Văn nghệ Yên Bái vùng cao: Món ăn tinh thần độc đáo
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/6/2015 | 9:05:59 AM
YênBái - YBĐT - Từ tháng 10 năm 2011, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Yên Bái xuất bản ấn phẩm Văn nghệ Yên Bái vùng cao (VNYBVC) theo định kỳ 1 số/quý, đến năm 2015 tăng thành 2 tháng một số. Với các thể loại: ký, ghi chép, tản văn, truyện, thơ và thơ song ngữ, phê bình - giới thiệu tác phẩm, giới thiệu di tích lịch sử - văn hóa… đều có nội dung dân tộc, miền núi đã làm nên một ấn phẩm văn nghệ - báo chí đa chức năng.
Ấn phẩm văn nghệ Yên Bái vùng cao.
|
Thông qua các tác phẩm sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu - phê bình, kết hợp giữa tính nghệ thuật và tính báo chí vừa thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền, định hướng giáo dục lại vừa có những tác động thẩm mỹ tới công chúng độc giả nói chung và vùng cao, dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng.
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, mới đây Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Đổi mới, nâng cao chất lượng của Văn nghệ Yên Bái vùng cao, phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật đặc sắc của các DTTS Yên Bái, thiết thực góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh”.
Tham dự Hội thảo, các đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái, các văn nghệ sỹ, cộng tác viên… đều khẳng định sự ra đời của VNYBVC là cần thiết và đã có những thành tựu nhất định, cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng.
Ông Nông Thụy Sỹ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: “VNYBVC ra đời là một hướng đi đúng, phục vụ một lượng độc giả có tính đặc thù, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, hưởng thụ văn hóa của nhân dân các dân tộc Yên Bái; là một kênh tuyên truyền bằng VHNT (văn học nghệ thuật)”. Ông Nguyễn Đức Long, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh về giá trị bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc: “Bản sắc văn hóa của các DTTS trong tỉnh luôn được bảo tồn và phát triển, đạt được kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của VNYBVC”.
Ông Phí Văn Nam, Phó tổng biên tập Báo Yên Bái đánh giá: “Điều mà chúng tôi đánh giá rất cao là ấn phẩm VNYBVC có tới 4 ngôn ngữ là: Việt, Tày, Thái và Mông… Tòa soạn đã khéo léo dẫn dắt bạn đọc vào những câu chuyện gắn bó cuộc sống thường nhật để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống”... Đối với các tác giả, cộng tác viên những người trực tiếp tạo nguồn tác phẩm cho VNYBVC cũng chia sẻ: “Có thể nói VNYBVC từ ngày ra đời đã khẳng định chỗ đứng của mình với nhân dân các dân tộc tỉnh nhà… Tác phẩm đến với bà con dân tộc như một món ăn tinh thần trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, đáp ứng nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc văn hóa dân tộc” (Hoàng Tương Lai- tác giả sưu tầm, biên dịch văn hóa dân gian Tày).
Bên cạnh việc đánh giá thành tựu, các ý kiến tham luận cũng đã chỉ ra những hạn chế của ấn phẩm và đưa ra những góp ý nhằm nâng cao chất lượng của VNYBVC. Trước hết, cần xây dựng đội ngũ sáng tác, nhất là tác giả người DTTS. Cần tổ chức hội nghị cộng tác viên, tổ chức các lớp tập huấn, trại sáng tác và thâm nhập thực tế, có chế độ nhuận bút, thù lao hợp lý cho đội ngũ tác giả, cộng tác viên của VNYBVC. Ngoài việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên, cần huy động được sự tham gia đồng hành của các đơn vị chức năng liên quan hỗ trợ.
Về nội dung, có ý kiến cho rằng ngoài các bài viết, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian cầng tăng cường các bài viết nêu gương các điển hình tiên tiến nhất là các già làng, trưởng bản trong phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng đời sống đoàn kết, xây dựng nông thôn mới. Về hình thức, do đặc thù của ấn phẩm cần hình thành phong cách trình bày riêng, văn phong cần gần gũi với cuộc sống đồng bào. Về song ngữ nên phiên âm tiếng Mông, Thái, Tày, Dao nhưng phải đúng và hay. Nhiều ý kiến thống nhất cần tăng lượng phát hành…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Triệu Tiến Thịnh, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị: “Tiếp tục duy trì ấn phẩm VNYBVC, thực hiện theo quy hoạch báo chí của tỉnh. Cần nâng cao chất lượng nội dung, đa dạng, mộc mạc, tinh khiết nhưng phải có tính nghệ thuật cao, chống quan điểm dễ dãi. Ban biên tập cần chú ý 3 vấn đề chính: Nội dung chính trị, hình thức trình bày và tính nghệ thuật của ấn phẩm…”. Là người đã xây dựng chuyên mục và tham gia làm VNYBVC từ những ngày đầu tiên, hiểu công việc “bếp núc” và những khó khăn, vướng mắc của Ban biên tập, quả thực cuộc Hội thảo đã mang ý nghĩa thiết thực. Các ý kiến khen, chê cho một ấn phẩm văn học - nghệ thuật còn non trẻ là điều tất nhiên. Các ý kiến định hướng, đề xuất, góp ý đều rất bổ ích, như câu nói mà đồng bào dân tộc Tày thường bảo nhau: “Mỗi lời nói mỗi nên thuốc”. Thành công của Hội thảo sẽ nằm nhiều ở sự lĩnh hội các ý kiến tham luận, góp ý, để làm thay đổi và nâng cao chất lượng của vấn đề đã được hội thảo, làm sao để VNYBVC thực sự là một ấn phẩm văn nghệ - báo chí đa chức năng của làng báo Yên Bái.
Nguyễn Hiền Lương (Phó chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái)
Các tin khác
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Việc ban hành nghị quyết sẽ đẩy nhanh việc thực hiện đề xuất của người lao động.
Trước tình hình dịch MERS-CoV tại Hàn Quốc tiếp tục gia tăng cả về số ca mắc và tử vong, ngày 18/6 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ngay sau đó Bộ trưởng đã làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội về vấn đề này.
“90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm” là chủ đề hội thảo quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 18-6 tại Hà Nội.
Chiều 18-6, Bộ Giáo dục -Đào tạo (GD-ĐT) có công văn khẩn gửi các sở GD-ĐT, các đại học (ĐH), học viện và các trường ĐH chủ trì cụm thi về việc sửa chữa sai sót trong dữ liệu đăng ký dự thi và gia hạn thời gian nộp hồ sơ.