15 năm dạy chữ, rèn người
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/11/2014 | 2:54:01 PM
YBĐT - Sau ngày huyện Văn Chấn chuyển về địa điểm mới, do yêu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc khu vực trung tâm huyện lỵ và các xã vùng lân cận, được sự nhất trí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định thành lập Trường THPT Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn).
Hiệu trưởng Trường THPT Sơn ThịnhGiờ học của học sinh Trường THPT Sơn Thịnh.
(Ảnh: Đoàn Thanh Hà)
|
Từ năm 1999, trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, ngôi trường THPT non trẻ ngày nào đã vượt nhiều khó khăn, đạt được những thành tích cao trong hoạt động giáo dục, đóng góp vào sự vào sự nghiệp “trồng người”.
Buổi đầu thành lập, Trường THPT Sơn Thịnh chỉ có 3 lớp với 120 học sinh; lớp học là 3 phòng học nhờ của Trường THCS Sơn Thịnh. 2 năm đầu, nhà trường có 4 đảng viên và chưa có chi bộ độc lập, phải sinh hoạt ghép với chi bộ Trường Bồi dưỡng giáo dục (nay là Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên) huyện Văn Chấn. Nhà trường cũng đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học; chất lượng tuyển sinh liên tục nhiều năm vào hàng thấp nhất của tỉnh… Tuy vậy, ngay sau ngày thành lập, vượt lên những vất vả, thiếu thốn ban đầu, với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao, tập thể các thầy cô giáo, học sinh đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch đề ra. Cuối năm học 1999 - 2000, Trường đã đạt danh hiệu "Trường tiên tiến" được Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng.
Hẳn thế hệ thầy và trò những năm đầu thành lập còn nhớ mãi chuyện sau ngày mở trường và tuyển sinh đủ 3 lớp 10, thầy và trò phải tập trung lao động để mở đường vào trường, san gạt mặt bằng cho kịp ngày khai giảng. Thầy Tiến, thầy Long, anh Đăng - nhân viên bảo vệ vào tận nhà dân để mua tre về làm cột cờ và cổng trường. Buổi học đầu tiên là giờ chào cờ tuy đơn sơ nhưng trang nghiêm và xúc động lắm! Điều đáng quý là nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành, trong đó ngay sau khi thành lập, công trình phòng học đã được đầu tư.
Từ năm học thứ 3, khu nhà Ban Giám hiệu, các phòng chức năng được khánh thành để Trường THPT Sơn Thịnh hoàn thiện toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Khỏi phải nói niềm vui của học sinh, các thầy cô giáo khi được giảng dạy, học tập tại nơi học mới như thế nào. Nhân dân trong vùng cũng phấn khởi trước sự quan tâm của Nhà nước để con em họ được đào tạo trong môi trường sư phạm "trường ra trường, lớp ra lớp" với 12 phòng học, 1 phòng thiết bị, thí nghiệm và phòng thư viện với hàng nghìn đầu sách các loại, là kho tàng kiến thức phong phú để giáo viên nghiên cứu, tham khảo, học sinh học tập, 2 phòng máy vi tính với trên 50 máy trong một khuôn viên xanh, sạch, đẹp đáp ứng các yêu cầu giáo dục.
Đầu năm học 2004 - 2005, nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Văn Chấn tin tưởng giao cho nhiệm vụ mở phân hiệu tại xã Nậm Búng. Ngày khai giảng tại Phân hiệu thực sự là ngày hội của các em học sinh và đồng bào các dân tộc vùng thượng huyện. Tại buổi lễ, các thầy, các cô rất vui mừng và phấn khởi nhưng xác định đó cũng là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, một thử thách của tinh thần quyết tâm vượt khó của những người làm công tác quản lý và đội ngũ giáo viên nhà trường. Bởi phân hiệu đặt tại xã Nậm Búng - một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện, cách cơ sở chính trên 40km, đội ngũ giáo viên lại thiếu, rất khó khăn cho công tác điều hành.
