Đánh mất ngày hè
- Cập nhật: Thứ ba, 23/6/2015 | 3:26:47 PM
YênBái - YBĐT - Con bé nghệt mặt nghe thằng Minh kể chuyện chuyến về quê ngoại nghỉ hè. Ở đó có những mái nhà sàn ẩn hiện dưới tán rừng cọ, mỗi khi trời đổ mưa rào nghe lộp độp tựa ai gõ mái tôn. Rồi các buổi chiều cùng lũ trẻ quê thả diều và lặn ngụp trên dòng sông Chảy. Sống ở thành phố, thi thoảng được đưa đến bể bơi mà sao thèm cái không gian thoáng đãng quê kiểng ấy thế. Nó hằng ao ước đi đây đó tránh được sự ngột ngạt phố phường và tăng hiểu biết về vùng đất mới.
Nhưng bố đi công tác xa, mẹ chỉ lo con gái kém bạn bè nên đã xây dựng kế hoạch học tập và rèn luyện trong hè mong bổ khuyết những gì còn thiếu. Thế nên, vừa cất cặp sách vở được đôi ngày mẹ đã đăng ký cho nó theo học khóa đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em. Hôm đưa đến lớp mẹ bảo:
- Con học lớp 5 rồi nhưng nhút nhát quá, suốt ngày quanh quẩn với sách vở cùng ti vi và máy tính, phải rèn luyện để mạnh dạn hơn.
Được vài buổi đã chán, toàn xem băng hình và tập giải quyết các tình huống giả định. Và thấy như chưa đủ, mẹ còn đăng ký cho nó theo lớp tập làm MC để rèn kỹ năng nói; tiếp tục luyện đàn oóc - gan với các bài nâng cao đánh hợp âm phức. Rồi tin nghe phong thanh ở đâu trường THCS dẫu không thi tuyển sinh đầu cấp song vẫn tổ chức kiểm tra trình độ và kỹ năng để xếp lớp chọn, mẹ liền cùng mấy phụ huynh tổ chức lớp ôn luyện cho các con. Vẫn mấy môn quen thuộc như Toán, Tiếng Việt và càng không thể bỏ qua Tiếng Anh. Hình như quá lo lắng cho bọn trẻ mà các bậc cha mẹ lẫn thầy, cô giáo đều nhất trí cần tăng buổi học. Vậy là kín tuần, có ngày học cả sáng lẫn chiều hoặc tối vì thầy còn nhiều chương trình khác.
Đúng lúc bố về nghỉ phép. Nhìn con gái đang tuổi hồn nhiên mà nét mặt lúc nào cũng đăm chiêu nên càng thương cảm. Nhân lúc rảnh rỗi sau bữa cơm chiều, bố chuyện trò với mẹ:
- Anh thấy con dạo này có vẻ mệt mỏi lắm, hay dừng học thêm để nó thực sự được nghỉ hè?
- Dừng sao được, thời buổi ngày nay là phải học. Nghỉ hè càng phải tranh thủ, bỏ bây giờ là thua bạn kém bè ngay.
- Việc học sinh được nghỉ hè là người ta đã tính kỹ những đặc điểm tâm sinh lý của tuổi học sinh rồi. Sau những tháng học hành mệt mỏi cũng cần có thời gian để chúng được nghỉ ngơi, vui chơi; được tiếp xúc nhiều với thiên nhiên và để mà lớn nữa. Không nên tạo áp lực lên bọn trẻ khiến đứa nào đứa nấy như già trước tuổi.
- Anh lý thuyết quá, cứ dạo quanh thành phố thử xem, chỗ nào chẳng học. Nếu không sao lại mọc lên nhiều trung tâm, nhiều cơ sở ôn luyện thế.
- Chính căn bệnh thành tích trong học hành, thi cử đã bám sâu vào suy nghĩ của phụ huynh cũng như của nhà trường và thầy cô khiến trẻ thơ phải chịu nhiều áp lực trong việc học hành, đến ngay cả kỳ nghỉ hè cũng không được yên thân! Bố cao giọng cương quyết.
Chừng nghe ra, mẹ dịu giọng bảo: "Để em bàn lại với các mẹ, tính cho các con tạm nghỉ, sau thì xếp lịch thưa thưa ra vậy. Mà có khi nhân dịp này gia đình mình cũng bố trí đi du lịch ít ngày để con được thực sự nghỉ hè anh nhỉ!".
Nam Hà
Các tin khác
YBĐT - Phải khẳng định rằng trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh nói chung và thành phố Yên Bái nói riêng luôn quan tâm dành mọi nguồn lực cho trẻ em theo quan điểm dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, nhận thức về các quyền tham gia của trẻ còn hạn chế.
YBĐT - Để làm tốt công tác phòng ngừa, không phát sinh người nghiện mới, cấp ủy, chính quyền xã An Bình (huyện Văn Yên) đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, rà soát, truy quét tội phạm ở tất cả các thôn, bản.
YBĐT - Chương trình “Học kỳ trong quân đội” là một hoạt động thường niên đã được Tỉnh đoàn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức từ năm 2011. Đây là chương trình nhằm tăng cường kiến thức quốc phòng cho thế hệ trẻ, đồng thời giúp các giúp các đoàn viên, thanh thiếu niên (TTN) nâng cao ý thức tự giác, ý thức kỷ luật, biết khắc phục khó khăn, vượt qua những thử thách trong học tập, lao động.
YBĐT - Gia đình là một nhân tố không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam. Cùng với làng, nước (Tổ quốc), gia đình tạo thành cái trục bền vững của cộng đồng Việt Nam. Trong quá trình dựng nước, giữ nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội đến thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, con người và gia đình Việt Nam gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của Tổ quốc.