Thị trấn Yên Bình: Bứt phá phát triển toàn diện

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/6/2015 | 3:01:35 PM

YênBái - YBĐT - Nằm giữa trung tâm huyện Yên Bình, thị trấn Yên Bình là đầu mối giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện. Với vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng phát triển thương mại - dịch vụ; nông, lâm, ngư nghiệp... dồi dào cùng sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng là điều kiện tốt để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển toàn diện.

Thị trấn Yên Bình phát triển mạnh thương mại - dịch vụ với hệ thống cửa hàng dày đặc.
Thị trấn Yên Bình phát triển mạnh thương mại - dịch vụ với hệ thống cửa hàng dày đặc.

Ông Lương Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Bình phấn khởi trao đổi với chúng tôi: "Thị trấn Yên Bình đang có bước phát triển mạnh mẽ, kết quả như này là nhờ vào sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Chúng tôi đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước lãnh đạo nhân dân phát triển đa dạng các ngành nghề, dịch vụ gắn với trồng rừng, chăn nuôi thủy, đặc sản, mở ra nhiều hướng đi mới thoát nghèo và làm giàu cho dân. Nhờ đó, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng và phát triển mạnh với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm 85% (tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ); tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp giảm dần và từng bước đi vào sản xuất hàng hóa; tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, thu nhập bình quân đạt 40,5 triệu đồng/người/năm".

Với lợi thế là thị trấn cửa ngõ, thuận tiện giao thông giữa các vùng miền, lại nằm trong vùng khu công nghiệp phía Nam của tỉnh nên thời gian qua sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển mạnh, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư. Trên địa bàn thị trấn có hai nhà máy xi măng là hai doanh nghiệp lớn cùng với trên 20 doanh nghiệp sản xuất hàng cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến chè, chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất bao bì… không chỉ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lao động lớn dôi dư ở địa phương mà còn thúc đẩy các loại hình dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, vận tải và du lịch phát triển mạnh, từ đó đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Lĩnh vực thương mại chiếm ưu thế với trên 30 doanh nghiệp kinh doanh đủ các loại hình như: dịch vụ ăn uống, nhà hàng, kinh doanh hàng công nghệ phẩm… hoạt động khá hiệu quả. Ngoài ra, chợ trung tâm thị trấn với hàng trăm tiểu thương đăng ký kinh doanh, dọc trục đường quốc lộ 37 và quốc lộ 70 với gần 700 hộ hoạt động buôn bán đa dạng đã tạo nên những khu phố kinh doanh sầm uất.

Cùng với việc thúc đẩy sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thị trấn Yên Bình còn có nhiều hộ dân sống trong các khu dân cư xa đường quốc lộ có lợi thế về đất đai để sản xuất nông - lâm - nghiệp nên địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đầu tư phát triển. Cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước và các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp từng bước đã đi vào chiều sâu, sản xuất theo hướng hàng hóa, hiệu quả kinh tế trên từng loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên.

Một số cây, con có năng suất chất lượng cao như: thanh long ruột đỏ, bưởi… đã được đưa vào thay thế những cây bản địa truyền thống như: xoài, nhãn, cam trên đất vườn tạp với diện tích hàng chục héc ta ở các tổ 14a, 14b, 15a, 15b. Thị trấn cũng được coi là địa phương có thế mạnh về trồng rừng. Với trên 1.100ha rừng sản xuất trồng các loại cây truyền thống: keo, bồ đề, bạch đàn mô và một số diện tích trồng cây sưa, mỗi năm thị trấn khai thác từ 90 - 100ha rừng, sản lượng gỗ đạt 5.000 - 6.000m3, cho giá trị thu nhập trên 15 tỷ đồng. Khai thác đến đâu, bà con tiến hành trồng ngay tới đó nên đã nâng độ che phủ của rừng đạt trên 70%. Hàng năm, từ nghề trồng rừng đã đem lại nguồn thu không nhỏ và làm giàu cho nhiều hộ dân.