Tại Phân hiệu, tỷ lệ học sinh hàng năm trên 80% là con em đồng bào dân tộc thiểu số với đời sống rất khó khăn. Cuộc sống của đồng bào nơi đây chủ yếu dựa vào nương rẫy, nhiều hộ đói nghèo, phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp thì việc tuyển sinh cho đủ số lượng là rất khó khăn. Nhiều năm liên tục Phân hiệu không tuyển sinh đủ số lượng và luôn giữ ở 6 lớp/3 khối. Từ năm học 2012 - 2013, được sự quan tâm của các lãnh đạo huyện Văn Chấn, cùng các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm, nhà trường đã vận động quyên góp và xây được nhà nội trú cho các em, cùng nhà ăn, các công trình công cộng, góp phần giải quyết khó khăn và thu hút các em đến trường.
2 năm qua, số lượng học sinh tại Phân hiệu đã tăng đáng kể (hiện có 8 lớp với 280 học sinh). Ban Giám hiệu nhà trường tích cực động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, quan tâm giải quyết đầy đủ chế độ chính sách cho các thầy, cô. Hàng năm, nhà trường cử các thầy cô tăng cường cho Phân hiệu hoặc lên dự giờ, góp ý, giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ. Rất nhiều thầy, cô phải tham gia giảng dạy tại 2 cơ sở, hàng tuần thường xuyên đi, về gần trăm cây số trong mấy năm trời như thầy Trần Văn Huấn, thầy Hà Xuân Trí, thầy Nguyễn Văn Cường...
Các thầy đã quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà không chút đòi hỏi về quyền lợi. Để duy trì số lượng, các thầy cô tại phân hiệu nói riêng, giáo viên nhà trường nói chung đã thường xuyên quan tâm học sinh, không quản thời tiết, đường sá, đến từng nhà các em để tìm hiểu hoàn cảnh và cùng phụ huynh động viên các em tới trường, tới lớp; tổ chức các hoạt động tập thể để thu hút các em. Đến nay, Phân hiệu đã 10 năm đi vào hoạt động ổn định, có 7 khoá học sinh tốt nghiệp, hàng chục em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, được nhân dân tin yêu, chính quyền ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để ổn định và phát triển.
Năm học 2014 - 2015, toàn trường chỉ còn 23 lớp với 800 học sinh (giảm so với một số năm trước do vấn đề dân số và phân luồng trong giáo dục). Số cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện là 60 người, có đến 1/2 số giáo viên trẻ về tuổi đời và tuổi nghề, kinh nghiệm giảng dạy thiếu, cần có sự chăm lo bồi dưỡng ngay từ những ngày đầu. Vì thế nhà trường lại càng coi trọng công tác bồi dưỡng giáo viên bằng nhiều hình thức khác nhau như tham gia các đợt tập huấn do cấp trên tổ chức nhưng đặc biệt coi trọng hình thức bồi dưỡng tại chỗ.
Thông qua dự giờ, cải tiến công tác soạn giảng, sinh hoạt tổ chuyên môn, áp dụng các hình thức tổ chức giảng dạy mới, tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học và phương tiện công nghệ thông tin... đã giúp đội ngũ dần trưởng thành về chuyên môn, nghiệp vụ. Hoạt động hội giảng hàng năm tiến hành đều đặn.
Qua mỗi kỳ hội giảng đã phát hiện và bồi dưỡng được nhiều giáo viên có năng lực chuyên môn tốt làm nòng cốt trong hoạt động mũi nhọn của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Có thể nói, nhà trường là một trong những điểm sáng trong việc khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu để nâng cao chất lượng giáo dục...
Ngoài hoạt động chuyên môn, công tác Đảng và các hoạt động khác cũng rất được nhà trường chú trọng. Buổi đầu thành lập, cả trường chỉ có 4 đảng viên. Chi ủy, Chi bộ nhận thức rõ nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển đội ngũ đảng viên là then chốt, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, để đoàn viên công đoàn, Đoàn thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên cộng sản. Đến nay, Chi bộ nhà trường đã có tới 20 đảng viên (15 năm qua đã kết nạp được 20 đảng viên mới). Chi bộ Đảng nhà trường nhiều năm liền đạt danh hiệu "Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh" và "Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu".
