Gieo chữ trên Xéo Dì Hồ
- Cập nhật: Thứ hai, 3/11/2014 | 2:34:40 PM
YBĐT - Những năm gần đây, được sự quan tâm Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), cái ăn, cái mặc cho người dân đã đỡ phần nào nhưng cái chữ thì không phải "ngày một, ngày hai" có thể giải quyết được. Vì vậy, Trường Tiểu học Xéo Dì Hồ được thành lập, làm nhiệm vụ “gieo chữ” cho mảnh đất khó khăn này.
Một tiết học của các em học sinh lớp 1 Trường tiểu học Xéo Dì Hồ.
|
Ngược Mù Cang Chải, tôi lên với đỉnh Xéo Dì Hồ ở xã Lao Chải của vùng cao này để được tận mắt thấy những khó khăn, vất vả và những tâm huyết của các thầy cô giáo gieo con chữ trên non.
Con đường tắt lên đỉnh Xéo Dì Hồ chỉ nhỉnh hơn bàn tay, lại ngoằn ngoèo, lổn nhổn đá sắc, ngồi sau xe máy lúc nào tôi cũng thấy “đứng tim” bởi bên là núi, bên là vực sâu thẳm. Các thầy cô ở đây chia sẻ, trời nắng còn đi được xe máy thế này chứ mưa thì đi bộ cả ngày mới tới trường, hoặc nếu có muốn đi xe thì phải quấn xích vào lốp mà cũng vừa đi vừa trượt ngã.
Mới sang thu, trên đỉnh Xéo Dì Hồ đã lạnh như đang đông. Những cơn gió lạnh và khô thổi tới khiến da ai cũng khô và nứt nẻ. Đây là nơi sinh sống của vài bản người Mông. Trước đây, cuộc sống của đồng bào vô cùng khó khăn, lạc hậu. Những năm gần đây, được sự quan tâm Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, cái ăn, cái mặc cho người dân đã đỡ phần nào nhưng cái chữ thì không phải "ngày một, ngày hai" có thể giải quyết được. Vì vậy, Trường Tiểu học Xéo Dì Hồ được thành lập, làm nhiệm vụ “gieo chữ” cho mảnh đất khó khăn này. Được hỗ trợ từ một số chương trình của Chính phủ và sự giúp đỡ của một số bộ, ngành, doanh nghiệp, ngôi trường nay đã khang trang hơn, đã có một số phòng học và một dãy nhà tập thể bằng gỗ cho các thầy, cô và học sinh ở.
Thầy Bùi Công Nguyên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện, trường có 7 lớp mầm non với 157 cháu, 21 lớp tiểu học 458 cháu, trong đó, mầm non có ở 5 điểm trường lẻ ở 5 bản là: Háng Đề Sủa 1 lớp, Hồ Nhì Pá 3 lớp, Cù Dì Séng 2 lớp, Xéo Dì Hồ 3 lớp. Toàn trường có 38 giáo viên:8 giáo viên mầm non và 30 giáo viên tiểu học”.
Thăm một số lớp học bán trú, thấy mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các em được học hành và nuôi dưỡng khá chu đáo. Ban ngày các em lên lớp học, buổi chiều tự học tại phòng của mình, còn buổi tối lại tập trung học bài trên lớp. Các thầy, cô lên lớp để tranh thủ giảng bài cho những em nào còn chưa hiểu.
Nhìn sự tận tình của thầy, cô dạy học và ngoài giờ còn giúp chuẩn bị bữa ăn cho các em hay giúp đỡ các em trong cuộc sống xa gia đình, tôi càng cảm phục ý chí và nghị lực của những “kỹ sư tâm hồn” vùng cao. Cuộc sống ở đây thiếu thốn đủ bề. Cần thứ gì cũng không có vì đường sá đi lại khó khăn. Muốn mua sắm cái gì cũng phải để cuối tuần xuống chợ. Ngay cả đến sóng điện thoại cũng không, muốn gọi điện phải xuống núi chừng 2-3km nữa. Nước sinh hoạt thiếu. Các thầy cô phải đi tìm nguồn nước trong núi, sau đó bắc lần về cho thầy trò cùng dùng nhưng nhiều lúc cũng không đủ. Có khi nước chỉ để nấu ăn, còn tắm giặt, toàn bộ giáo viên, học sinh phải đi nhờ các hộ dân trong bản.
Gần 40 giáo viên, mỗi người một hoàn cảnh, trong đó, chỉ một số ít là người dân tộc Mông địa phương, còn lại đều là các thầy, cô giáo từ dưới xuôi lên đây công tác. Để có thể “trụ” lại nơi rẻo cao và mang con chữ đến với các em, các thầy, cô phải vượt qua rất nhiều khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần. Có người xa vợ, người xa chồng, có người phải mang theo cả con cái lên ở cùng. Đặc biệt, có người đã cống hiến cả tuổi xuân.
Điểm trường lẻ đơn sơ Hồ Nhì Pá, Trường tiểu học Xéo Dì Hồ.
