất nhập cảnh, giám sát những người đi du lịch, lao động hợp tác từ vùng dịch trở về, khách du lịch từ vùng có dịch đến địa phương; lập kế hoạch tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát và phác đồ điều trị, phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện và cộng đồng; chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị hiện có để sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị những trường hợp mắc bệnh; đội cơ động chống dịch sẵn sàng triển khai các hoạt động chống dịch khi có tình huống xảy ra; công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách phòng bệnh cho người dân, khai báo kịp thời những trường hợp nghi ngờ, đặc biệt, theo dõi những người mới đi từ vùng dịch ở Tây Phi về.
Trước diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh Ebola, công tác dự phòng và truyền thông cần được đặc biệt quan tâm, triển khai sâu rộng. Mặc dù Ebola chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về dịch bệnh này, chủ động phòng Ebola từ xa, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Ngọc Sơn
Các tin khác
Ngày 26/10, tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức lễ phát động cuộc thi đua cao điểm hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VII và khởi động chương trình “Tình nguyện mùa Đông 2014,” “Xuân tình nguyện 2015” với chủ đề “Tuổi trẻ chung tay vì an sinh xã hội."
Ngày 25/10, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động hưởng ứng mục tiêu 90- 90-90, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS ở Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ và nguồn nhân lực có tay nghề cao tại các cơ sở dạy nghề trong Quân đội đến năm 2020".
Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, đến thời điểm này đã có 328 trường Đại học, cao đẳng, học viện, nộp phương án tuyển sinh 2015 về Bộ. Trong đó, đã xuất hiện nhiều khối xét tuyển mới, lạ mà nhiều trường đưa ra.