Chính sách dân tộc - “bà đỡ” của đồng bào thiểu số
- Cập nhật: Thứ tư, 5/11/2014 | 2:54:01 PM
YBĐT - Làng Lao, xã Cát Thịnh là thôn xa nhất của huyện Văn Chấn. Nhắc đến Làng Lao là nhắc đến những con đường nhỏ hun hút chỉ có thể đi bộ, là nhắc tới ngôi làng ở xa tít nơi đỉnh núi cao, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, tập tục lạc hậu và gần như bị cô lập vào mùa mưa... Nhưng ấy là chuyện của nhiều năm về trước.
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ở huyện Văn Chấn ngày càng được nâng lên. (Ảnh: Đồng bào tham gia thi đấu thể thao truyền thống).
|
Làng Lao giờ đã khác, gần hơn, đời sống của người dân đã được nâng lên rất nhiều từ khi được "hạ sơn" theo Quyết định 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 966/QĐ-UBND ngày 3/7/2009 của UBND tỉnh Yên Bái. Những hộ dân nghèo Làng Lao đã định canh, định cư tập trung ở bản mới Táng Khờ 1 cũng từ năm 2009.
Công trình cung cấp nước thiết kế theo quy mô cấp IV, cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 60 hộ tại bản Táng Khờ 1; công trình thủy lợi cấp IV năng lực tưới cho 22ha ruộng khai hoang mới; hỗ trợ làm nhà ở, điện sinh hoạt, mua lương thực... là những điều kiện thiết yếu nhất để định canh định cư cho người dân Làng Lao. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ cán bộ phát triển cộng đồng, hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho những hộ dân khi chuyển tới bản mới. Anh Giàng A Dê – người dân Làng Lao cho biết: "Về bản mới được Nhà nước hỗ trợ nhiều lắm, từ đất sản xuất đến cây giống. Bọn trẻ đi học cũng gần hơn. Cả bản ai cũng vui lắm".
Ở Văn Chấn, không chỉ có Làng Lao được hạ sơn theo Quyết định 33 mà còn có hơn 70 hộ dân của bản Chiềng Pằn 1, xã Gia Hội cũng đã được hạ sơn. Đến nay, đời sống của nhân dân 2 bản hạ sơn này đã ổn định, người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế nhiều hơn, học sinh được đến trường... Từ năm 2010 đến nay, Văn Chấn thực hiện tái định cư cho 93 hộ dân với 519 nhân khẩu. Ngoài hai điểm định canh, định cư tập trung ở bản Táng Khờ 1, xã Cát Thịnh và thôn Chiềng Pằng 1, xã Gia Hội còn thực hiện 5 điểm định canh, định cư xen ghép. Đời sống của người dân tại nơi ở mới đều được nâng lên rõ rệt.
Trong những năm qua, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai cho vùng đồng bào dân tộc huyện Văn Chấn, trong đó chủ yếu đầu tư phát triển cho các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), nâng cao năng lực cho cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS). Thực hiện theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/11/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, đến nay, Văn Chấn là huyện có tỷ lệ cán bộ là người DTTS cao trong tỉnh. Huyện luôn quan tâm bố trí cử cán bộ là người DTTS tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thời điểm này đã quy hoạch 315/663 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, chiếm 47,6% tổng số cán bộ được quy hoạch. Những cán bộ là người DTTS được đánh giá có năng lực, nhiệt tình trong công việc, dễ dàng trong triển khai các nhiệm vụ tại địa phương.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong những năm qua đã tạo bước đột phá làm thay đổi đời sống của người dân vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Từ năm 2010, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Yên Bái, Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện đã trực tiếp triển khai hỗ trợ giống cho các hộ nghèo vùng khó khăn.
Từ năm 2011 - 2013, Phòng Dân tộc huyện trực tiếp triển khai hỗ trợ giống và tiền mặt cho các hộ nghèo vùng khó khăn với gần 40 nghìn lượt hộ được hỗ trợ giống lúa, ngô giống và tiền mặt, tổng trị giá trên 16 tỷ đồng. Qua đó, đời sống của người dân được thụ hưởng vơi bớt khó khăn, khuyến khích đồng bào tích cực lao động sản xuất, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.
Mặt khác, Nhà nước cũng quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn bản ĐBKK, vùng đồng bào DTTS. Chương trình 135 thực hiện tại huyện Văn Chấn được triển khai ở 14 xã ĐBKK và 35 thôn, bản ĐBKK xã vùng 2. Trong giai đoạn 2011 - 2013, huyện được giao tổng vốn kế hoạch là 62 tỷ 835 triệu đồng. Với nguồn vốn này, huyện đã xây dựng 54 công trình giao thông, 12 công trình thủy lợi, 6 nhà sinh hoạt cộng đồng, duy tu bảo dưỡng 6 công trình sau đầu tư phục vụ đời sống, sản xuất của đồng bào vùng cao, vùng đồng bào DTTS.
Ngoài ra, việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia như: chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Dự án giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án Chia sẻ, chương trình kiên cố hóa trường học, cứng hóa kênh mương nội đồng và đường giao thông nông thôn, nước sạch, vệ sinh môi trường, dự án di dân, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc ĐBKK... đã được huyện chỉ đạo triển khai có hiệu quả, giúp đồng bào các DTTS định canh định cư, yên tâm sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Đến nay, các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã vùng cao ĐBKK đã đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng cao.
Nhờ nhiều chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn huyện, đời sống của đồng bào có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế phát triển khá, cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày càng được tăng cường, sự nghiệp giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2011 là 38,97% đã giảm xuống còn 30,79% năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người từ 10,85 triệu đồng năm 2011 đã tăng lên 16 triệu đồng/người năm 2013.
Anh Sa Viết Thuyền - Phó bí thư Đoàn xã Sơn Lương chia sẻ: "Những chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS đã làm thay đổi rõ rệt đời sống của người dân. Đặc biệt, những thanh niên người DTTS đã đón nhận sự hỗ trợ đó để phát triển kinh tế, nhiều thanh niên ở xã giờ đã vươn lên làm giàu chính đáng và giúp đỡ được nhiều người khác cùng phát triển".
Những chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh hướng về đồng bào DTTS đã làm thay đổi cuộc sống, tạo nền tảng xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bàn dân tôc thiểu số huyện Văn Chấn.
Minh Tư
Các tin khác
YBĐT - Với đặc thù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thời gian qua, vùng Tây Bắc đã được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm và có nhiều chính sách đầu tư, ưu đãi. Bởi vậy nên đến nay, đời sống kinh tế - xã hội trong vùng đã có nhiều khởi sắc.
YBĐT - Công tác dân vận vừa là chức năng, nhiệm vụ vừa là yêu cầu thực tế đối với lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) trong giai đoạn cách mạng trước đây, cũng như trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong đó, vai trò của DQTV tại vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn có vị trí rất quan trọng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã gội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, nhiều cơ quan báo chí đã vô tình tiếp tay cho sự lộng hành của những kẻ giả danh nhà báo…
Từ ngày mai, đợt không khí lạnh tăng cường kết hợp với hội tụ gió trên cao sẽ gây mưa ở miền Bắc. Cơ quan khí tượng cảnh báo khả năng xuất hiện lũ bất thường trên các sông suối ở vùng núi và trung du phía Bắc.