Từ phong trào thi đua "Hai tốt", nhà trường liên tục được công nhận "Tập thể lao động tiên tiến", "Tập thể lao động xuất sắc", đã được tặng nhiều giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo, bằng khen của UBND tỉnh, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Công đoàn Giáo dục Việt Nam…; hàng chục giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở; đã có 41 lượt học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và 5 em đạt giải cấp quốc gia; trong số đó có tới 7 giải Nhì; ba giải Ba cấp tỉnh.
Đặc biệt, trong 2 năm học vừa qua, nhà trường là một trong số ít trường của tỉnh có số lượng học sinh đạt nhiều giải và giải cao (năm học 2013- 2014 có 13 giải tỉnh và 2 giải quốc gia, năm học 2014 - 2015 có 11 giải cấp tỉnh). Có 4 lượt học sinh đạt giải trong các cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, được Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng bằng khen, 3 học sinh đạt giải sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh khối THPT.
Nhà trường không có học sinh cá biệt, học sinh xếp loại hạnh kiểm khá tốt thường xuyên đạt trên 95%. Chất lượng văn hóa được đánh giá thực chất, tỷ lệ học sinh khá, giỏi thường xuyên chiếm trên 25%, học sinh lên lớp duy trì ở mức 98%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp bình quân trong 15 năm qua đạt trên 90%. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm luôn tăng. Nhiều năm liền nhà trường đứng trong nhóm 8 trường có học sinh đỗ cao đẳng, đại học cao nhất tỉnh.
15 năm nhà trường đã qua 13 khóa học với 2.600 học sinh tốt nghiệp THPT. Từ ngôi trường này đã có hàng nghìn học sinh trưởng thành, đi khắp mọi miền của Tổ quốc tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường có nhiều người đã trưởng thành, giữ vị trí chủ chốt ở một số cơ quan của tỉnh, huyện. Nhiều học sinh đã đạt được học vị thạc sĩ, cử nhân đại học, kỹ sư... ngày đêm tận tụy lao động với bà con nông dân các dân tộc xây dựng quê hương đổi mới. Các thế hệ giáo viên hoàn toàn tin tưởng rằng dù làm gì, ở cương vị nào, các em học sinh vẫn luôn hướng về mái trường với niềm tin yêu, sự biết ơn và lòng kính trọng. Các em đã và đang làm rạng danh mái trường yêu dấu của mình. Đó cũng chính là sự tri ân của các em với các thầy cô...
Mười lăm năm chưa phải là dài đối với lịch sử của một mái trường, song với sự nỗ lực vượt khó vươn lên, nhà trường thực sự chiếm được niềm tin yêu của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương. Những thành tích đã đạt được thật xứng đáng để thầy và trò nhà trường tự hào về những gì mình đã làm được, từ đó xác định rõ hơn trách nhiệm để không ngừng phấn đấu xây dựng nhà trường phát triển và lớn mạnh nhiều hơn nữa. Thành tích 15 năm xây dựng và phát triển của nhà trường là cơ sở vững chắc, tạo đà vững bước trên những chặng đường mới.
Vương Văn Hoa
Các tin khác
YBĐT - Những năm gần đây, vào dịp trung tuần tháng 11, các khu dân cư (KDC) trong tỉnh lại tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở KDC, kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cùng nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, các hộ nghèo thật ý nghĩa.
YBĐT - Xác định rõ tầm quan trọng đó của việc dạy học mầm non, chính là viên gạch đầu tiên xây cho nền móng trí tuệ và nhân cách cho trẻ... đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Lê Quý Đôn (thành phố Yên Bái) luôn nỗ lực trau dồi tư cách đạo đức và trình độ chuyên môn, bảo đảm dạy tốt, học tốt, xứng đáng là những người mẹ hiền thứ hai của trẻ.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay, ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên chủ trì viết sách giáo khoa? Cơ chế xã hội hóa sách giáo khoa thế nào để đảm bảo công bằng? Đó là câu hỏi đặt ra của nhiều chuyên gia giáo dục tại “Diễn đàn Một chương trình, nhiều bộ SGK trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: thời cơ, thách thức và những giải pháp thực tiễn.” ngày 6/11, tại Hà Nội.