Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cập nhật: Thứ ba, 16/6/2015 | 2:19:57 PM
YênBái - YBĐT - Trên tinh thần chỉ đạo của Ủy ban quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm về việc triển khai Tháng cao điểm chiến dịch Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015, phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với Bác sỹ chuyên khoa II Phan Duy Tiêu - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái xung quanh vấn đề này.
Cán bộ y tế thị xã Nghĩa Lộ tuyên truyền phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
|
PV: Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã làm tốt công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nên tỷ lệ trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ giảm đáng kể. Vậy, xin ông cho biết biện phá thực hiện? Kết quả nổi bật của năm 2014?
Bác sỹ Phan Duy Tiêu: Có thể nói, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Yên Bái những năm qua đã đạt được kết quả nhất định. Nhờ vậy, phụ nữ mang thai nhiễm HIV hầu hết được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Cụ thể, hệ thống dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tỉnh, huyện, xã, phường, được củng cố dựa vào hệ thống y tế sẵn có, dịch vụ dự phòng được cung cấp 100% tại các bệnh viện. Tất cả cán bộ làm công tác dự phòng được đào tạo kiến thức bài bản và sự chỉ đạo nhất quán về chuyên môn đối với chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Cung cấp dịch vụ toàn diện về chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tư vấn, xét nghiệm HIV, dự phòng bằng thuốc ARV...). Có nghĩa là, một phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ được theo dõi, quản lý, chăm sóc từ khi mang thai cho đến khi chuyển dạ và sau sinh. Công tác truyền thông, quảng bá dịch vụ dự phòng, được tăng cường qua nhiều kênh thông tin, truyền thông trực tiếp (thảo luận, tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân…). Hàng năm, tổ chức và phát động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tại 100% xã, phường và huyện, thị.
Với nhiều giải pháp, hoạt động được triển khai nên gần đây, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV có kết quả dương tính đang có xu hướng giảm dần từ năm 2011 đến nay. Cụ thể, năm 2011, tỷ lệ này là 0,32%, năm 2012 là 0,24%, năm 2013 là 0,12% và riêng năm 2014, đã tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV cho trên 9.600 phụ nữ mang thai với tỷ lệ dương tính là 0,083%. Trong đó, có 18 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng đã sinh con và tỷ lệ HIV dương tính trong số 18 trẻ sinh ra là 0,055%, tương đương 1 trẻ nhiễm. Nếu không điều trị dự phòng lây truyền mẹ con, thì tỷ lệ trẻ nhiễm sẽ chiếm 30 - 40%, nghĩa là sẽ có 5 - 7 trẻ nhiễm HIV.
(Ảnh: minh họa)
PV: Xin ông cho biết, những thuận lợi trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và những khó khăn còn gặp phải?
Bác sỹ Phan Duy Tiêu: Trước hết, phải khẳng định lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm vấn đề này. Hơn thế, sự phối hợp của các ban, ngành liên quan, địa phương trong triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ con được đẩy mạnh. Ngoài ra, hệ thống dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con của tỉnh được lồng ghép vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại địa phương nên thuận lợi cho công tác chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện.
Sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, kinh phí triển khai hoạt động từ một số dự án quốc tế như: Dự án SC (Dự phòng lây nhiễm HIV cho bà mẹ, trẻ em), Dự án Quỹ toàn cầu và Dự án CHAI (Sáng kiến tiếp cận y tế Quỹ Clin - tơn) đang phát huy hiệu quả. Về khó khăn, cán bộ làm công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tại cơ sở chủ yếu là làm kiêm nhiệm nên thường xuyên có sự thay đổi về cán bộ; triển khai hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ còn khó khăn ở một số huyện, xã vùng cao do tập quán, trình độ văn hóa của người dân còn thấp; sự kết nối, chuyển gửi và theo dõi một phụ nữ mang thai nhiễm HIV từ khi mang thai đến khi chuyển dạ và sau sinh, giữa các khoa, phòng trong cùng một đơn vị cung cấp dịch vụ lây truyền mẹ sang con của một số địa phương còn hạn chế và chưa được quan tâm.
PV: Thời gian tới, cần phải làm gì để phát huy hiệu quả các chương trình?
Bác sỹ Phan Duy Tiêu: Năm 2015, với mục tiêu “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con” và những năm tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện và mở rộng mô hình dự phòng lây truyền HIV toàn diện, phù hợp với từng tuyến, lồng ghép các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Thực hiện dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ và dự phòng có thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế. Xây dựng cơ chế chuyển tuyến hiệu quả giữa các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, cơ sở chăm sóc trước sinh, các cơ sở cung cấp các dịch vụ can thiệp để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cơ sở điều trị và chăm sóc HIV/AIDS cho người lớn và trẻ em.
Cung cấp thuốc ARV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể và đăc biệt là của phụ nữ mang thai trong triển khai các can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, để thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong cộng đồng nói chung và những phụ nữ độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ nhiễm HIV nói riêng.
PV: Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con năm nay có điểm gì mới so với mọi năm?Kế hoạch hành động cụ thể triển khai Tháng cao điểm này như thế nào, thưa ông?
Bác sỹ Phan Duy Tiêu: Về cơ bản, tháng cao điểm năm nay vẫn tiếp tục tập trung vào 7 nhóm đối tượng chính với các hoạt động như hàng năm. Tuy nhiên, năm 2015, sẽ tập trung vào cung cấp dịch vụ phòng lây truyền mẹ con, đặc biệt tại tuyến xã, phường và tổ chức xét nghiệm sàng lọc phát hiện và điều trị sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV bằng 3 thuốc phối hợp và điều trị suốt , với các hoạt động chính: tham mưu với tỉnh, ngành y tế chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp với đơn vị liên quan triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá về các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV với nhiều hình thức như: tổ chức lễ phát động hưởng ứng, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp đến đối tượng; tổ chức giám sát hỗ trợ chuyên môn tại các cở sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền mẹ con trong Tháng cao điểm; cung cấp tài liệu truyền thông, vật tư sinh phẩm xét nghiệm; cung ứng đầy đủ thuốc ARV phục vụ dự phòng lây truyền mẹ con tại các cơ sở sản khoa.
Trần Minh (thực hiện)
Các tin khác
Lúc nào chị cũng nghĩ rằng mình đã làm tất cả cho con, vì con. Rồi vô tình chị đọc được trang nhật ký của con:
Theo thông báo của Bộ Tài chính về xác định cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo được xét giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN), danh mục bệnh hiểm nghèo để cơ quan thuế làm cơ sở xem xét giảm thuế gồm 42 bệnh.
Đây là một trong những đề xuất được Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra tại một dự thảo nhằm ngăn chặn tin nhắn rác.
YBĐT - Ngày 16/6, tại Phòng khám Đa khoa khu vực tại thôn Hồng Sơn, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, Sở Y tế đã chính thức khai trương cơ sở tiếp nhận các bệnh nhân nghiện để thay thế chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng việc sử dụng thuốc Methadone. Dự lễ khai trương có lãnh đạo Sở Y tế, huyện Văn Chấn và các ngành chức năng của địa phương.