Ngoài 30 tuổi, cô Nguyễn Thị Qua quê tận Hưng Yên đã gắn bó với điểm trường lẻ Háng Đề Sủa 5 năm.Những ngày đầu lên đây chưa hiểu tiếng nói cũng như phong tục tập quán của người dân, lại ở căn nhà trống tuềnh, trống toàng, không bóng người nào vừa buồn vừa sợ nên nhiều khi cô đã muốn bỏ về. Sau một thời gian dạy các em, tình cảm cô trò đã gắn bó, vốn tiếng Mông cũng đã ngấm vào cô tự lúc nào. Giờ, cô có thể nói chuyện, động viên được những cháu mới đến trường mà chưa hiểu tiếng phổ thông, giúp các cháu học tiếng Việt nhanh hơn. Khi hỏi về đời tư, cô cười buồn: "Chưa có gì chị ạ. Cắm bản lâu năm rồi, có khi ế mất thôi".
Cũng như cô Qua, cô Hà Thị Mai Hiên ở điểm trường lẻ Cù Dì Séng, quê Hưng Khánh (Trấn Yên) đã hơn 35 tuổi mà vẫn đơn chiếc. Tâm sự về chuyện riêng của mình, cô kể: “Chúng em trên này ngày dạy học, còn buổi tối soạn bài và trò chuyện với 6 người cùng ở lại đây. Bốn bên là rừng núi thế này thì đi đâu được mà cũng có ai đến được với mình, thành thử bao nhiêu năm em vẫn một mình như thế”.
Vượt qua những khăn đó, dù điểm trường xa nhất là ở bản Cáng Rông phải đi mất hơn tiếng đồng hồ mới tới nhưng nhà trường vẫn tổ chức họp giao ban hàng tháng và sinh hoạt chuyên môn để triển khai kịp thời nhiệm vụ trọng tâm của từng tháng học, kì học và thực hiện tốt việc huy động học sinh ra lớp. Để hoàn thành nhiệm vụ dạy và học, ngay từ đầu năm học mới, nhà trường đã tiến hành kiểm tra khảo sát chất lượng học sinh, bàn giao cho giáo viên chủ nhiệm, để các giáo viên triển khai kịp thời và có kế hoạch kèm cặp những học sinh yếu kém. Ban giám hiệu thường xuyên thăm lớp, rút kinh nghiệm từng tiết dạy để giáo viên nâng cao tay nghề và bảo đảm đúng chương trình sách giáo khoa phổ thông.
Ở vùng cao, việc vận động các gia đình cho con em đi học rất khó khăn do nhiều trường hợp gia đình không có lao động để đi làm nương, đi chăn trâu hay trông em giúp mẹ mà các em không được đến lớp. Các thầy cô giáo phải tìm đến tận nhà, vận động và phân tích cho gia đình hiểu tầm quan trọng của việc học đối với tương lai con cái sau này. Có khi thầy cô phải nhiều lần vận động, phân tích, động viên các em bằng cách hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo... đồng thời tham gia vào các buổi sinh hoạt của bản để đả “thông” tư tưởng cho phụ huynh hiểu được tầm quan trọng và quyền được đi học của các em.
Từ những cố gắng đó, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường gần như tuyệt đối; chất lượng dạy và học của Trường tiểu học Xéo Dì Hồ ngày càng được nâng lên. Toàn trường có 38 giáo viên thì có 22 giáo viên xếp loại khá, giỏi; 16 giáo viên trung bình, không có giáo viên yếu kém. Tỉ lệ học sinh học lực khá, giỏi 21,7%; học lực trung bình 78,3%; không có học sinh yếu. So với cùng thời điểm của năm học trước, tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng 13,5%; học sinh trung bình giảm 1,3 %; học sinh yếu giảm 100%.
Chứng kiến những khó khăn, vất vả và những cố gắng của giáo viên để các em nhỏ được đến trường mới thấy hết được sự cao quý của nghề giáo, mới cảm thông sâu sắc cuộc sống của người vùng cao. Chia tay các thầy cô giáo Xéo Dì Hồ, tôi tin, từ những đứa trẻ được học hành hôm nay đây, ít thời gian nữa thôi, sẽ có một thế hệ người vùng cao có tri thức để tự thay đổi cuộc sống ở nơi vốn khó khăn này.
Minh Huyền
Các tin khác
YBĐT - Vào đầu tháng 11/2014, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Yên Bái sẽ ra mắt Văn phòng Tư vấn pháp luật (TVPL), phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Vương Văn Bằng ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh về vai trò, chức năng và hình thức hoạt động của Văn phòng TVPL thuộc LĐLĐ tỉnh.
YBĐT - Những năm qua, Ban Công an xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gắn với công tác phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm.
YBĐT - Ngày 2/11, tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái tổ chức Lễ khai mạc Hội giao lưu Sư phạm các trường đại học, cao đẳng cụm Trung Bắc lần thứ X năm 2014 với chủ đề “Học sinh, sinh viên Trung Bắc chủ động, tích cực trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
YBĐT - Sáng 1/11, tại huyện Văn Chấn, Tổ chức Cứu trợ trẻ em và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đồng tổ chức sự kiện Ngày hội Tiếng mẹ đẻ, tọa đàm chính sách vai trò tiếng mẹ đẻ trong giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số.