Song song với trồng rừng, tận dụng lợi thế đất rộng và diện tích mặt nước hồ Thác Bà lớn nên người dân chú trọng đến chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Ngoài việc chăn nuôi mang tính tận dụng, tự cung tự cấp thì người dân đã đầu tư các mô hình chăn nuôi tập trung bán công nghiệp, mang tính hàng hóa. Nhờ đó, đàn lợn trung bình mỗi năm có khoảng 4.000 con, đàn dê duy trì mỗi năm trên 250 con, đàn gia cầm từ 10.000 con trở lên… Cùng với đó, trong nhiệm kỳ qua, nhân dân thị trấn Yên Bình đưa các giống con đặc sản vào nuôi như: hươu sao, ba ba gai, nhím, ong mật… đã đem lại giá trị kinh tế cao.

Tận dụng lợi thế là địa phương có diện tích mặt nước lớn, những năm qua, thị trấn Yên Bình đã tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi thủy sản, đưa các loại cá có năng suất cao, kháng bệnh tốt vào nuôi và bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà. Hiện nay, thị trấn có 56ha ao, đầm và trên 1.000ha mặt nước hồ Thác Bà. Những năm qua, chăn nuôi thủy sản được coi là một trong những thế mạnh để giải quyết bài toán xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Với năng suất bình quân 17 tạ/ha, sản lượng 120 tấn cá thịt, mỗi năm, thị trấn thu về gần chục tỷ đồng từ chăn nuôi thủy sản. Nhờ chăn nuôi thủy sản, nhiều hộ đã có kinh tế khá giả. Chúng tôi đến khu vực nuôi cá lồng của gia đình anh Hoàng Văn Sử ở tổ 18, hiện đang nuôi 3 lồng cá, trong đó, 2 lồng cá trắm và 1 lồng cá nheo. Anh Sử cho biết: "Nuôi cá lồng trên hồ cá lớn nhanh, không bị bệnh. Nếu tiếp tục được sự hỗ trợ của Nhà nước và vay vốn ưu đãi thì thời gian tới, tôi sẽ nhân rộng và đưa vào nuôi thêm các loại cá đặc sản". Theo anh Sử, nuôi cá trắm trong lồng cũng không khó, nếu thuận lợi cá không mắc bệnh thì thu nhập cao. Một năm, từ 2 lồng cá cũng mang về cho gia đình anh từ 50 - 60 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Biết khai thác tốt tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế, thị trấn Yên Bình vươn lên, tạo một diện mạo, sức bật mới của đô thị trọng điểm. Bằng những giải pháp phù hợp, hiệu quả, thị trấn Yên Bình đang bứt phá trên con đường đổi mới và phát triển để xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Yên Bình.

Hồng Duyên

Các tin khác

YBĐT - Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái có hàng trăm người con xung phong lên đường ra mặt trận. Nhiều người đã anh dũng hy sinh và không ít người trở về với gia đình cũng mang trên mình đầy thương tích chiến tranh.

Hồi 11h ngày 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình.

Cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Nghĩa Lộ lập danh sách hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo.

YBĐT - Nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; những năm qua các ngành, các cấp của thị xã Nghĩa Lộ đặc biệt quan tâm đến chính sách an sinh xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thị xã tạo điều kiện cho người nghèo và cận nghèo vay vốn, tạo việc làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống dân trí với mục tiêu mỗi năm giảm 5% hộ nghèo.

Nhờ huy động tốt mọi nguồn lực, cơ sở vật chất các trường mầm non ở Văn Chấn đã được cải thiện rõ rệt.

YBĐT - Sau gần 5 năm thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015, đến nay, huyện Văn Chấn có 31/31 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập với tỷ lệ huy động trẻ đạt 99,2%. Để duy trì, giữ vững kết quả, huyện đã có nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục (XHHGD) để huy động sự đóng góp từ nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục